ClockThứ Năm, 18/10/2018 13:45

Chữa bệnh bằng công nghệ

TTH - Chỉ có 6 tháng để đầu tư ý tưởng dự án phục hồi chức năng (PHCN) bằng ứng dụng công nghệ thông tin, thế nhưng nhóm sinh viên Đại học (ĐH) Huế đã vượt qua nhiều đối thủ trong và ngoài nước để giành giải ba cuộc thi Starup! Ý tưởng khởi nghiệp của Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF).

Giày “Xưa” đạt giải Nhất “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên”24 gian hàng giới thiệu ý tưởng/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hoàng Bá Hùng (giữa) chia sẻ thêm về dự án PHCN bằng CNTT tại cuộc thi

Từ nhu cầu thực tế

Hoàng Bá Hùng, đại diện nhóm Tournesol (ĐH Huế) cho biết, ý tưởng PHCN bằng công nghệ thông tin (CNTT) bắt nguồn trong quá trình em tiếp xúc các bệnh nhân cần đến PHCN khi chữa bệnh nhưng phải đến tháng 4/2018, tức là khi cuộc thi Starup, ý tưởng khởi nghiệp do AUF được mở ra, Hùng cùng nhóm sinh viên mới bắt tay nghiên cứu dự án.

So với nhiều ý tưởng dự án khác, PHCN bằng CNTT mới lạ nhưng có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đây là ý tưởng về hệ thống dịch vụ PHCN, bao gồm một tổ hợp tiện ích với website, ứng dụng di động có tích hợp liệu trình điều trị, video hướng dẫn tập luyện cho tất cả bệnh tật cần PHCN. Ngoài ra, hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân có thể hẹn bác sĩ khám, kĩ thuật viên để tập PHCN tại nhà. Các thanh toán đều thông qua công cụ trực tuyến. Hùng giải thích: “Không phải bệnh nhân bị chấn thương mới cần PHCN mà tập PHCN có thể bổ trợ chữa được nhiều bệnh khác. Lâu nay, bệnh nhân muốn tập phải đến bệnh viện mất thời gian chờ đợi và nhiều bất tiện khác. Dự án này có thể khắc phục những tồn tại đó, họ có thể tập ở nhà và tương tác với bác sĩ để được hướng dẫn các bài tập. Mọi thao tác đều nhanh, thuận lợi nhưng chi phí không cao”.

Đại diện nhóm khẳng định, tại Việt Nam chưa có dự án liên quan, còn trên thế giới mới chỉ có các app (ứng dụng) dưới dạng kho tài liệu về các bài tập để bệnh nhân tập luyện, không có nhiều tính năng, nhất là tương tác với người chuyên môn nên khó để bệnh nhân xác định được mức độ bệnh cũng như khả năng hồi phục. Vì thế, ý tưởng này ra đời rất ý nghĩa và được hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Theo Hoàng Bá Hùng, cuộc thi kéo dài trong 6 tháng và trải qua nhiều vòng thi. Quá trình đi đến vòng sau, ý tưởng càng được hoàn thiện để chứng minh được tính sáng tạo cũng như ứng dụng thực tiễn. Hơn thế, cuộc thi thu hút 55 đề tài của nhiều nhóm đến từ nhiều đơn vị tại 4 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia), trong đó rất nhiều nhóm đã chọn CNTT để làm các dự án dự thi nên tính cạnh tranh với dự án của nhóm rất cao.

“Đa phần nhóm là sinh viên y, không có chuyên môn về CNTT, phải nhờ thêm bạn bè chuyên về lĩnh vực này hỗ trợ nên giữa ý tưởng nội dung và kỹ thuật gặp không ít trở ngại. Mỗi lần có trở ngại, tụi em đều bình tĩnh tìm hướng giải quyết. Khi dịch sang tiếng Pháp để dự thi theo yêu cầu ban tổ chức, nhóm cũng nghiên cứu kỹ, vì có nhiều từ chuyên môn, cần dịch sát nghĩa”, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thành viên nhóm kể.

Nhóm gồm 4 thành viên là Hoàng Bá Hùng, Lê Thị Hiền, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đều là sinh viên Trường ĐH Y dược, ĐH Huế) và Lê Thái Cẩm Trang (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế vừa tốt nghiệp).

Phát triển ý tưởng

“Starup! Ý tưởng khởi nghiệp” là sân chơi khởi nghiệp lớn, thu hút nhiều cá nhân, tập thể (đối tượng dưới 35 tuổi) đến từ 4 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia) tham gia. Qua 4 vòng thi, chỉ có 5 nhóm xuất sắc nhất vào thi vòng chung kết vào ngày 28/9 và Tournesol là đại diện duy nhất của ĐH Huế nói riêng và Huế nói chung đi đến vòng thi cuối cùng.

Đánh giá về dự án này, ThS. BS. Hà Chân Nhân, Trưởng Bộ môn PHCN, Trường ĐH Y dược, ĐH Huế cho rằng đây là ý tưởng hay, hỗ trợ đắc lực cho nhân viên y tế lẫn bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật hoặc điều trị trực tiếp tại bệnh viện, nếu bệnh nhân không quay lại khám sẽ dễ mất liên lạc, bác sĩ không biết được bệnh nhân có thực hiện được những cách chữa trị thêm tại nhà và hiệu quả như thế nào, trong khi đó nếu sử dụng những ứng dụng này, có thể giải quyết được vấn đề đó. Ý tưởng này cũng có thể nhân rộng, thông qua việc liên kết với các trung tâm, khoa PHCN.

Hiện, ý tưởng dự án đã nghiên cứu được các tính năng là tích hợp các bài tập PHCN, đánh giá sau mỗi bước tập, diễn đàn tương tác, trao đổi với bác sĩ. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các tính năng mới, đồng thời sẽ thêm mục bán dụng cụ tập theo nhu cầu bệnh nhân. Khi dự án cơ bản hoàn thiện, sẽ tìm hướng kêu gọi đầu tư nhằm phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, đồng thời mở rộng số lượng cán bộ chuyên môn, bác sĩ trong phạm vi toàn quốc để có thể dễ dàng chia sẻ, tương tác với bệnh nhân khắp các tỉnh, thành khác nhau. Trong cơ cấu nhân sự nhóm sẽ tăng cường thành viên có chuyên môn về PHCN, CNTT và marketing đáp ứng phát triển dự án trong giai đoạn sau.

Ông Lưu Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế cho biết, thời gian tới, phía trung tâm sẽ hỗ trợ để nhóm hoàn thiện ý tưởng dự án, sau đó sẽ đưa ra thị trường thẩm định và sẽ hỗ trợ ươm tạo, kêu gọi đầu tư khi dự án phát triển tốt.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top