ClockThứ Năm, 18/06/2015 16:30

Chưa được phát huy giá trị

TTH - Chỉ có 5/19 hội viên sử dụng logo nhãn hiệu tập thể nói trên trong khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm tôm chua khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

 

Người tiêu dùng khó phân biệt
Tôm chua Huế đặc sản nổi tiếng nên du khách phương xa thường chọn làm quà sau thời gian tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng và khám phá ẩm thực Huế. Phân loại theo sản phẩm mang dấu hiệu địa danh đã được bảo hộ, hiện nay, trên thị trường có 2 loại tôm chua đó là tôm chua mang Nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Tôm chua Huế” và tôm chua có nhãn mác thông thường. Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 120 cơ sở chuyên sản xuất tôm chua Huế và hơn 500 cơ sở chế biến thủy hải sản dạng mắm, trong đó có tôm chua. Nghề làm tôm chua giải quyết việc làm cho nhiều lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào trên địa bàn và mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ nên việc quảng bá thương hiệu tôm chua vẫn chưa được chú trọng.
Với quyết tâm cao 15 chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2010-2015 đều đạt và vượt
Ông Phạm Đình Văn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, trên thị trường có quá nhiều sản phẩm tôm chua nên người tiêu dùng chưa biết được đâu là sản phẩm của tập thể với yêu cầu quy trình chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt. NHTT là tài sản giá trị của Hiệp hội Tôm chua Huế được tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh Huế gắn liền sản phẩm tôm chua và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ từ năm 2011 với 22 hội viên ban đầu là các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm chua Huế trên địa bàn tỉnh, trong đó Hiệp hội Tôm chua Huế (HUSA) là đơn vị chủ thể sử dụng, quản lý.
Song, một thực tế đáng buồn là dù các cơ sở này tham gia và tuân thủ các quy định, nhưng họ vẫn chưa nhận được quyền lợi, ưu đãi nào và chưa thật sự thể hiện được giá trị khi tham gia hiệp hội. Có nhiều lý do, đó là sản phẩm tôm chua chưa được quản lý chặt, bày bán tràn lan với chất lượng không đảm bảo, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đây cũng là lý do khiến nhiều cơ sở mặc dù tham gia hiệp hội vẫn chưa mặn mà và việc mở rộng, kết nạp hội viên còn hạn chế. Trong số 19 hội viên sau khi rà soát tại T.P Huế, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, chỉ có 5 hội viên sử dụng logo nhãn hiệu tập thể. Điều này cho thấy, ngay cả những hội viên tham gia vẫn chưa nhận ra giá trị thương hiệu.
Kết quả phân tích kiểm nghiệm khi thực hiện Dự án khoa học công nghệ “Quản lý và Phát triển NHTT Tôm chua Huế cho sản phẩm Tôm chua của tỉnh Thừa Thiên Huế” do Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì cho thấy, trên thị trường hiện nay một số sản phẩm tôm chua không đảm bảo chất lượng, hàm lượng tôm trong thành phẩm thấp, sản phẩm quá mặn hoặc quá chua, một số cơ sở đã lạm dụng phụ gia thực phẩm như phẩm màu và chất bảo quản vượt giới hạn cho phép… Ngay chính các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng thừa nhận một số cơ sở do chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh lẫn nhau, nên không quan tâm đến chất lượng sản phẩm như tiêu chí hàng đầu để cung cấp cho người tiêu dùng. Chính những điều này đã và đang ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng sản phẩm tôm chua Huế. Vì thế, người tiêu dùng, nhất là khách du lịch không còn tin tưởng sử dụng lần sau và quay lưng với sản phẩm.
 
Quản lý và phát triển thương hiệu
Theo ông Phạm Đình Văn, việc làm thế nào để các cơ sở ngoài Hiệp hội tham gia vào hiệp hội và các cơ sở đã tham gia cam kết sản xuất sản phẩm đạt chất lượng là trăn trở cũng như mong muốn của chính quyền địa phương để thương hiệu Tôm chua Huế xứng đáng giữ vững danh hiệu là 1 trong 11 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận, top 50 đặc sản và quà tặng Việt Nam năm 2013 và có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước. Trước tình hình đó, thời gian qua, Hiệp hội Tôm chua Huế đã ban hành quy trình công nghệ chế biến tôm chua Huế thống nhất chung mang NHTT, xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở mang nhãn hiệu với các yêu cầu chặt chẽ về cảm quan, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, điều kiện bao gói bảo quản… để cung cấp sản phẩm tôm chua Huế đạt chất lượng đồng nhất đến tay người tiêu dùng.
Để giám sát chất lượng, Hiệp hội cũng đã xây dựng quy chế quản lý sử dụng NHTT và kiểm soát sản phẩm tôm chua mang NHTT, thành lập Ban quản lý NHTT để tự kiểm soát và giám sát chất lượng lẫn nhau, cam kết về chất lượng sản phẩm mang NHTT từ đó bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm đặc sản, bảo vệ quyền lợi của các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm chua Huế, đảm bảo thành phẩm cuối cùng đạt chất lượng, ổn định. Mỗi cơ sở sản xuất trong Hiệp hội đều có sổ nhật ký sản xuất tôm chua Huế mang nhãn hiệu tập thể. Trong đó ghi các biểu mẫu cụ thể, chi tiết về kiểm soát tôm nguyên liệu, loại muối sử dụng, các loại nguyên liệu phụ, các loại gia vị, công đoạn phối trộn và ủ, công đoạn phối trộn gia vị, đóng gói, bảo quản, chất lượng thành phẩm, nhãn hàng hóa… như hàm lượng tôm phải trên 50% trọng lượng sản phẩm, nguyên liệu tôm không bị nhiễm dư lượng kháng sinh, hay các yêu cầu chỉ tiêu khác phải đảm bảo.
Qua hoạt động giám sát nội bộ hàng năm, hiện nay Hiệp hội Tôm chua Huế đã cấp quyền sử dụng NHTT Tôm chua Huế cho 19 hội viên và chỉ những cơ sở này mới có quyền gắn, dán, sử dụng dấu hiệu mang NHTT Tôm chua Huế trên bao bì thương phẩm của cơ sở và cam kết về chất lượng do cơ sở sản xuất. Hiệp hội cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sản xuất kinh doanh tôm chua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia vào Hiệp hội, cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể đã bảo hộ, xây dựng và phát triển Hiệp hội, nhằm bảo đảm gìn giữ uy tín chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Một khi mô hình về quản lý và phát triển NHTT tôm chua Huế sử dụng thành công trên thực tế sẽ mang lại hiệu quả cho Hiệp hội, hội viên cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm chua Huế mang NHTT; đồng thời làm mô hình mẫu để phát triển các sản phẩm chế biến nông thủy sản khác của các làng nghề mang thương hiệu chung phát triển hiệu quả và bền vững. Chị Lê Thị Ngọc Sương, cán bộ Phòng Chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn.
Bài, ảnh: Minh Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top