ClockThứ Bảy, 24/10/2020 19:04

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra khắc phục lũ lụt vùng thấp trũng

TTH.VN - Chiều 24/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi kiểm tra khắc phục lũ lụt tại các địa bàn vùng thấp trũng, ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, phải rà soát, không để học sinh thiếu sách vở, áo quần, trường lớp an toàn mới đón học sinh đi học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải rút ra được bài học trong phòng chống lũ lụt”Thừa Thiên Huế trao 300 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tỉnh Quảng BìnhHơn 4 tỷ đồng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũNgày lễ 20/10 hướng về vùng lũ lụtAn toàn tính mạng và tài sản trong mùa bão, lũDốc sức khôi phục sản xuấtNước dâng nhanh, người dân tất bật chống lũ lụtGóp sức vì người dân vùng lũ

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện còn nhiều điểm trường học sinh chưa thể đến lớp. Đợt lũ lần này nước dâng cao, nhanh, nhiều thiết bị dạy học, sách vở dù đã được các trường học kê cao nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm. Khi nước bắt đầu rút, trong điều kiện nhiều giáo viên, phụ huynh vẫn bị cô lập, điện chưa có, việc dọp dẹp trường học gặp nhiều khó khăn. Những ngày qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang có mặt tại vùng ngập lụt hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo dọn dẹp. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý về cơ sở vật chất đảm bảo cho học sinh trở lại trường lớp sau lũ

Sau khi kiểm tra thực tế tại các điểm trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc thọ ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động vào cuộc khắc phục hậu quả lũ lụt. Quan điểm nhất quán là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới cho học sinh đến lớp. Những trường nào nước rút, hoàn thành công việc dọn dẹp, sửa sang và đường sá đi lại thuận lợi mới được tổ chức dạy học trở lại. Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, trường học chủ động điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp lịch dạy bù.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Sở Giáo dục, nhà trường, các địa phương rà lại soát lại cơ sở vật chất, hạ tầng trường lớp; đồng thời, nắm số lượng học sinh có sách vở bị ướt do ngập lụt, thiếu sách vở đến trường, kịp thời có phương án hỗ trợ, không để em nào không có sách vở, áo quần khi đến trường.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý công tác quản lý học sinh sau khi tan trường. “Sau mỗi buổi học, giáo viên phải dặn dò học sinh tuyệt đối không đến những nơi như sông, suối, ao hồ và những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các trường mầm non, việc tổ chức quản lý các cháu trước nguy cơ té nước ao hồ quanh trường phải đặc biệt quan tâm ở mức cao nhất, không để sảy ra những sơ suất đáng tiếc”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến kiểm tra các hệ thống, đường sá, đê điều, ruộng vườn bị bồi lấp, bị hư hại do mưa lũ, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung khắc phục để triển khai vụ đông xuân.

Không chủ quan với bão số 8

Mặc dù dự báo hướng đi của bão số 8 không vào địa bàn tỉnh, nhưng các địa phương vẫn không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó.

Xã Quảng An (Quảng Điền) chủ động dự trữ lương thực

Dự báo từ chiều tối 24/10 đến 26/10, do ảnh hưởng của bão số 8, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương, ban ngành, các chủ công trình không chủ quan, lơ là, chủ động ứng phó bão số 8 và mưa lũ có thể xảy ra.

Đến chiều tối 24/10, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn ngập nước. Hoạt động cứu trợ người dân các vùng ngập lũ vẫn tiếp tục diễn ra với quyết tâm không để hộ nào thiếu đói. Cùng với công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu trợ lương thực, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó bão số 8.

Ảnh hưởng bão số 8 nên vùng biển Thừa Thiên Huế biển động mạnh, các địa phương yêu cầu, hướng dẫn ngư dân chủ động kiểm tra, giằng neo tàu thuyền an toàn. Các địa phương ven biển Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Trà đã được hỗ trợ, phân bổ vật tư, thiết bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai gia cố, hạn chế tối đa sạt lở bờ biển; chủ động sơ tán các hộ ven biển có nguy cơ mất an toàn do sạt lở.

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền cũng như các chủ công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh cho biết, các đơn vị vẫn tiếp tục tuân thủ quy trình điều tiết mực nước trong hồ để đón các đợt lũ mới, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và vùng hạ du.

Một số vùng thấp trũng ở Hương Phong (TX. Hương Trà) vẫn còn ngập nước

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin, mùa mưa bão được dự báo vẫn còn kéo dài nên lương thực, thực phẩm đảm bảo phục vụ đời sống Nhân dân đang được các cấp, ban ngành quan tâm. UBND tỉnh vừa có quyết định hỗ trợ, phân bổ 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia và 4 tấn lương khô từ nguồn hỗ trợ của Quân khu 4 cho các huyện, thị xã và thành phố Huế phục vụ cứu trợ cho Nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, các địa phương căn cứ số lượng gạo, lương khô được phân bổ và tình hình thực tế của các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa lũ để hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng quy định. Cơ quan chức năng, đoàn thể có trách nhiệm kiểm tra và đôn đốc việc cấp phát, phân bổ gạo, lương khô đảm bảo quy định, hoàn thành việc giao, nhận đến hết ngày 31/10/2020.

Trao tặng 2 ca nô và 500 triệu đồng cho người dân vùng lũ

Ngày 24/10, tại Bến thuyền cầu Dã Viên, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Huế đã tổ chức trao tặng 2 chiếc ca nô và 500 triệu đồng của Hội DNT Việt Nam cho UBMTTQVN tỉnh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh để cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh trao máy phát điện và hướng dẫn sử dụng cho người dân 

Theo đó, 2 ca nô được giao cho Hội DNT tỉnh quản lý, số kinh phí được Hội DNT tỉnh phân bổ, trao quà cho các địa phương ảnh hưởng bão lụt vừa qua trên địa bàn tỉnh.

Từ 18/10 đến nay, Hội DNTVN – HDNT Huế và một số doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng đồng hành đã trao gần 1.400 suất quà là nhu yếu phẩm, áo phao… với tổng trị giá 310 triệu đồng, tặng 4 máy phát điện với tổng giá trị 30 triệu đồng.

Hiện, còn 6 máy phát điện sẽ được Hội DNT tỉnh tiếp tục trao cho người dân các địa phương thời gian tới và số tiền còn lại sẽ dành cho việc hỗ trợ xây nhà, sửa nhà cho các hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng thiên tai vừa qua.

Gần 1.100 suất quà hỗ trợ người dân vùng ngập lụt, sạt lở ở A Lưới

Trao quà hỗ trợ người dân

Cùng ngày, Ủy ban MTTQVN huyện A Lưới phối hợp với các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trao tặng gần 1.100 suất quà cho người dân các địa phương bị ngập lụt, sạt lở.

Trong gần 1.100 suất quà, có 350 suất quà (mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng) do phòng PA02 – Công an tỉnh trao tặng cho người dân các xã: Quảng Nhâm, Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn, Hồng Bắc, A Roàng và Hồng Thượng. Ngoài ra, phòng PA02 – Công an tỉnh cũng trao tặng 10 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình ở xã Trung Sơn bị sập nhà hoàn toàn có thêm kinh phí để xây dựng lại nhà và 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình nhà bị tốc mái ở xã Hồng Thủy. Tổng kinh phí hỗ trợ và tặng quà cho người dân khoảng 260 triệu đồng.

Đại diện Ủy ban MTTQVN huyện A Lưới và Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện A Lưới cũng trao thêm 300 suất quà (300 nghìn/suất) cho các hộ dân ở xã Hồng Thủy, Hồng Kim, Hồng Bắc. Bên cạnh đó, còn có 200 suất quà (mỗi suất 300 nghìn đồng) của chùa Sùng Quang (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ người dân xã Hồng Thượng; 200 suất quà của một nhóm từ thiện tại Huế (mỗi suất 300 nghìn đồng) cho người dân xã Hồng Thượng, Phú Vinh và 20 suất quà (300 nghìn đồng/suất) của Bưu điện A Lưới trao tặng cho người dân xã Hồng Thủy.

Tin, ảnh: Thái Bình-Hoàng Thế-Liên Minh-Hữu Phúc

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Ngày 6/3, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025” và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42 CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra chiều 29/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động phương án, xây dựng kịch bản phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%, cao hơn Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra (8,5 - 9,5%).

Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10
Return to top