ClockThứ Tư, 19/10/2016 06:23

Chủ động ứng phó siêu bão

TTH - Bão số 7 (tên quốc tế là Sarika) được đánh giá là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, “sau lưng” nó trên biển lại đang hình thành cơn bão mới (tên quốc tế là Haima) nên hiện nay, các địa phương tích cực triển khai các phương án phòng chống.

Người dân huyện Phú Lộc neo đậu tàu thuyền tại nơi an toàn

Sau áp thấp nhiệt đới, các địa phương vùng biển vừa nỗ lực khắc phục hậu quả nhà cửa tốc mái, thủy sản bị thiệt hại vừa tích cực triển khai công tác phòng chống bão Sarika và Haima.

Tại các vùng thấp trũng ở xã Lộc Trì, bà con nông dân đang tích cực chuẩn bị nhu yếu phẩm, giằng chóng nhà cửa; các hộ dân nằm ở các vùng xung yếu đã được đưa vào danh sách cần di dời khi bão đến. Ở khu neo đậu tàu thuyền vùng ven biển, ngư dân đã đưa tàu bè vào nơi tránh trú an toàn. Ngư dân Trần Văn Đen (thôn Đông Hải), cho biết: “Nhờ kịp thời nắm thông tin lụt bão từ các phương tiện truyền thanh của xã, huyện, các cán bộ xã thường xuyên tuyên truyền, túc trực tại các khu dân cư xung yếu nên người dân luôn chủ động phòng chống thiên tai, lụt bão. Đội tàu đánh bắt xa bờ được tập kết tại nơi tránh trú an toàn ngay từ sớm. Các ngư dân hỗ trợ nhau giằng chóng nhà cửa tại khu vực ven biển, chủ động liên lạc với nhau khi gặp sự cố”. UBND xã Lộc Trì đã chuẩn bị, điều động 3 xuồng nhôm, thuyền máy, một ca nô, 100 áo phao cứu sinh; huy động 20 thuyền máy trong dân để ứng cứu các vùng thượng nguồn hoặc khi cần thiết điều động toàn bộ ghọ máy trên địa bàn.

Người dân cố định lồng nuôi cá, phòng thiệt hại do bão

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền) cho hay, đối với địa phương, ngoài triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, do đang là vụ chính nuôi tôm thẻ chân trắng nên công tác phòng chống thiên tai đối với nuôi trồng thủy sản rất quan trọng. “Khi mưa lớn, ao hồ dễ xảy ra sự cố như, rách bạt, vỡ bờ đê bao, mực nước hồ dâng cao… gây thất thoát tôm. Chúng tôi đã liên lạc với thương lái để thu mua số diện tích trong giai đoạn thu hoạch tránh thiệt hại; gia cố đê bao, bạt và hệ thống quạt nước để đảm bảo an toàn cho tôm trong thời gian mưa bão. Đồng thời, thường xuyên theo dõi thời tiết và tuân thủ đúng sự hướng dẫn của cán bộ xã”, ông Trương Công Lợi (thôn Hải Thành, xã Phong Hải), một hộ nuôi trồng thủy sản nói.

Tại thị trấn Thuận An, hiện có khoảng 1.500 lồng cá đang được thả nuôi. Các hộ nuôi đã cột chặt lồng cá và tiến hành hạ lồng khi bão đến để tránh thiệt hại. Bà Nguyễn Thị Bé (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An) nói: “Hiện, cá lồng đã bước vào giai đoạn thu hoạch, nhưng giá thấp nên tui chưa bán. Mùa mưa bão thường gió to kèm theo mưa lớn khiến các lồng cá dễ bị đứt dây, trôi dạt, gây thất thoát. Ngay từ bây giờ, tui đã dùng dây cố định buộc kỹ lưỡng các lồng cá; hạ lồng nuôi để đảm bảo an toàn cho cá, nhất là lứa cá chuẩn bị thu hoạch”. 

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 2 triệu lít xăng, dầu Diezel và 3.000 lít dầu hỏa để tỉnh điều động khi cần thiết. Tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, mỗi huyện dự trữ  30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác để phục vụ cho đồng bào miền núi khi có bão lũ xảy ra.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cho biết: Để chủ động ứng phó bão số 7, UBND tỉnh đã yêu cầu hồ thủy điện Hương Điền chủ động tăng cường phát điện để tăng dung tích phòng lũ những ngày sắp đến. Hồ Tả Trạch tăng cường phát điện và xả qua cống tháo sâu để đưa mực nước về +25m, đồng thời phối hợp với điện lực để có phương án cấp điện, vận hành hồ khi cần thiết. Thủy điện A Lưới tăng cường xả qua tràn để có dung tích phòng lũ, đồng thời có phương án cảnh báo cho nước bạn Lào, chủ động ứng phó. Riêng Công ty TNHHNN MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra các cống qua đê, công trình thủy lợi để khơi thông rác, bèo gây tắc nghẽn.

Tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã triển khai nhanh một số phương án để chủ động ứng phó bão số 7 và mưa lớn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, đóng cửa biển, các bãi ngang ven biển; tổ chức neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn, quản số ghe thuyền ở các xã bãi ngang ven biển, đầm phá, không cho người ở lại trên các thuyền bè, chòi nuôi trồng thủy hải sản khi có mưa bão. Các địa phương tổ chức rà soát phương án sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

          NGUYỄN KHÁNH - LÊ THỌ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô
Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top