ClockThứ Tư, 24/08/2016 13:46

“Chúa đất”

TTH - “Lá rụng về cội”, đó là tập quán, là truyền thống, là nguyện ước bao đời của dân ta. Người quê tôi cũng không ngoại lệ. Ai đi lập nghiệp ở phương xa, dù bao lâu đi nữa, bao thế hệ đi nữa, lúc về với tổ tiên cũng đều trăng trối con cháu cố gắng đưa mình về với quê nhà. Vậy là dù có khó khăn, cách trở gì chăng nữa, cháu con cũng cố gắng làm tròn chữ hiếu với đấng sinh thành. Sau này, khi đời sống ngày mỗi trở nên khấm khá, số người quá cố được cháu con đưa về an nghỉ tại quê nhà càng nhiều hơn, xem đó là lẽ đương nhiên.

Như một “hiệu ứng” kéo theo, không ít hộ dân trong làng, nhất là những hộ làm nghề nề ngõa, sống ở các khu vực lân cận nghĩa trang, có cơ hội được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập rất tốt. Họ sống nhờ “người âm”, “người âm” giúp họ “sống khỏe”- Đó là nhận định chung của nhiều người. Tuy nhiên, nghịch lý là không ít- nếu không muốn nói là đa phần- các hộ sống nhờ “người âm” nói trên lại không biết tôn trọng “người âm”; ít biết trân trọng tình cảm của bà con sống xa quê dành cho quê hương bản quán.

Trước tiên là chuyện đất đai huyệt mộ. Đa phần nghĩa địa làng hầu như không được chính quyền địa phương quan tâm quản lý đúng mức. Vậy là đất đai ai ưa chọn chỗ nào thì chọn. Ấy là nói thế thôi, chứ phần lớn đều phải qua tay đội quân nề ngõa trên nghĩa địa. Phải có họ dẫn đi chọn, dĩ nhiên rồi họ sẽ là người nhận đào, nhận xây, ít nhất là cái “khuôn tĩnh”. Nếu không có chỗ vừa ý, họ sẽ “nhượng” cho một chỗ đã được họ xí phần bằng một ngôi “mộ gió”, hoặc một “khuôn tĩnh” xây từ trước. Đất công, nhưng tiền vào túi tư…vô tư. Điều “vô hậu” là có người để có một ngôi mộ gió, một “khuôn tĩnh”, họ sẵn sàng xáo xới, di chuyển hài cốt của những người “nằm” trước một cách tùy tiện, không một chút áy náy, tội lỗi. Nói sống nhờ “người âm” mà không biết tôn trọng “người âm” là vậy.

Đó là huyệt mộ, còn xây lăng cũng là câu chuyện độc quyền toàn tập. Giá cả vô chừng. Ưa mấy hét mấy. Các gia đình hữu sự xem như không có cách lựa chọn. Sau này hình như bà con kêu quá tới tai, một số chính quyền địa phương đã ra tay chấn chỉnh. Nạn độc quyền giảm bớt, thợ của rú này có thể sang rú khác hành nghề. Nhưng nhìn chung cũng là thợ “người trong xã, trong huyện”, vùng khác đố có láng cháng mà lai vãng. Rồi để hành nghề, các kíp thợ cho xe chở vật liệu xây dựng tha hồ tung hoành. Nhiều ngôi mộ bị xe chở vật liệu dày qua xéo lại nhiều lượt đến biến dạng, rất đau lòng. Trường hợp của bạn tôi lại càng ngao ngán hơn nữa. Lăng mộ người thân của anh đang yên đang lành, bỗng nhiên bị một tay thợ điềm nhiên vác búa tới đập và lấn chiếm ngang xương. Lý do là vì người thợ này nhận xây, mở rộng thêm diện tích cho một khu mộ liền kề. Bị bắt quả tang, tay này còn ngang ngược cao giọng văng tục “Người ta chỉ mô tau làm nấy, bay làm chi tau… ”(!??). Đúng là giọng lưỡi của một loại “chúa đất”!

Chỉ vài chuyện đơn cử, nếu liệt kê thì sẽ còn nhiều nhiều nữa. Anh em đồng hương nhiều khi ngồi chuyện vãn với nhau, ai cũng tỏ ra rất mệt mỏi. Không ít người đã bày tỏ ý định sẽ để người thân nằm lại với nghĩa trang thành phố, vừa được quản lý văn minh, chuyên nghiệp, vừa gần gũi cho con cháu đi thăm nom mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Về làng, vừa xa, vừa muộn phiền như thế, về làm gì? Không biết các vị “chúa đất” có thấu biết tâm sự này? Nếu không học cách tôn trọng “người âm”, sẽ đến một lúc “người âm” quay lưng và “chúa đất” hẳn cũng theo đó mà thất lộc. Ấy là trước mắt, còn về lâu dài, đó có thể là khởi đầu cho một sự rạn nứt buồn đối với truyền thống “lá rụng về cội”, mà tội đồ phải kể trước tiên chính là “chúa đất” ở các nghĩa địa…

THƯỢNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây lại lăng mộ vợ vua Tự Đức

Ngày 26/4, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chuỗi Giá Trị, chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - Đồng Khánh, vừa đặt đá khởi công thi công công trình lăng vợ vua Tự Đức.

Khởi công xây lại lăng mộ vợ vua Tự Đức
Nước rút chậm, nhiều địa bàn còn chia cắt

Đến chiều 16/10, nhiều địa bàn vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh nước xuống chậm, nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Công tác hỗ trợ người dân nhanh chóng được triển khai.

Nước rút chậm, nhiều địa bàn còn chia cắt
QUẢN LÝ XÂY DỰNG LĂNG MỘ:
Không để người chết “lấn” đất người sống - kỳ 2: Hướng đến phương thức hỏa táng

UBND tỉnh đã có nhiều văn bản về việc quy hoạch tổng thể, xây dựng, quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Lộ trình thực hiện quy hoạch, số lượng và quy mô nghĩa trang do Nhà nước xây dựng và quản lý tăng lên, số lượng và quy mô diện tích đất do Nhân dân mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần, tiến tới chấm dứt việc mai táng, xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch, hướng đến phương thức hỏa táng.

Không để người chết “lấn” đất người sống - kỳ 2 Hướng đến phương thức hỏa táng
Return to top