ClockThứ Năm, 07/04/2016 06:02

Chú trọng công năng sử dụng của hàng lưu niệm

TTH - Chuyển đổi sản xuất từ những mặt hàng tiêu dùng sang hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch là hướng đi đúng và cần thiết đối với một số trung tâm, cơ sở bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, để những sản phẩm nhận được sự yêu chuộng của khách hàng, ngoài tính năng lưu niệm, quan trọng phải có giá trị sử dụng.

Nhiều du khách thích thú với hàng lưu niệm được làm từ vật liệu tái chế

Cần thêm thời gian

Hiện nay, nhiều cơ sở, trung tâm bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi đã sản xuất ra các sản phẩm phục vụ du khách. Ngoài các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đặt hàng thì một phần phục vụ khách đến tham quan ngay tại trung tâm. Mẫu mã cũng khá đa dạng, trong đó, chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ và một số sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày.

Ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch Hội cho biết, chuyển đổi từ các mặt hàng tiêu dùng được xem là hướng đi lâu dài khi ngành du lịch là thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, do khá mới mẻ, tay nghề của người lao động còn hạn chế nên dù đã có nhiều sản phẩm, song chưa được phong phú lắm. Ông Vương nhấn mạnh, chất liệu và mẫu mã là hai yếu tố quan trọng mà cần có thêm thời gian nghiên cứu, tránh tình trạng sau khi khách mua hoặc được tặng thì bỏ lại ở cơ sở lưu trú. “Gần đây, Hội có phối hợp với một đoàn khách nước ngoài đến trao quà từ thiện cho các cơ sở bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi. Sau chuyến làm từ thiện, khách được tặng quà lưu niệm do các cơ sở làm ra. Nhưng chúng tôi quá bất ngờ khi được lễ tân điện báo đến lấy sản phẩm về vì các vị khách này đã để lại ở khách sạn. Không biết nguyên nhân vì sao, do cồng kềnh, nặng nề hay thiếu sắc sảo mà họ không mang về nước”, ông Phạm Bá Vương cho hay.

 Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Hương Giang Travel, đánh giá: “Phải khách quan rằng, những mặt hàng do những cơ sở này làm ra không được sắc sảo so với những nơi chuyên làm quà lưu niệm. Chẳng hạn như đèn lồng nếu so sánh hai bên thì ngoài thị trường sẽ có nhiều mẫu mã bắt mắt hơn, dù giá thành cao song du khách vẫn chọn để mua. Cách đây không lâu, với tư cách cá nhân, tôi đã đến một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của những người khuyết tật. Thật lòng, tôi rất muốn mua một sản phẩm, nhưng đứng góc độ của người tiêu dùng thì sản phẩm đó không biết để làm gì, giá trị sử dụng rất thấp, dù theo như lời giới thiệu và trong mắt của cơ sở thì sản phẩm họ rất đẹp, công phu”.

Anh Tôn Thất Thân, hướng dẫn viên du lịch Công ty Insider Journeys (Úc) lưu ý cho rằng ngoài nhu cầu của từng dòng khách khác nhau thì việc mang những mặt hàng lưu niệm về nước ở một số quốc gia khá khó khăn phức tạp, bị kiểm soát rất gắt gao. Nguyên nhân là tình trạng dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều nên khâu nhập cảnh và kiểm dịch chặt chẽ hơn. Chỉ riêng ở Úc và New Zealand, những sản phẩm quà lưu niệm được làm từ gỗ và tre thì hầu hết du khách sẽ không mua vì phải kiểm dịch, mà thông thường phí kiểm dịch cho một sản phẩm gấp 3-5 lần so với giá thành mua ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu có mua thì phải vận chuyển bằng đường biển, tốn rất nhiều thời gian và có khi hàng bị thất lạc.

Tính đến giá trị sử dụng

Không nên tạo ra cảm giác bắt buộc mua hàng khi du khách đến tham quan, nếu sản phẩm không được khách thích thì họ sẽ không có lần trở lại thứ hai. Cần xem đây là hoạt động kinh doanh thực sự như những mặt hàng khác, có cạnh tranh, vận động thay đổi phù hợp với xu hướng trên thị trường, khi đó mới phát triển lâu dài.

Chị Trần Thị Thương góp ý

Chị Trần Thị Thương, quản lý cửa hàng Healling The Wounded Heart (bán hàng lưu niệm tái chế do người khuyết tật làm ra), đường Phạm Ngũ Lão cho biết: “Cơ sở hoạt động và đón lượng khách ổn định như hiện nay, ngoài được tổ chức nước ngoài giúp đỡ ban đầu thì quan trọng nhất là các sản phẩm có công năng sử dụng rất cao. Hơn thế, tất cả các sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế nên khách nước ngoài rất thích. Chúng tôi luôn tìm hiểu và cố gắng làm ra những sản phẩm mới, mẫu mã phù hợp thị hiếu của khách như túi xách, đồ đựng vật dụng sinh hoạt hằng ngày...Có lẽ nhờ những yếu tố đó mà nhiều khách nước ngoài đến Huế lần thứ hai thì luôn tìm đến và mua một vài sản phẩm mang về nước”.

“Nhiều du khách không phải đến riêng Huế mà đi nhiều nơi, mỗi nơi mua một ít, nếu mặt hàng của mình cồng kềnh thì rất khó để khách lựa chọn, dù họ tỏ ra rất thích thú. Bởi vậy, chúng tôi phần nào rút kinh nghiệm nên sau này khi làm quà lưu niệm thì cố gắng nhỏ gọn và có thể sử dụng, trước mắt sẽ làm những mẫu khăn thêu nhỏ gọn và hoa văn độc đáo, sau đó sẽ tiến tới các mặt hàng khác”. Ngoài những nỗ lực tự thân, các bên cần chung tay tìm ra những mẫu mã phù hợp và các công ty du lịch liên kết để tạo nguồn khách ổn định”, ông Phạm Bá Vương cho biết.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm, khi du lịch kết hợp từ thiện ngày càng được du khách lựa chọn và kết hợp trong tour thì các cơ sở cần đứng ở góc độ của khách hàng, nắm bắt thị hiếu để sản xuất ra các mặt hàng phù hợp. Bởi vì, khi du khách đến thăm các cơ sở, chắc chắn sẽ mua một món hàng, đó cũng là một cách để họ thể hiện sự quan tâm, đóng góp lòng hảo tâm.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng số

Sau cuộc đua tăng phí dịch vụ SMS chủ động thông báo biến động số dư tài khoản ngân hàng cách đây không lâu, trong tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng khác cũng đã thông báo điều chỉnh tăng phí SMS chủ động theo xu hướng chung của hệ thống các ngân hàng.

Khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng số
Sử dụng điện thoại có văn hóa

Hôm rồi đưa vợ đi sinh ở bệnh viện, ngoài mệt mỏi và lo lắng bởi những lý do “ai cũng hiểu”, điều khiến tôi cũng như nhiều người “ám ảnh” nhất có lẽ là tiếng nói chuyện, thăm hỏi qua call video để loa ngoài từ một số người nhà bệnh nhân khiến sản phụ được hỏi thăm… mệt quá, đành đưa điện thoại cho người nhà đang chăm sóc nói chuyện tiếp để nghỉ ngơi.

Sử dụng điện thoại có văn hóa
Return to top