ClockThứ Hai, 08/09/2014 06:00

Chủ nhân Tết trung thu

TTH - Tuổi thơ của tôi gắn liền với đất nước thời chiến tranh, kinh tế khó khăn nên Tết Trung thu cũng rất đơn giản. Chỉ có ít trái cây cùng chiếc đèn ông sao tự làm, nhưng chúng tôi vẫn vui như… Tết. Cái vui của trẻ thơ chúng tôi chưa hẳn là do đầy đủ về vật chất, mà là không khí háo hức được làm đèn ông sao, chuẩn bị xâu hạt bưởi phơi khô để làm đèn, bày biện “mâm cỗ”. Buổi tối, chúng tôi tập trung đình làng, vui chơi múa hát, rước đèn ông sao dưới sự hướng dẫn của các anh chị đoàn viên thanh niên trong thôn. Tan cuộc, về nhà bày “mâm cỗ” trước sân cùng ngắm trăng chờ đến giờ phá cỗ trong sự chung vui của cả gia đình.

Tết Trung thu là Tết của trẻ thơ. Tất cả các trò chơi và đồ chơi đều khởi nguồn từ thị hiếu của trẻ thơ và nhằm đem lại niềm vui cho trẻ thơ. Với ý nghĩa đó, trong dịp này, các bậc phụ huynh đều dành kinh phí, thời gian để chọn mua cho con trẻ những chiếc bánh Trung thu, những đồ chơi phù hợp với túi tiền và lành mạnh. Các tổ chức, đoàn thể, cơ quan đơn vị đều quan tâm tặng quà, tổ chức vui chơi cho các cháu. Đặc biệt, với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa thì chiếc bánh trung thu, một chiếc đèn ông sao được nhận trong dịp này sẽ là niềm vui nhớ mãi. Ở cơ quan tôi, mấy ngày vừa qua, các anh chị đoàn viên, thanh niên dù rất bận bịu nhưng vẫn kết nối với các đơn vị, các nhà tài trợ chuẩn bị hàng trăm suất quà, trực tiếp về tổ chức vui Tết Trung thu cho trẻ em vùng ven biển Quảng Ngạn (Quảng Điền). Tôi tin, những việc làm ý nghĩa đó sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp cho trẻ em nơi đây và mong trẻ em ở các vùng khó khăn khác cũng có được niềm vui tương tự.

Hiện nay, đất nước ngày càng phát triển, điều kiện vật chất đầy đủ hơn, có nhiều đồ chơi, trò chơi để lựa chọn hơn, nhưng các cháu chưa hẳn đã vui hơn. Cái gì cũng có sẵn, các cháu đâu còn có thú vui được tự tay làm những đồ chơi yêu thích như trống ếch, đèn ông sao.... Hơn nữa, trong các cuộc vui, đa phần các cháu lại đứng ngoài để nhìn người khác vui chơi thì còn gì là hấp dẫn. Chẳng hạn chuyện múa lân. Trẻ nào chẳng thích được cầm đầu lân quay một vòng, hoặc phe phẩy chiếc quạt của ông địa, hay đơn giản chỉ là tung tăng theo đoàn múa lân đi quanh xóm... Nhưng thực tế, ngoài vài đội lân ở các nhà thiếu nhi, câu lạc bộ tổ chức biểu diễn, thi tài, còn lại đa phần do một nhóm nhỏ tự lập ra để đi múa kiếm tiền. Lân chà lui xát lại vài đoàn, nhiều gia đình phát sợ, cổng đóng, điện tắt tối om. Các em thiếu nhi được cha mẹ chở đi xem múa lân, nhưng chỉ là… xem người, ngửi bụi và nghe tiếng trống đinh tai nhức óc. 
Trung thu là tết của trẻ em. Khi đã trải đời, tôi mới lý giải được vì sao ngày xưa vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn rất vui và ấn tượng với Tết Trung thu. Bởi, chúng tôi thực sự là chủ nhân cuộc vui đó. Vì vậy, tạo điều kiện để trẻ em được làm chủ, được trực tiếp tham gia vào những cuộc vui thì mới đem lại niềm vui đúng nghĩa cho trẻ và không làm mất đi ý nghĩa của tết trẻ thơ.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Return to top