ClockThứ Sáu, 07/05/2021 08:28

Chú trọng xây dựng, bảo hộ thương hiệu

TTH - Để sản phẩm của đơn vị, doanh nghiệp (DN) vươn ra thị trường lớn, ngoài đầu tư nhân lực, hạ tầng, đổi mới công nghệ, hoạt động xây dựng, bảo hộ thương hiệu là yếu tố vô cùng quan trọng.

Gạo Việt xuất khẩu sang Anh năm 2020 tăng 116%Những quy định mới sẽ có hiệu lực trong tháng 5/2021Giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng nhanh trong năm qua

DN nước ngoài đầu tư gia công may mặc ở Huế ngoài việc chú trong chất lượng sản phẩm nhưng luôn xem trọng chất lượng kiểu dáng, thương hiệu cho sản phẩm

Chưa xem trọng

Theo đánh giá tại hội nghị tổng kết chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) ở địa phương giai đoạn 2017-2020, Thừa Thiên Huế có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các DN quan tâm về TSTT (thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng...) cho sản phẩm hàng hóa. Các DN có nhu cầu có thể đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để được hướng dẫn làm thủ tục thực hiện. Nhờ đó nhiều sản phẩm, như Tôm chua, Thanh trà, Dầu tràm Huế...đã có thương hiệu khẳng định chất lượng trong và ngoài nước.

Chị Hồ Thị Chi (thị trấn Phong Điền, Phong Điền) chuyên nghề tinh chế dầu tràm đã gần 20 năm. Trước đây, sản phẩm dầu tràm của chị sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ. Từ 2 năm nay, khi Sở KH&CN hỗ trợ áp dụng quy chuẩn và xây dựng thương hiệu dầu tràm Huế, chị đã mở rộng quy mô sản xuất chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra bán được nhiều tỉnh, thành miền Trung và tăng gấp hàng chục lần so với trước.

Câu chuyện “Rau má Quảng Thọ” cũng là một ví dụ điển hình thành công nhờ xây dựng thương hiệu. Từ một loại rau bình thường, với sự nhạy bén của lãnh đạo HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) đầu tư đổi mới phương thức sản xuất, chế biến và đăng ký nhãn hiệu “Rau má Quảng Thọ”. Đến nay, nhiều sản phẩm rau má tươi VietGAP, trà rau má túi lọc, trà rau má sao khô... của “Rau má Quảng Thọ” đã có chỗ đứng thị trường. Thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19 hiện nay, “rau má Quảng Thọ” vẫn có những đơn hàng lớn từ xa, đặc biệt sản phẩm “Bột matcha rau má”.

Hiệu quả từ xây dựng, bảo hộ thương hiệu đã được khẳng định. Thế nhưng hiện nay không nhiều DN ở Thừa Thiên Huế tiếp cận. Có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn các đơn vị, DN địa phương cho rằng, việc xây dựng thương hiệu không hề đơn giản, bởi thủ tục rườm rà và tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng giá rẻ, nên dù sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu vẫn rất khó cạnh tranh về giá cả so với những sản phẩm cùng loại chưa đăng ký nhãn hiệu, nhưng có giá rẻ hơn...

Chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm được khách hàng tin dùng

Có thương hiệu mới tồn tại

TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, yếu tố cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trở nên khốc liệt. DN muốn tồn tại phải nâng cao hiệu quả sản xuất và xem trọng vấn đề xây dựng, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa. Để làm được điều đó ngoài nhận thức của đơn vị, DN, các ban ngành chức năng liên quan có các giải pháp, khả thi để hỗ trợ cho các sản phẩm địa phương thuận lợi hơn khi ra thị trường lớn.

Tại hội thảo đổi mới cải tiến công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn do Sở KH&CN tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, PGS.TS. Lê Thị Thu Hà, Giảng viên Trường đại học Ngoại Thương Hà Nội chia sẻ, nhiều DN hiện nay chưa nhận thức đầy đủ TSTT, việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu còn hạn chế nên mất đi nhiều cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo PGS.TS. Lê Thị Thu Hà, kể từ khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, để cạnh trạnh ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng cũng như ngay trên “sân nhà”, DN trong nước cần chú trọng tính minh bạch trong xuất xứ, cung cấp các thông tin liên quan đến sản phẩm trên nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng… Qua đó, hạn chế những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mạị.

Chậm đăng ký, dễ mất bản quyền

Trong quá trình hội nhập, DN dễ bị đánh cắp, làm giả nhãn hiệu hàng hóa hay đơn giản là bị công ty, đơn vị khác “nhanh chân” đăng ký trước bản quyền thương hiệu ở các thị trường tiềm năng. Các sản phẩm, thương hiệu của một DN có chất lượng và nổi tiếng trên thị trường quốc tế, sản phẩm có giá trị có nguy cơ bị “xâm hại” trên thị trường.

Mới đây là câu chuyện về thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đang có nguy cơ bị mất vì một số DN tại Mỹ đang xúc tiến đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ. ST25 được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”, do kỹ sư, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo. Hiện có 4 DN tại Mỹ đang chờ được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở thị trường Mỹ. Dù 4 đơn vị kia vẫn trong thời gian chờ xét duyệt, phía Mỹ chưa cấp giấy phép thương hiệu, tuy nhiên, nguy cơ “mất” thương hiệu gạo này trên thị trường Mỹ, cũng như các thị trường khác vẫn hiện hữu nếu việc đăng ký bản quyền bảo hộ thương hiệu chậm trễ.

Trước đó có nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre... từng bị DN nước ngoài sử dụng nhãn hiệu ở một số thị trường xuất khẩu, song chỉ có một số ít DN thành công trong việc đòi lại nhãn hiệu nhưng thường rất tốn kém, gian nan, thậm chí có trường hợp phải chịu mất trắng thương hiệu.

Tại Thừa Thiên Huế vừa qua một sự việc xảy ra tương tự, nhưng nhờ “đặt tên”, được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 309806 mà nhãn hiệu KAFA của Công ty TNHH IPCom Việt Nam (KĐT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã yêu cầu Sở KH&CN Thừa Thiên Huế xử lý quán cà phê KAFAN Coffee & Milktea (số 46 Phùng Hưng, TP. Huế) đã xâm phạm nhãn hiệu khi sử dụng “KAFAN” gắn lên các sản phẩm đồ uống, menu và quảng cáo trên trang facebook KAFAN Coffee & Milktea. Kết quả, quán cà phê KAFAN Coffee & Milktea phải loại bỏ yếu tố xâm phạm quyền trên biển hiệu chính, trên menu, trên tường nhà của quán cà phê, trên các vật dụng ly, tách, trên facebook, trên các trang quảng cáo, chỉ dẫn...

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, trong xu thế hội nhập hiện nay, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là một “tài sản vô hình” của DN. Khi chậm trễ đăng ký và bảo hộ, DN dễ có nguy cơ bị mất hoặc bị làm giả thương hiệu, nhất là khi DN đó ngày càng phát triển, sản phẩm được ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa chú trọng đến việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu.

Hiện nay tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, cải tiến công nghệ và phát triển TSTT địa phương, mong các DN sớm thay đổi nhận thức, tiếp cận và phát triển TSTT cho từng sản phẩm để vươn ra thị trường lớn.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top