ClockThứ Bảy, 09/03/2019 12:30

Chùa to, chùa nhỏ

TTH - Thú thật là tôi chưa lên chùa Bái Đính, mặc dù nhận được không ít lời mời hay đơn giản chỉ là rủ rê đến một lần cho biết.

Chẳng hiểu sao ở tôi là một cảm giác ngần ngại, nhất là với những gì được làm ra, dựng nên chỉ vì một sự “nhất” nào đó. Có bao nhiêu thứ được xứng danh là “nhất” rồi, ví như chiếc bánh chưng to nhất, dài nhất, cốc café lớn nhất, thỏi đường hay chiếc bánh pía nặng nhất, chiếc bánh xèo bự nhất… rồi cuối cùng không biết người ta xử lý thành phẩm ra sao, có gây hậu quả nào cho những người có cơ hội thưởng thức nó không. Tất nhiên là không thể so sánh cái nhất của một vật thể với những cái nhất khác, chỉ tồn tại trong một thời điểm nhất định được, nhưng quả là có một cái gì đó, cứ gờn gợn về việc làm/thực hiện/xây dựng chỉ để được hơn người, được vinh danh và được xếp vào một kỷ lục ghi-net nào đó…

Cũng là một dịp tình cờ, cuối năm 2018 vừa qua, các đồng nghiệp ở Hà Nam đã “mang” chúng tôi lên Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và giới thiệu một quần thể chùa đang được xây dựng, dự kiến có vài hợp phần sẽ được đưa vào khánh thành nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – Vesak 2019 sắp tới. Cứ nghĩ là ngày thường, lại đang trong thời gian xây dựng nên chỉ có công nhân ở công trình thôi. Đến nơi, tôi mới biết mình nhầm, vì người đi vãn chùa đã rất đông rồi. Khói hương chưa dày đặc nhưng cũng đã bắt đầu nghi ngút. Đến mới biết, Tam Chúc sẽ có những cái nhất vượt lên những đỉnh khác như sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích quần thể lên tới 5.100 ha, diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Chùa có sự hiện diện của 3 bức tượng Phật tổ được đúc bằng đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn; có thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5kg trị giá trên 600.000 USD, có cây bồ đề được chiết từ cây gốc – một báu vật của đất nước Sri Lanka có tuổi thọ 2.250 tuổi. Tôi cũng đã đặt tay lên mảng tường miêu tả sự tích của đức Phật được làm bằng những viên gạch vốn là dung nham núi lửa được vận chuyển về từ Indonesia…

Các đồng nghiệp của tôi cũng đã chia sẻ kỳ vọng về một thay đổi khi có quần thể chùa ở Tam Chúc – một “Hạ Long trên cạn” dựa trên địa thế, cảnh quan - nhất là về du lịch, dịch vụ - một lĩnh vực mà lâu nay Hà Nam chưa thể “bằng anh, bằng em”, cũng như kỳ vọng về một sự bứt phá bắt đầu từ Tam Chúc. Còn tôi, lúc ấy mới chỉ nghĩ về sự kỳ công cũng như mong muốn, hoạch định về một sự kỳ vĩ mà người ta hướng đến khi định hướng đầu tư và đặt nền móng cho ngôi chùa này.

Phải thừa nhận là những người đầu tư để xây dựng chùa rất nhạy bén trong việc tìm kiếm các cơ hội. Nhất là khi không ít người dân đang có xu hướng và nhu cầu về văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, khi dừng bước ở Tam Chúc, điều mà tôi luôn tự hỏi là những người lên vãn cảnh ở đó có phải bắt đầu trước hết vì sự tò mò, hiếu kỳ? Hình như không mấy người biết trước đây, nơi mà họ vừa đến có một chùa Tam Chúc cổ, tồn tại cách đây có lẽ đến cả ngàn năm mà dấu tích là những xà đá, cột gỗ, cột đá bị vùi lấp ở nền móng cũ, được phát lộ trong quá trình thi công và được các chuyên gia khảo cổ học xác định niên đại có thể trên cả 1.000 năm.

Để sang một bên những ý kiến bàn luận gần đây về chùa của đại gia, của doanh nghiệp (tạo dựng hay tạo dựng lại) trên các kênh thông tin, với những ý kiến đa chiều về việc cần nhìn nhận đúng bản chất các công trình gắn với danh xưng tôn giáo để phục vụ mục đích kinh doanh (chẳng hạn với việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sân golf, nhà hàng, nơi vui chơi giải trí… trong khuôn viên diện tích đã được phê duyệt), về việc thay đổi cách định danh đây là các dự án kinh tế xung quanh việc xây dựng và phải có sự đánh giá, thẩm định lại với những tiêu chí cụ thể, pháp lý cụ thể về mặt Nhà nước, tôi chỉ nghĩ, một địa điểm tâm linh, chắc chắn phải thanh tịnh, phải có đời sống và ký ức trong dòng chảy văn hóa. Thế nên, có lẽ trong dòng chảy ấy, sẽ chẳng có chùa nào là nhỏ, chùa nào là to nếu không được định vị từ chính lòng người.

Nên thể nào, tôi cũng sẽ đưa các đồng nghiệp của tôi vãn chùa Huế với tất cả an yên luôn có.

HOÀNG MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top