ClockThứ Sáu, 10/09/2021 11:01

Chú trọng tự bồi dưỡng đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông mới

TTH.VN - Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) bắt đầu áp dụng với lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 và lớp 3, 7, 10 vào năm học sau. Ngoài các đợt tập huấn của Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế (một trong 8 trường sư phạm/học viện tham gia chương trình ETEP của Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhiều giáo viên cũng chú trọng tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình mới.

Hiệu quả nâng cao năng lực từ chương trình ETEPĐón đầu những thách thức mới trong đổi mới giáo dục tiểu họcTập huấn, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán 3 tỉnh miền Trung

Giảng viên chủ chốt Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 cho giáo viên cốt cán các tỉnh miền Trung (Ảnh: L.H)

Bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ và có chất lượng

Những ngày qua, cô giáo Nguyễn Đức Hương Trinh (Trường tiểu học Lê Lợi) vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để tự học và bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Chủ động về thời gian học, nhưng không chỉ cả 3 mô-đun đã được tập huấn, cô Trinh còn tự nghiên cứu online thêm mô-đun 4 (Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học). Cô Trinh cho biết, tùy tình hình công việc để sắp thời thời gian tự nghiên cứu. Ngày nào bận học ít, ngày nào có nhiều thời gian hơn sẽ học nhiều. Bao giờ với một mô-đun mới, cô và nhiều giáo viên khác cũng dành ít nhất 2 tuần để tự tìm tòi, nghiên cứu.

Dịch bệnh khiến nhiều hoạt động bị ảnh hưởng, các chương trình tập huấn trực tiếp cũng chưa thể tổ chức. Nhiều giáo viên lại tăng cường nghiên cứu, tự bồi dưỡng online. Theo một giáo viên trung học cơ sở tại Huế, ngoài việc xem lại các nội dung đã được tập huấn, họ còn tìm kiếm, tải các tài liệu về, đối chiếu so sánh với các video, tài liệu được học và rút kinh nghiệm, tìm phương pháp phù hợp.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan (Trường THCS Chu Văn An) cho biết, sau khi được tập huấn 3 mô-đun, hiện các giáo viên cốt cán đang tự học trực tuyến với mô-đun 4. Quá trình tự học, tìm hiểu các nội dung đòi hỏi nỗ lực của chính giáo viên, khi cần thiết giáo viên cũng có thể liên hệ các cán bộ, giảng viên tập huấn của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế để được hỗ trợ.

Theo cô giáo Trần Thị Bích Thủy (Trường THPT Nguyễn Huệ), việc bồi dưỡng phải mang tính thường xuyên, liên tục, cả một quá trình và giáo viên cũng phải phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu một cách hiệu quả. Thông thường trước khi đi tập huấn trực tiếp, giáo viên được chuyển tài liệu, các bài học thông qua hệ thống LMS để nghiên cứu trước. Các giáo viên cũng phải hoàn thành các bài tập liên quan. Dù năm học 2022 – 2023 mới áp dụng chương trình GDPT 2018 cho học sinh lớp 10, nhưng giáo viên cần phải nghiên cứu các phương trước, nghiên cứu sớm để chuẩn bị phương pháp soạn bài, phương pháp giảng bài để đến khi áp dụng có thể đáp ứng được.

Sau giờ làm việc, cô giáo Hương Trinh (Trường TH Lê Lợi) nghiên cứu tài liệu của hệ thống chương trình ETEP

Trong quá trình tự học, tự nghiên cứu, các thầy cô giáo viên thường xuyên liên hệ với các thầy cô là giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt để được hỗ trợ, giải đáp kịp thời các nội dung mới và khó và sau đó vận dụng ngay và thiết kế bài dạy.

Theo cô Thủy, là giáo viên cốt cán, sau khi tham gia các đợt tập huấn do Trường ĐH Sư phạm tổ chức, bản thân cô có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng cho các giáo viên đại trà vì vậy việc tự bồi dưỡng, nghiên cứu kỹ hơn càng rất quan trọng. “Tôi được phân công hướng dẫn, bồi dưỡng cho các giáo viên đại trà. Thời gian mỗi mô-đun thường 10 – 15 ngày. Tùy theo bộ môn, mỗi giáo viên cốt cán sẽ được phân công bồi dưỡng số lượng giáo viên khác nhau, có bộ môn mỗi mô-đun tôi được phân công bồi dưỡng 35 – 40 giáo viên. Đặc biệt, để thực hiện thành công chương trình GDPT 2018, ngoài nội dung đã được tập huấn, tôi cũng phải nghiên cứu thêm rất nhiều để đưa ra những tham khảo phù hợp cho giáo viên trường mình”, cô Thủy kể.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, đợt bồi dưỡng giáo viên cốt cán đã đạt kết quả tốt, đội ngũ này sẽ về bồi dưỡng lại cho giáo viên đại trà, giúp đồng nghiệp hiểu biết sâu sắc hơn về chương trình mới, về chiến lược giáo dục và định hướng nâng cao năng lực nghề nghiệp, vận dụng vào thực tiễn quá trình giảng dạy. Vì thế, giảng viên sư phạm chủ chốt của nhà trường, giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà cũng phải thực hiện bồi dưỡng thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, cao hơn của chương trình GDPT 2018. Hơn nữa mô hình này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, chất lượng thông qua các kênh giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng trong thực tế giảng dạy

Không chỉ tìm tòi, nghiên cứu kiến thức, nhiều giáo viên các trường từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã ứng dụng hiệu quả kiến thức được tập huấn vào thực tiễn giảng dạy, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Giáo viên cốt cán các trường tìm hiểu về các bài giảng sinh động (Ảnh: LH, chụp trước thời điểm đợt dịch bùng phát)

Trong hơn 3 tháng qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã triển khai dạy học trực tuyến cho các cấp. Để đạt hiệu quả học tập tốt nhất, đội ngũ giáo viên cần linh hoạt trong xây dựng phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp yêu cầu của chương trình GDPT mới.

Cô giáo Trần Thị Bích Thủy cho biết, từ việc học trực tuyến của học sinh, giáo viên cũng nghiên cứu các trò chơi trực tuyến dưới hình thức trắc nghiệm kiến thức để làm các bài giảng sinh động. Phương pháp dạy trực tuyến sẽ có những khó khăn hơn so với trực tiếp, vì vậy việc xây dựng những bài giảng trực tuyến sinh động, hấp dẫn sẽ thu hút học sinh và củng cố kiến thức tốt cho học sinh.

Ngay cả với bậc tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đang học qua truyền hình. Để củng cố thêm kiến thức cho học sinh, cô giáo Nguyễn Đức Hương Trinh cũng vận dụng những kiến thức đã được tập huấn, bồi dưỡng để xây dựng nhóm học online giúp học sinh tiếp cận với chương trình GDPT mới, giải đáp những thắc mắc, củng cố thêm kiến thức cho học sinh khi việc tiếp cận kiến thức từ những buổi học còn một số trường hợp đang gặp khó.

Lộ trình áp dụng chương trình GDPT 2018 được Bộ GD&ĐT xác định là năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Với giáo viên các trường, việc bồi dưỡng thường xuyên, liên tục gắn việc vận dụng linh hoạt, phù hợp vào thực tế là giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Để thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong hai ngày 5-6/12, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp trung học cơ sở (THCS) cho các cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 60 học viên Lào

Sáng 5/12, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh khai giảng lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý khóa 1 năm 2023 dành cho 60 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý của 4 tỉnh Salavan, Sê Kông, Champasak, Savannakhet thuộc nước Cộng hòa DCND Lào.

Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 60 học viên Lào
79 học viên tốt nghiệp lớp Bồi dưỡng đối tượng 4

Sáng 1/12, tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã diễn ra lễ bế giảng lớp bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, quản lý là ủy viên, dự nguồn ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và Phó chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố (đối tượng 4).

79 học viên tốt nghiệp lớp Bồi dưỡng đối tượng 4

TIN MỚI

Return to top