ClockThứ Tư, 14/10/2015 14:06

Chưa phát huy hiệu quả

TTH - Chuyển đổi mô hình quản lý chợ (CĐMHQLC) từ UBND phường, xã, thị trấn sang các DN, HTX sẽ cải thiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các chợ, góp phần đưa hoạt động quản lý đi vào nề nếp. Song, do chưa huy động được các DN mạnh tham gia tiếp quản nên việc CĐMHQLC vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

 

Sau khi chuyển đổi cho HTX nông nghiệp tiếp quản, chợ Mai được đầu tư vốn nâng cấp đình chợ và thiết bị PCCC

Ổn định, ngăn nắp hơn

Theo thống kê từ Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 159 chợ, trong đó có 3 chợ loại I, 15 chợ loại II và 141 chợ loại III; trong đó có 52 chợ đóng trên địa bàn TP Huế và 107 chợ tại các huyện, thị xã. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chủ trương CĐMHQLC, Sở Công thương giao cho các DN, HTX quản lý 10 chợ, trong đó thị xã Hương Thủy có 6 chợ, Phú Lộc 3 chợ và Nam Đông 1 chợ.

Thực hiện chủ trương CĐMHQLC, tháng 10/2011, UBND phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) giao cho HTX Nông nghiệp Thủy Dương tiếp nhận và quản lý chợ Tổ 1 và chợ Mai nằm trên địa bàn phường. Quy mô cả hai chợ gồm 237 lô và các khu vực kinh doanh tự do, khu tự sản tự tiêu, nhà xe, đáp ứng nhu cầu giao thương mua bán của người dân trên địa bàn phường cũng như các khu vực lân cận. Sau khi tiếp quản, HTX đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, trang bị thiết bị PCCC và thành lập tổ quản lý gồm 4 người, thường xuyên túc trực tại 2 chợ nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của tiểu thương, ổn định kinh doanh mua bán. “Từ khi giao cho HTX Nông nghiệp Thủy Phương quản lý, cơ sở hạ tầng, cũng như hoạt động kinh doanh ở chợ ổn định và ngăn nắp hơn. Các nhân viên luôn có mặt để giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết các sự cố nên tiểu thương yên tâm và tập trung buôn bán”, chị Đặng Thị Hoàng Lan, kinh doanh ngành hàng áo quần chợ Tổ 1 chia sẻ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Dương, ông Phùng Độ cho biết: “Ngoài hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, tham gia quản lý chợ sẽ giúp HTX thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực nhằm tạo thêm doanh thu cho bà con xã viên. Hiện, chúng tôi đang huy động vốn để đầu năm 2016 tiếp tục đầu tư thêm 300 triệu đồng cải tạo đình chợ Mai, đồng thời vận động tiểu thương đóng góp để trang cấp các thiết bị PCCC đảm bảo hai khu chợ đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả”.
Chợ Nam Đông đóng trên địa bàn xã Hương Giang (Nam Đông), phục vụ nhu cầu mua bán và trao đổi các loại nông sản của người dân 5 xã vùng trên, gồm Hương Giang, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long và Thượng Quảng. Sau khi tiếp nhận, HTX Nông nghiệp Hương Giang tổ chức bộ máy quản lý gồm 5 người, túc trực 24/24 giờ để giữ gìn an ninh trật tự và giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện để tiểu thương ổn định việc mua bán. “Trước đây do quản lý là cán bộ kiêm nhiệm, không có thời gian quán xuyến chợ nên thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mua bán. Hiện, HTX đang sắp xếp lại các lô hàng, lấy ý kiến tiểu thương để thu phí trang cấp thêm các thiết bị PCCC và cải tạo cơ sở vật chất”, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hương Giang, ông Trần Văn Biên nói.
Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Nam Đông, ông Trần Đình Vĩnh Lộc cho biết: “Sau khi chuyển đổi thành công chợ Nam Đông, chúng tôi đang lập đề án và kêu gọi các DN có tiềm lực tiếp quản chợ Khe Tre, nhằm từng bước đầu tư vốn cải tạo hạ tầng chợ và trang cấp thiết bị PCCC đảm bảo theo tiêu chuẩn chợ loại II của tỉnh”.
Cần thu hút DN mạnh
Ngoài chợ Mai, chợ Tổ 1 và chợ Nam Đông, hiện toàn tỉnh đã chuyển đổi thêm 7 ngôi chợ ở các địa bàn nông thôn và hoạt động khá hiệu quả sau khi chuyển đổi. Trong đó, các chợ trên địa bàn thị xã Hương Thủy giao cho các HTX nông nghiệp quản lý, như chợ Dạ Lê giao cho HTX Thủy Phương, chợ Thần Phù giao cho HTX Thủy Châu, chợ Cầu Ngói thuộc quyền quản lý của HTX Thủy Thanh, chợ Dương Hòa giao cho HTX Sản xuất- dịch vụ tổng hợp Dương Hòa. Huyện Phú Lộc có 3 chợ được chuyển đổi, trong đó thành lập mới 2 HTX thương mại dịch vụ quản lý chợ Cầu Hai ở thị trấn Phú Lộc và chợ Truồi ở xã Lộc An, chợ Nước Ngọt giao HTX dịch vụ điện năng Lộc Thủy tiếp quản. 
Tuy nhiên, quá trình triển khai việc CĐMHQLC gặp không ít khó khăn do đa số các chợ đều giao cho HTX nông nghiệp tiếp quản, nguồn vốn đầu tư ít, trong khi việc thu phí ở chợ phải nộp trên 80% cho cấp trên nên việc nâng cấp, cải tạo chợ còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thu các loại phí tự nguyện để đầu tư các trang thiết bị PCCC, nâng cấp chợ chưa được tiểu thương đồng tình nên mặc dù được chuyển đổi, song khá nhiều chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng. “Sau vụ cháy chợ Tứ Hạ ở thị xã Hương Trà, HTX vận động tiểu thương chợ Mai và chợ Tổ 1 đóng thêm 1 lô 30.000đ để trang bị thiết bị thêm PCCC và trả lương cán bộ trực đêm để bảo vệ tài sản, song đa số tiểu thương đều không nhất trí, trong khi kinh phí HTX có hạn, nên hiện hai ngôi chợ này vẫn thiếu nhiều thiết bị PCCC và chưa có lực lượng trực bảo vệ đêm”, Trưởng bộ phận kinh doanh HTX Nông nghiệp Thủy Phương, ông Lê Chí Hiệp nói.
Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho rằng: “Việc CĐMHQLC đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm một phần là do chưa kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư mạnh, đủ tiềm lực để tiếp quản và đầu tư phát triển chợ. Mặt khác, kinh doanh chợ thu hồi vốn lâu, khó quản lý nhưng nguồn vốn đầu tư bước đầu lớn khiến các DN chưa mặn mà tiếp nhận quản lý chợ mà chủ yếu là giao cho các HTX nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều HTX gặp khó khăn về vốn nên hiện các ngôi chợ mặc dù đã được chuyển đổi song vẫn chưa phát huy hiệu quả trong vấn đề đầu tư, cải tạo chợ. Hiện, sở đang đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện để các DN lớn đầu tư tiếp quản các chợ còn lại nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng”.
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý
Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa

Sáng 25/4, Hiệp hội Du lịch tổ chức lễ ký kết hành động giảm dùng đồ nhựa một lần cho 3 doanh nghiệp (DN) lữ hành tiên phong tại TP. Huế, thuộc Hội Lữ hành - Hiệp hội Du lịch, gồm: Công ty Du lịch kỳ nghỉ Huế (Huế Vacation), Công ty Du lịch RESTOUR, Công ty Du lịch An Phú.

Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa
Return to top