ClockThứ Sáu, 29/07/2022 07:55

Chú trọng tuyên truyền, vận động

Cần nhiều mô hình "Ngôi nhà xanh" ở trên địa bàn tỉnh

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường (Nghị định 45) có hiệu lực bắt đầu từ 25/8/2022, quy định: nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Anh Hồ Đăng Khải, đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế chia sẻ và cũng như nhiều người dân nêu quan điểm, nhất trí với việc làm trên, bởi việc thực hiện xử phạt hành vi không phân loại rác là cần thiết. Điều này giúp người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác. Khi rác được phân loại tại nguồn sẽ giúp giảm tải áp lực trong khâu xử lý, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế. Song trước khi tiến hành xử phạt, nhiều người mong muốn ngành chức năng cần thực hiện tốt việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn. Khi thực hiện tốt thì việc xử phạt mới thuyết phục.

Thực tế việc phân loại CTRSH tại nguồn đã được thí điểm nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế, nhưng theo nhận định của cơ quan chức năng thì hiệu quả thực hiện chưa cao. Có nhiều nguyên nhân khiến cho chương trình này chưa đạt mục đích đề ra, trong đó một phần do người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay, với sự đồng hành của dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do tổ chức WWF-Na Uy tài trợ, TP. Huế đang triển khai nhiều hoạt động; trong đó, đẩy mạnh truyền thông giáo dục người dân phương thức phân loại CTRSH tại nguồn. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I thực hiện từ nay đến cuối tháng 10/2022 ở 23 phường thuộc TP. Huế (cũ); tiếp đến là giai đoạn II triển khai thực hiện đối với 36 phường, xã của thành phố vừa mở rộng.

Theo ông Nguyễn Lam Phúc, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế, từ ngày 26 đến 27/7 vừa qua, TP. Huế tổ chức tập huấn hướng dẫn đại diện các tổ chức, đơn vị, phường, xã cách phân loại, lưu giữ và giao chất thải thu gom đúng quy định; đồng thời có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại CTRSH khi phát sinh. Mục tiêu của chương trình này giúp mọi người hiểu cách phân loại CTRSH tại nguồn và lan tỏa ý thức trách nhiệm cùng bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Để Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực đi vào cuộc sống, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân ý thức bảo vệ môi trường. Cùng với truyền thông, vận động là tổ chức các chương trình tập huấn phân loại CTRSH tại nguồn để giúp người dân nắm quy trình, ý nghĩa thiết thực của việc này. Từ đó thì không lý do gì mà mọi người không tự giác chấp hành. Khi việc phân loại CTRSH triển khai từ hộ gia đình, người thu gom, vận chuyển cho đến khâu tập kết, xử lý rác thải sẽ tạo dây chuyền đồng bộ. Bên cạnh sự đồng bộ này cũng cần chuẩn hóa về phương tiện, tạo điều kiện tốt trong việc thu gom và thói quen của người dân sẽ là yếu tố tiên quyết để chương trình phân loại CTRSH được triển khai hiệu quả.

"Việc áp dụng các biện pháp chế tài nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH tại nguồn là cần thiết; thế nhưng trước khi làm điều này, cần có chiến dịch tuyên truyền, đẩy mạnh lồng ghép chương trình tập huấn sâu rộng đến từng hộ dân tại các địa phương, hướng dẫn chi tiết để họ không bỡ ngỡ" - đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh nói.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top