ClockThứ Ba, 04/08/2020 14:47

Chưa “chạm” được cá lớn - kỳ 2: Có cơ hội, có hy vọng

TTH - Trước yêu cầu mới, không có con đường nào khác ngoài hiện đại hóa công nghệ ĐBXB, nâng cấp, xây dựng bến cảng, âu thuyền hiện đại, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong quá trình hoạt động, neo đậu trú tránh bão.

Chưa “chạm” được cá lớn - Kỳ 1: “Sóng lớn, thuyền chưa lớn”

Cầu Cảng cá Thuận An mới đang chờ triển khai xây dựng giai đoạn 2

Đánh cá bằng công nghệ hiện đại

Ngư dân Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An nhìn nhận, càng vươn khơi, hải sản càng phong phú, có giá trị kinh tế nhưng biển lại càng mênh mông nên cần sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại trong quá trình thăm dò, khai thác luồng cá. Đóng mới chiếc tàu trị giá cả chục tỷ đồng còn đầu tư được, không lẽ không đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu ĐBXB.

Trong khi máy dò cá-dò ngang CH 250 trên địa bàn tỉnh chỉ đếm “đầu ngón tay” thì ông Chinh đã mạnh dạn trang bị loại máy này. Mỗi thiết bị có giá trên dưới 300 triệu đồng. Đây là thiết bị dò cá hiện đại, sản lượng khai thác cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với các loại máy dò khác. Loại máy này có khả năng sử dụng trong vòng 15-20 năm trở lên, chỉ trong một vài năm có thể thu hồi vốn nhờ đánh bắt hiệu quả.

Theo ông Chinh, ngoài máy dò ngang CH 250, hiện nay còn có máy dò ngang Koden KDS-6.000 BB hỗ trợ nghề đánh bắt bằng lưới vây, hay máy dò ngang sử dụng sóng siêu âm... Ngư dân ở Khánh Hòa và một số tỉnh đã ứng dụng các loại máy dò ngang này, giúp mỗi chuyến biển đạt năng suất cao gấp đôi so với sử dụng các máy dò thông thường. Việc sử dụng máy dò ngang còn giảm chi phí nhiên liệu trong quá trình khai thác từ 20-25%.

Cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao nhưng năng lực, kinh nghiệm đánh bắt, bảo quản chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu của phần lớn ngư dân trên địa bàn tỉnh lâu nay chưa đáp ứng. Trong nhiều chuyến vươn khơi, phát hiện đàn cá ngừ đại dương, các thuyền viên tàu ông Chinh rất lúng túng trong đánh bắt; mong muốn, ngành thủy sản có biện pháp hỗ trợ, giúp ngư dân tiếp cận, học tập các công nghệ đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương và một số loại cá lớn có giá trị kinh tế cao.

Ông Chinh cho rằng, đèn LED tiết kiệm năng lượng được xác định là công nghệ cần được trang bị trong quá trình ĐBXB. Kinh phí đầu tư mua sắm đèn ban đầu tuy khá cao nhưng bền, tiết kiệm đến 80% chi phí trong quá trình đánh bắt.

Cầu Cảng Thuận An hẹp, ngư dân gặp khó mỗi khi vận chuyển ngư cụ, hải sản lên bờ

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, ông Nguyễn Văn Giàu thông tin, ngư dân nhiều tỉnh và các tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh hiện nay đã sử dụng hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU, mặt hầm tiếp giáp với sản phẩm được bọc inox 304 có tác dụng cách nhiệt tốt, bảo quản trong thời gian dài từ 20 ngày đến cả tháng vẫn đảm bảo xuất khẩu. Hầm PU hạn chế lượng nước đá tiêu hao đến 95%, giảm tổn thất sản lượng sau khai thác chỉ còn 5% so với các loại hầm khác.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, phát huy tiềm năng, hiệu quả kinh tế biển không có con đường nào khác phải đầu tư công nghệ ĐBXB hiện đại. Ngành thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ ĐBXB hiện đại cho ngư dân; vận động ngư dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lạc hậu, mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để khai thác có hiệu quả. Các công nghệ cần đầu tư như máy dò cá, đèn tiết kiệm năng lượng, bảo quản hải sản, đa dạng nghề khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương, nâng cấp lưới cụ, cải hoán phương tiện đảm bảo vươn khơi, bám biển.

Sẽ có cảng biển lớn

Ngư dân Ngô Dần ở thị trấn Thuận An chia sẻ, từ khi nắm bắt thông tin chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, ngư dân thật sự rất vui với cơ hội mới từ những đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động ĐBXB trước yêu cầu mới. Mong muốn của ngư dân, ngoài đầu tư các công trình, hạ tầng ĐBXB, tỉnh cần có cơ chế, chính sách cho ngư dân vay vốn mua sắm lưới cụ, các thiết bị hiện đại phục vụ ĐBXB.

Từ khi Nghị định 67 của Chính phủ hết thời hạn, đến nay chưa có chính sách nào cho ngư dân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết các thiết bị ĐBXB hiện đại như máy dò cá, đèn LED, hầm bảo quản hải sản... đều có giá hàng trăm triệu đồng trở lên (như máy cá-dò ngang có giá khoảng 300 triệu đồng/máy), nằm ngoài khả năng của nhiều ngư dân.

Ông Ngô Dần cũng như nhiều ngư dân kiến nghị, ngoài hỗ trợ về công nghệ đánh bắt, quá trình xây dựng các bến cảng, âu thuyền, cơ quan chức năng cần tranh thủ tham khảo ý kiến của ngư dân về hệ thống luồng lạch, một số hạng mục, cũng như vị trí âu thuyền neo đậu cho tàu thuyền một cách hợp lý. Kinh nghiệm từ âu thuyền Phú Hải, ngay từ khi triển khai xây dựng đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 2011), người dân phát hiện luồng lạch ra vào quá cạn so với yêu cầu đã phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng không được ghi nhận, giải quyết. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, cộng với bồi lắng qua các năm nên âu thuyền Phú Hải bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy chia sẻ, Kế hoạch 156/KH-UBND về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh thật sự là luồng sinh khí mới, tháo gớ khó khăn đối với ngư dân, các địa phương ven biển trong hoạt động ĐBXB. Địa phương và ngư dân mong muốn, các dự án (DA), công trình sớm được triển khai, hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Phía địa phương luôn tuân thủ các quy định, tạo điều kiện hỗ trợ về quy hoạch, giải phóng mặt bằng... phục vụ các DA. Quá trình xây dựng cảng biển lớn (CCTA loại 1), các cấp, ban ngành cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đảm bảo năng lực đầu tư các dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản... đáp ứng yêu cầu hoạt động ĐBXB.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, hoạt động ĐBXB chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại, âu thuyền neo đậu tránh trú bão đáp ứng yêu cầu mới. Khó khăn lớn hiện nay vẫn là kinh phí đầu tư xây dựng các công trình, phụ thuộc vào nguồn phân bổ từ Trung ương. Giải quyết khó khăn này, Chính phủ đã có chủ trương sử dụng nguồn kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển để xây dựng hạ tầng ĐBXB.

Ngày 20/6/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 156/KH-UBND về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện các DA đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (xây dựng các tuyến đê chắn sóng và kè bảo vệ bờ, nâng cấp mở rộng khu vực cảng, xây dựng các tuyến kè bờ, cầu tàu và tuyến đường giao thông); xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo phục vụ đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Vang, Phú Lộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng sản phẩm thủy sản trong nước và các nước trong khu vực…

Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư Xây dựng công trình NN&PTNT thông tin, từ năm 2014, tỉnh đã đầu tư triển khai DA xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng Cảng cá Thuận An (CCTA). DA được chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Các hạng mục giai đoạn 1 đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ khối lượng, như nạo vét khu neo đậu, đường giao thông, đê chắn sóng phía đông, trụ neo và hạng mục kè bờ…

Trong quá trình chuẩn bị triển khai DA CCTA giai đoạn 2, các ban ngành nhận thấy DA chỉ đáp ứng neo đậu, tránh bão cho loại tàu thuyền có công suất tối đa 300 CV. Trong khi đó, số tàu thuyền công suất lớn từ 400 CV trở lên ngày càng tăng nhanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 450 tàu ĐBXB, trong đó có khoảng 250 chiếc tàu công suất 400 CV đến 1.100 CV. Bình quân mỗi năm, lượng tàu thuyền cập cảng trên 10 ngàn lượt, tàu cập cảng bán sản phẩm gồm 6.150 lượt với tổng sản phẩm đi qua cảng trên 34 ngàn tấn, trong đó hải sản gần 20 ngàn tấn...

Trước thực trạng này, tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh đầu tư DA khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng CCTA từ loại 2 lên loại 1 với tổng kinh phí đầu tư trên 642 tỷ đồng. Quy mô nâng cấp, xây dựng CCTA được điều chỉnh lên loại 1 đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 120 lượt tàu (công suất 700 CV trở lên)/ngày với sản lượng 20 ngàn tấn hải sản/năm. Công trình CCTA kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho 1.000 chiếc tàu có công suất 300 CV trở lên. Trong hệ thống CCTA loại 1 sẽ xây dựng, tổ chức các dịch vụ thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu hải sản… đảm bảo phục vụ hậu cần nghề cá, ĐBXB trước yêu cầu mới.

DA CCTA loại 1 đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến quý 4 năm nay bắt đầu triển khai một số hạng mục. Theo chủ trương sẽ sử dụng nguồn kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển để đầu tư xây dựng công trình.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội kích hoạt tăng trưởng

Thừa Thiên Huế đã, đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có năng lực trong ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và lắp ráp ô tô. Các kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của những DN này sẽ trở thành cơ hội kích hoạt tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cơ hội kích hoạt tăng trưởng
Bỏ khung giá đất: Cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nội dung bỏ khung giá đất (KGĐ). Đây là vấn đề khá nhiều địa phương trên cả nước mong chờ vì góp phần tháo gỡ những bất cập trong bồi thường, thu hồi đất xây dựng các công trình, dự án (DA).

Bỏ khung giá đất Cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án
Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi đơn hàng và mở rộng phát triển sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động
“4 chỉ dẫn địa lý” cơ hội phát triển sản phẩm Huế

Là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành có nhiều chỉ dẫn địa lý (CDĐL) nhất cả nước, Thừa Thiên Huế hiện đã được cấp 4 văn bằng CDĐL “Huế”. Đây không chỉ khẳng định giá trị đặc trưng riêng có của các sản phẩm mà còn mang đến nhiều cơ hội để bảo tồn, phát triển, lan tỏa và thương mại hóa sản phẩm. Để hiểu rõ hơn về “giá trị” của các CDĐL “Huế”, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

“4 chỉ dẫn địa lý” cơ hội phát triển sản phẩm Huế
Return to top