ClockThứ Năm, 09/10/2014 08:16

Chưa dẹp được xe dù, bến cóc

TTH - Tình trạng xe hợp đồng trá hình vào TP Huế; xe chạy đúng tuyến xuất phát từ bến xe phía Nam ra Quốc lộ 1A để đón khách, gây mất an toàn giao thông và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông vẫn đang diễn ra.

Tự phát thiếu kiểm soát

Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong khoảng 1 giờ, đã có hơn 5 chiếc xe dừng đón khách dọc Quốc lộ 1A, đoạn trước bến xe phía Nam đến chân cầu vượt Tự Đức - Thủy Dương. Một chiếc xe đi tuyến Huế - Đà Nẵng, xe chạy từ từ về đến cầu vượt Tự Đức - Thủy Dương, còn phụ xe đứng ngay giữa đường trước mặt bến xe phía Nam để bắt khách và hướng dẫn cho khách, nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông rất cao. Chưa đủ khách nên khi đến cầu vượt, phương tiện này chạy từ từ lùi lại trước mặt bến xe để tiếp tục bắt khách và cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi đầy xe và qua mặt cả cảnh sát giao thông làm việc gần đó.

Mặc dù không có tuyến nhưng nhiều xe vẫn chạy vào đường Phạm Ngũ Lão TP Huế. Ảnh: Thái Bình

Tương tự, xe dù, bến cóc tuyến Đà Nẵng - Quảng Bình cũng chạy vào TP Huế đón khách trước cổng bệnh viện, các trạm đợi xe buýt, chợ Đông Ba… Tuy nhiên, khi vào TP các xe này thay bảng chạy tuyến thành xe chạy “hợp đồng”, đến các điểm có khách, lái xe lại chuyển từ bảng “hợp đồng” sang “Huế - Quảng Bình” và ngược lại.

“Chúng tôi cũng thường xuyên chứng kiến cảnh nhiều nhà xe chèo kéo, bắt khách dọc đường, gây tình trạng cãi vã, hỗn loạn. Nhiều xe chạy tuyến Huế - Đà Nẵng nhưng khi nghe hành khách nói đi Quảng Nam, tài xế cũng bắt lên xe luôn”, chị Phan Thu Minh - một hành khách kể.

Nhiều xe du lịch trá hình đón, trả khách tại Trung tâm thành phố. Ảnh: Thái Bình

Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý bến xe Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện nay tình trạng xe hợp đồng du lịch là một trường hợp trá hình của xe dù, bến cóc; bán vé như xe tuyến cố định, mặc dù theo quy định không được phép. Xe không có tuyến cố định ở Huế nhưng vẫn ngang nhiên vào TP Huế để đón khách. Hoặc một số xe xuất bến nhưng chưa đủ nên ra Quốc lộ 1A dừng đón khách. Hiện tình trạng xe dù, bến cóc rất khó quản lý, công tác kiểm tra xử lý chưa triệt để”.

Mất an toàn giao thông

Việc xe dù đón khách dọc đường không những ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt kinh doanh của người dân dọc Quốc lộ 1A mà còn tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Phần lớn xe khách chạy các tuyến này không vào bến bãi cố định mà chỉ đón khách dọc đường nên luôn cảnh giác với cảnh sát giao thông. Bởi vậy, khi tài xế thấy khách dọc đường là vội vã tấp xe vào để đón, rồi tranh thủ chạy đi nên rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

Xe dừng gần cầu vượt Tự Đức-Thủy Dương, còn phụ xe thì đứng ở trước mặt Bến xe phía Nam để bắt khách. Ảnh: Thanh Thuận

Tại một số tuyến đường trên địa bàn TP Huế, tình trạng xe dù, bến cóc cũng hoạt động thường xuyên. Một trong những điểm nóng là khu vực đường Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, nơi các xe thường xuyên bán vé dừng đón, trả khách dọc đường, cản trở lưu thông, đồng thời ảnh hướng đến an ninh trật tự địa phương.

Nhiều xe dù sau khi tìm mọi cách bắt được khách lên xe, không những nhồi nhét mà còn “chặt chém”. Ông Nguyễn Văn Vinh, một hành khách vừa đi xe dù tuyến Huế-Quảng Bình, bức xúc: “Ra bến xe phía Nam xa, nên tôi đến cổng bệnh viện đón xe đi Quảng Bình cho gần. Tôi đã hỏi giá cẩn thận trước lúc lên xe, tài xế bảo như ngày thường. Vậy mà chạy khoảng 10 cây số, nhà xe bắt tôi phải trả 250 ngàn đồng, trong khi bình thường chỉ 150 ngàn đồng. Bức xúc, tôi đòi xuống xe nhưng họ đóng chặt cửa không cho. Tôi đành phải trả đủ 250 ngàn đồng mới ngồi yên được.

Được biết tình trạng xe dù, bến cóc ở địa phương tồn tại đã lâu. Lực lượng liên ngành đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương ra quân kiểm tra, xử phạt nhưng chỉ được một thời gian, xe dù, bến cóc vẫn hoạt động trở lại. 

Để sớm ngăn chặn nạn xe dù, bến cóc, việc quản lý chặt về luồng, tuyến là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề xe hợp đồng trá hình. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần cương quyết hơn nữa trong xử lý nạn xe dù, bến cóc; đồng thời, phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương, xây dựng những tuyến phố văn minh, tự quản để xe dù, bến cóc không có cơ hội tồn tại.

Ông Trần Sĩ Cuộc, Chủ nhiệm HTX Ô tô Huế:
 
Cần tạo công bằng
 
Giá vé của xe chạy tuyến chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, nhưng xe dù không bị ai quản lý và không phải đóng bất cứ một chi phí nào. Vì vậy, ngày thường xe dù bán vé thấp hơn trong bến từ 5 - 10% để “hút” khách khiến doanh nghiệp trong bến ế ẩm. Đến Tết, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, xe dù chuyển sang tăng mạnh giá vé để bù đắp lại lợi nhuận. Để cạnh tranh với xe dù, các doanh nghiệp hoạt động theo bến phải hạ giá liên tục dẫn đến thua lỗ. Chính vì vậy, mấy năm gần đây chúng tôi phải cắt giảm hơn 10 xe chạy tuyến Quảng Trị, Quảng Bình.
 
Mỗi lần đi xe dù, khách thường xuyên phản ánh, nhưng thực ra khách họ không biết xe đó là của ai mà cứ cho là của HTX Ô tô Huế. Sự nhầm lẫn dẫn đến khách hàng mất lòng tin, còn HTX chúng tôi thì lại làm ăn khó khăn.
 
Chúng tôi mong cơ quan cần có sự phối hợp đồng bộ nhằm quản lý và chấm dứt tình trạng xe dù, bến cóc. Bởi, trong ngành vận tải ai cũng biết hiện nay nạn xe “dù” đang núp bóng dưới nghĩa doanh nghiệp vận tải du lịch không chỉ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoạt động theo bến mà còn gây hiệt hại rất lớn cho hành khách như bán vé giá “cắt cổ”, không bảo hiểm, hành khách không được đổi trả vé…
 
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện Sở Giao thông Vận tải:
 
Siết chặt quản lý
 
Thời gian qua, xe chạy vòng vo, đón trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh có giảm đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại. Đây là tình trạng chung của tất cả các địa phương, không riêng gì Thừa Thiên Huế. Trước thực trang đó, Sở GTVT đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, quản lý vận tải được tốt hơn.
 
Trước hết, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra trên thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện các phương tiện có hành trình chạy vòng vo trên địa bàn với mục đích đón trả khách không đúng nơi quy định (chủ yếu là các xe có phù hiệu hợp đồng), thông báo với doanh nghiệp, HTX kịp thời chấn chỉnh. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ kiên quyết xử lý theo quy định tại thông tư 55/2013/TT-BGTVT ngày 26-12-2013. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin về các phương tiện trong và ngoài tỉnh hay vi phạm để thông báo với các lực lượng chức năng có biện pháp xử lý.
 
Bên cạnh đó, thông báo danh sách các phương tiện 16 chỗ ngồi đã đăng kiểm nhưng không thực hiện các thủ tục để được cấp phù hiệu đến các lực lượng chức năng. Phòng Quản lý vận tải và phương tiện đã phát hiện nhiều phương tiện 16 chỗ ngồi không thực hiện các thủ tục để được cấp phù hiệu, nhưng khi tham gia giao thông vẫn dán phù hiệu giả.
 
Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải
 
Ngày càng tinh vi
 
Đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra 3 đợt, lập biên bản 119 trường hợp với 129 lỗi vi phạm về dừng, đỗ xe trái quy định, không chạy đúng hành trình vận tải quy định, xe chở hành khách không có phù hiệu theo quy định…
 
Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các loại “xe dù” ngày càng tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Nếu xe có khách thì nhà xe sẽ đưa ra hợp đồng vận tải đầy đủ các loại giấy tờ cho đến tên tuổi hành khách…, muốn xử lý phải bắt quả tang lúc khách lên xe. Cái khó trong quá trình xử lý các loại phương tiện này là đa phần chủ xe đều có hợp đồng, thậm chí nhiều hợp đồng khống…
 
Để xử lý các phương tiện vi phạm, tổ kiểm tra liên ngành đã áp dụng các biện pháp mạnh trong công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh xử lý kiên quyết, nghiêm minh các lỗi vi phạm thường xuyên thay đổi hình thức, thời gian, địa bàn hoạt động. 

 

Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top