ClockThứ Năm, 24/03/2016 14:18

Chưa đồng bộ

TTH - Hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm thường xuyên dịch bệnh, người nuôi thua lỗ triền miên. Đầu tư cho hạ tầng là “bài toán” cần có lời giải nhằm thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Cần cải tổ vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất

Kênh mương thoát nước ở Phong Hải được kiên cố hóa

 

Hạ tầng tốt, nuôi an toàn       

Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nuôi tôm thua lỗ, người dân xã Phong Hải (Phong Điền) và Quảng Công (Quảng Điền), hay Hải Dương (TX Hương Trà) lại nuôi có lãi, thậm chí lãi lớn, có cơ hội vươn lên làm giàu. Mấy vụ gần đây, có 60-70% hộ dân nuôi tôm trên cát ở Phong Hải lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Hầu hết các hộ NTTS ở hai xã Quảng Công, Hải Dương nuôi cá nước lợ, ngọt, nuôi tôm xen ghép đều có lãi từ trăm triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm...

Ông Võ Kháng - người nuôi tôm trên cát ở xã Phong Hải xởi lởi: Yếu tố quan trọng dẫn đến thành công mà người dân chúng tôi nhận ra là hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng yêu cầu nuôi tôm theo hướng công nghiệp”. Chủ tịch UBND xã Phong Hải-Phan Khánh chia sẻ, người nuôi tôm Phong Hải từng bị thua lỗ triền miên. Từ khi UBND huyện Phong Điền có quy hoạch nuôi tôm trên cát, người dân tích cực hưởng ứng, chấp hành đúng quy định. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chính quyền địa phương và người dân tự đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng kênh mương, thủy lợi. Các vùng quy hoạch ao hồ nuôi tôm đều có ao xử lý nước thải, ao lắng, xử lý nguồn nước trước khi thải ra biển. Trước khi đưa nước vào ao nuôi đều qua hệ thống lọc tạp chất, xử lý môi trường…

Hệ thống cấp thoát nước ở Vinh Hưng quá thô sơ, không đảm bảo môi trường

Các xã Quảng Công, Hải Dương một thời nuôi chuyên tôm sú lãi lớn, nhiều hộ phất lên làm giàu. Thấy vậy, người dân ồ ạt nuôi tôm, trong khi hệ thống hạ tầng thiếu quan tâm đầu tư nên NTTS không hiệu quả, thậm chí nhiều hộ bị thua lỗ, nợ nần chồng chất. Cách đây khoảng 5 năm, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi, đê bao, chính quyền địa phương tổ chức quy hoạch vùng nuôi đảm bảo… từ đó NTTS có hiệu quả. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Công-Võ Đông Thi thông tin, đến nay các vùng NTTS trên địa bàn xã đều quy hoạch hợp lý, có đầy đủ ao lắng, ao xử lý môi trường, bờ vùng, bờ thửa, kênh mương được xây dựng đảm bảo. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân chuyển đổi phương thức nuôi chuyên tôm sang xen ghép các đối tượng có giá trị kinh tế. Hầu hết các hộ chấp hành tốt quy định trong NTTS đều có lãi, mỗi hộ từ 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm. “Môi trường đảm bảo, ổn định là điều mà chính quyền địa phương và người dân rất yên tâm sản xuất, phát huy tiềm năng NTTS để vươn lên làm giàu”, ông Võ Đông Thi tự tin.

Chưa được đầu tư đúng mức

Hạ tầng đảm bảo được xác định là một hướng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển NTTS một cách hiệu quả và bền vững. Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương (Phong Điền)-Trần Gia Duy cho hay, tiềm năng nuôi tôm trên cát tại địa phương khá lớn. Mười năm trở lại đây, một số doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng ao hồ, hạ tầng nuôi tôm trên cát với diện tích hơn 50ha. Nhưng vì hạ tầng yếu kém nên nuôi tôm không có lãi, thậm chí thua lỗ, người dân và các công ty không còn mặn mà đành “bỏ của chạy lấy người”, hàng chục ha ao hồ bị hoang hóa, gây lãng phí. Điều đáng mừng là một số hộ còn bám trụ, xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi có bài bản nên nuôi tôm có lãi. “Phát huy tiềm năng nuôi tôm trên cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao, địa phương mong cấp trên cần xem xét, sớm đầu tư hệ thống kênh mương, thủy lợi, quy hoạch, xây dựng ao lắng, ao xử lý nước thải… Công nghệ, thiết bị máy móc kiểm dịch giống, xử lý dịch bệnh tại chỗ cần được đầu tư đáp ứng yêu cầu, quy trình nuôi tôm công nghiệp”, ông Trần Gia Duy kiến nghị.

Đê bao nuôi tôm ở Lộc Bình chưa đảm bảo

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền đánh giá, tiềm năng nuôi tôm trên cát ở vùng Ngũ Điền có thể đến lên tới con số ngàn ha, trong đó quy hoạch khai thác đưa vào sản xuất của huyện đến năm 2020 là 900ha; đến nay diện tích đã đưa vào nuôi khoảng 400ha. Trong khi mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát theo hướng công nghiệp, nhưng hạ tầng phục vụ sản xuất lại thiếu sự quan tâm đầu tư. Ngoài hạ tầng ở xã Phong Hải cơ bản đáp ứng, hệ thống hạ tầng nuôi tôm trên cát ở các xã Ngũ Điền quá yếu. Các vùng nuôi tôm cần quy hoạch một cách chi tiết, đồng bộ, có bài bản, cứ khoảng 5 ao nuôi phải có một ao lắng. Hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm điện cần xây dựng kiên cố đảm bảo cấp, thoát nước, xử lý môi trường. Các hộ nuôi cần được hỗ trợ, đầu tư hệ thống lọc nước biển, tạp chất trước khi đưa nước vào ao nuôi; xây dựng bể ương giống tại chỗ, thuận lợi cho việc kiểm dịch, xử lý dịch bệnh, đảm bảo nguồn giống chất lượng, an toàn trước khi thả nuôi…

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, hạ tầng NTTS trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đồng bộ. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương sẽ tập trung rà soát hệ thống hạ tầng (theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ). Trên cơ sở đó sẽ định hướng, quy hoạch các vùng NTTS hợp lý, đồng thời đề xuất cấp trên đầu tư xây dựng hạ tầng NTTS. Vừa qua UBND tỉnh có quyết định đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền; các cấp, ngành liên quan cần sớm cấp kinh phí để triển khai xây dựng các hạng mục công trình.

Hạ tầng nuôi tôm trên cát chưa được đầu tư đúng mức, còn các vùng NTTS trên đầm phá bị xuống cấp trầm trọng. Tại huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT thông tin, diện tích NTTS toàn huyện hằng năm khoảng 1.200ha, trong đó đầm phá 900 ha. Ngoài xã Vinh Mỹ có khoảng 19ha nuôi tôm được người dân đầu tư hạ tầng bài bản, ổn định, còn hầu hết các địa phương khác đều chưa đảm bảo NTTS. Hệ thống điện, thủy lợi, cấp, thoát nước tại các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Điền… còn quá yếu. Cách đây mấy chục năm, Nhà nước đầu tư xây dựng đê bao, kênh mương, thủy lợi nhưng qua quá trình sử dụng đã xuống cấp, người dân nuôi tôm thua lỗ nên không có điều kiện duy tu, bảo dưỡng.

Trong khi hạ tầng xuống cấp, song các địa phương ở huyện Phú Lộc vẫn chưa quan tâm quy hoạch, đề xuất hướng giải quyết. Người dân chủ yếu tự đầu tư đường ống cấp, thoát nước rất thô sơ để phục vụ sản xuất. Trận lũ năm 2015 làm cuốn trôi hơn 40ha NTTS, gây thiệt hại gần chục tỷ đồng, do hệ thống đê bao, thủy lợi bị vỡ. Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, sắp đến ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát lại hệ thống hạ tầng NTTS trên địa bàn, làm cơ sở để phân định hạng mục nào thuộc về Nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng, hạng mục lớn sẽ đề nghị cấp trên đầu tư. Các hạng mục cần được xây dựng trong thời gian đến là hệ thống trạm bơm điện, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi, đê bao và điện lưới phục vụ sản xuất tại chỗ…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh

Trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành thì chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ là hướng đi tất yếu đối với các tổ chức, hộ cá nhân.

Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh
Return to top