ClockChủ Nhật, 07/06/2015 07:41

Chưa đột biến nhưng không chủ quan

TTH - Mặc dù oi bức, nắng nóng kéo dài nhưng tình hình dịch bệnh ở các địa phương vẫn đang trong tình trạng ổn định.

Mỗi ngày, Khoa nhi Bệnh viện Phú Vang đón khoảng 25-30 lượt bệnh đến khám, chủ yếu là các bệnh về tiêu hóa và hô hấp

Chưa có dịch

Từ đầu tháng 3 đến nay, Trạm Y tế xã Phú Hồ (Phú Vang) chỉ phát hiện 1 bệnh nhân nghi ngờ sốt xuất huyết nhưng là người sinh sống từ vùng khác trở về. So với thời điểm này các năm trước, tỷ lệ người mắc bệnh sốt xuất huyết giảm nhiều và có chiều hướng ổn định. Bác sĩ Hoàng Trọng Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hồ cho biết: “Phú Hồ từng là một trong những vùng trọng điểm của huyện về dịch sốt xuất huyết, nhiều nhất ở các thôn Sư Lỗ Đông và Di Đông. Đến thời điểm này, ngoài trường hợp ca bệnh nghi ngờ sốt xuất huyết, địa phương vẫn chưa phát hiện ca bệnh thứ hai”. Bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác hầu như không xảy ra, ngay cả các bệnh về đường tiêu hóa hay gặp trong mùa nắng nóng cũng chỉ xuất hiện rải rác, không đáng kể. Theo bác sĩ Chiến, những ngày gần đây, người dân chủ yếu đến khám bệnh dị ứng ngoài da (trong tháng 5 có 15-16 bệnh), viêm họng, cảm nắng.

Các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu (huyện Phú Vang) là những vùng có ổ dịch cũ của các năm trước. Các địa phương này đang chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chưa có người mắc các bệnh truyền nhiễm đến khám, không có dấu hiệu xuất hiện bệnh dịch trở lại.

Bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, thông tin: “Các năm trước, đây là giai đoạn cao điểm về dịch bệnh mùa nắng nóng nhưng trong quý I vừa qua, trên địa bàn huyện chỉ có 2 ca bệnh theo dõi tay chân miệng và 1 ca bệnh theo dõi sốt xuất huyết. Chúng tôi theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm để kịp thời xử lý, nhưng chưa thấy có dấu hiệu đột biến”.

Ở Bệnh viện Phú Vang, lượng bệnh nhân tăng lên chủ yếu là đối tượng trẻ em, đông nhất là các bệnh phát ban, mề đay, viêm phế quản và bệnh về tiêu hóa. Bình quân mỗi ngày có khoảng 25-30 lượt bệnh đến khám và điều trị. Theo bác sĩ Trần Đại Ái, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, Bệnh viện Phú Vang, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 350 - 400 lượt bệnh nhân đến khám, nhiều nhất là các bệnh về trẻ em (60-70 người), viêm ruột, sốt siêu vi; các bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp rất ít gặp. Những bệnh truyền nhiễm chỉ xuất hiện rải rác, phân tán và chưa bùng phát thành dịch.

Tại huyện Nam Đông, tình trạng sức khỏe của người dân bình thường, chưa xuất hiện dịch bệnh đáng lo ngại. “Bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc các bệnh thông thường. Trời nắng, nhiều người dân có cảm giác mệt nhưng chưa có bệnh dịch. Chúng tôi đang chủ động kiểm soát dịch bệnh và xử lý khi có đột biến xảy ra”, ông Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông cho biết.

Tìm hiểu ở các địa phương khác như huyện Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, dịch bệnh mùa hè hầu như chưa xảy ra và đang được kiểm soát tốt. Các địa phương nằm trong nguy cơ bùng phát dịch bệnh được phun thuốc phòng dịch, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Không chủ quan

Mặc dù tình hình đang được kiểm soát tốt, nhưng các địa phương luôn chủ động trong phòng ngừa và xử lý. Tại huyện Phú Vang, trong tháng 3/2015, Trung tâm Y tế huyện tổ chức đợt phun hóa chất chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết cho 5 xã gần thành phố, là những nơi có các ổ dịch cũ và chuẩn bị phun hóa chất đợt 2 cho các địa phương còn lại; thí điểm thả hóa chất ngăn chặn bọ gậy phát triển ở 2 xã Vinh Thanh và Phú An. Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện Phú Vang tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh của 53 trường mẫu giáo và tiểu học, đặc biệt là kiểm tra bếp ăn tập thể của 26 trường trong huyện. Các trạm y tế cũng được cấp máy phun và hóa chất xử lý tại chỗ. “Ngay từ đầu năm đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc; phát hiện nghi ngờ có dịch là phun thuốc khoanh vùng hoặc đại trà xử lý triệt để”, ông Tuấn cho biết. Cũng theo bác sĩ Tuấn, tuy tình hình dịch bệnh ở thời điểm hiện tại ổn định, nhưng nếu nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa rào là điều kiện thích hợp để muỗi phát triển, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm là rất cao.

Trao đổi với các đơn vị y tế ở nhiều địa phương, được biết, tuy tình hình dịch bệnh ổn định nhưng không thể chủ quan. Công tác tăng cường giám sát để phát hiện sớm và xử lý ngay là điều cần làm. Các cơ sở y tế cũng phối hợp với mạng lưới y tế thôn xã tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường, có ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh; giữ vệ sinh trong ăn uống và chế biến thực phẩm, tránh tình trạng ngộ độc và các bệnh về tiêu hóa xảy ra.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top