ClockThứ Ba, 05/10/2021 11:22

Chưa biết “độ trễ” kéo dài trong bao lâu

TTH.VN - Sáng ngày 5/10, tại Lăng Cô, Thừa Thiên Huế đã tổ chức đón và đưa người từ các tỉnh phía Nam về quê qua địa phận Thừa Thiên Huế. Những người quê Thừa Thiên Huế sẽ được cách ly tập trung. Những người quê nơi khác sẽ “quá cảnh” và tiếp tục di chuyển ra hướng Bắc.

Kiểm soát dịch bệnh xâm nhập từ cửa ngõ phía Nam và phía BắcVirus SARS-CoV-2 và những điều cần biết về vaccineNgười dân về từ vùng có dịch đều cách ly theo quy địnhViệc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19

Người dân trên đường về quê nhận nhu yếu phẩm tiếp tế tại trạm dừng chân T.X Hương Trà. Ảnh: Hoàng Lê

Ngay lúc này, hai chữ “hồi hương” nghe se sắt lòng!

Những ngày qua, liên tục truyền thông, mạng xã hội đưa tin và tràn ngập hình ảnh những dòng người di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam di chuyển về quê. Họ đi về miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và ngược ra phía Bắc, như đoàn người vừa đến Lăng Cô vào sáng ngày 5/10.

Một lực lượng lao động chính thức và phi chính thức (lao động tự do) quá lớn đã rời khỏi đầu tàu kinh tế TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Có thể, một khoảng trống về nguồn nhân lực lớn sẽ để lại nơi đây. Và chưa biết khi nào được lấp đầy.

Gần hai năm qua, dịch bệnh đã tác động tiêu cực mạnh vào hoạt động kinh tế. Những vùng kinh tế càng mạnh càng bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt là đợt dịch thứ 4 bùng phát dữ dội như một cú “bồi” đánh thẳng vào nền kinh tế đã gặp nhiều trục trặc. Thì đây, GDP quí III của cả nước đã ở mức âm 6,17%. TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh có nền kinh tế mạnh ở phía Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Một số liệu thống kê cho biết, có đến 40% doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, mức dự trữ nguồn tài chính cho hoạt động chỉ được 1 tháng. Giờ vắc xin đã được phủ mạnh, tình hình dịch bệnh tương đối lắng dịu, công tác chuẩn bị cho việc mở cửa lại nền kinh tế chỉ mới bắt đầu, thì lại gặp một khó khăn khác đón đầu: nguồn nhân lực. Từng dòng người “hồi hương” không biết có bao nhiêu phần trăm là công nhân làm việc trong các nhà máy. Nhưng nếu con số này là áp đảo thì tình hình hoạt động của các nhà máy sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực.

Riêng ở địa bàn Thừa Thiên Huế có khoảng 25.000 người về quê thì có đến khoảng 9.000 người có nhu cầu việc làm trong các nhà máy. Nghĩa là, khả năng rất cao là những người này không có ý định quay trở lại nơi làm việc cũ!? Đó là chỉ riêng Thừa Thiên Huế. Nếu như nhiều tỉnh khác cũng trong tình trạng như vậy thì một câu hỏi rất lớn đặt ra cho các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về nguồn nhân lực!?

Nếu như những khó khăn trước đây mang tính chất cục bộ thì khó khăn do tác động của dịch bệnh là trên diện rộng. Chẳng những thế, nếu như những khó khăn trước đây chỉ tác động chủ yếu vào kinh tế thì khó khăn hiện tại tác động vào nhận thức về sức khỏe, xã hội, thậm chí là suy nghĩ, tâm tư tình cảm… tức là nó gây ra những khó khăn gấp bội. Chúng ta ứng phó với những hậu quả mà nó gây ra sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Cái hay của một quy luật kinh tế, ấy là quy luật cung - cầu. Mọi loại thị trường, trong đó có thị trường lao động, tự biết cách điều chỉnh cho phù hợp. Nó sẽ điều chỉnh đến khi có một điểm cân bằng giữa cung và cầu. Ví như, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở Thừa Thiên Huế là các khu công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động. Khi nhà máy mở ra và ngày càng mở rộng, muốn hoạt động được sẽ đòi hỏi một lượng công nhân tương ứng. Các nhà máy sẽ điều chỉnh để thu hút nguồn nhân lực bằng các chính sách lương, môi trường làm việc và nhiều chế độ khác. Cho nên, chúng ta thấy một lượng lớn nhân công đã “Nam tiến”.

Khi các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền trung phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ - ví như ở Quảng Nam là lắp ráp ô tô, Đà Nẵng là du lịch dịch vụ, Thừa Thiên Huế là dệt may… thì có một dòng nhân công quay trở lại quê hương tìm kiếm việc làm. Một khi có những biến động về nguồn nhân lực như vậy, doanh nghiệp của các tỉnh phía Nam sẽ điều chỉnh như thế nào - vẫn cứ thực hiện những chính sách về lương bổng, môi trường làm việc và những chế độ ưu đãi khác để giữ chân nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực mới.

Cứ thế, với sự tác động của quy luật cung cầu, thị trường lao động sẽ tìm được một điểm cân bằng, tức là nó có một độ trễ nhất định. Vấn đề là không biết những khó khăn về nguồn nhân lực do sự tác động của dịch bệnh như hiện tại, độ trễ sẽ kéo dài trong bao lâu và khi nào đạt điểm cân bằng?

Lê Phương

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top