ClockThứ Năm, 11/10/2012 16:41

Chưa vui, đã khổ vì nuôi nhím

TTH - Cách đây 5 năm, phong trào nuôi nhím phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Không nằm ngoài vòng xoáy kinh tế đó, nhiều nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đua nhau nuôi nhím với hi vọng làm giàu. Nhưng 2 năm nay, giá nhím rớt thê thảm khiến nhiều nông dân phải "lên bờ, xuống ruộng".

Thời huy hoàng của nhím

 

Những năm trước, phong trào phát triển mạnh đẩy giá nhím giống lên cao, có thời điểm 1 cặp nhím giống giá lên đến 20 triệu đồng. Gần 4 năm trước, khi tham quan mô hình của ông Lê Đăng, xã Điền Hương, huyện Phong Điền, nhìn ông rất vẻ tự hào khi gia đình thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi nhím. Thời điểm đó có tiền mua nhím giống về nuôi được xem là khá giả lắm, bởi 1 cặp nhím giống lúc đó có giá 17 đến 20 triệu đồng. Với trên 10 cặp nhím đang trong thời kỳ sinh sản, ông tính toán mỗi năm gia đình ông có thể lãi gần 200 triệu đồng.

 

Nhiều nông dân gặp khó với mô hình nuôi nhím

 

Ông Đăng tâm sự: Sau khi xem chương trình “Nông dân làm giàu” trên kênh VTV1, thấy Giáo sư Nguyễn Lân Hùng giới thiệu mô hình nuôi nhím cho thu nhập cao, tôi bắt đầu ấp ủ ý định mở trang trại nuôi nhím. Tôi lặn lội vào Củ Chi mua 3 con nhím, trong đó 2 con cái 1 con đực về nhân giống với giá mỗi cặp có trọng lượng 4kg là 13 triệu đồng. Nhím nuôi không tốn nhiều chi phí thức ăn, lại sinh sản nhanh nên thu nhập rất cao. Mỗi năm, thu nhập trên 150 triệu đồng. Nhờ nuôi nhím chúng tôi mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.

 

Nếu giá nhím ổn định vào khoảng 300 ngàn đồng/kg là người nuôi có lãi. Cùng thời điểm này, nông dân nhiều huyện cũng bắt tay vào nuôi nhím. Người ta kháo nhau nuôi nhím lợi nhuận cao hơn cả trồng cây cảnh, bởi nhu cầu cao trong khi nguồn cung khan hiếm. Làm một phép tính đơn giản, nếu mua 1 đôi nhím giống có giá khoảng 20 triệu đồng về nuôi; sau 6 tháng sinh sản được 3 đến 4 con, trong khi chi phí thức ăn thấp chỉ khoảng 50 ngàn đồng/tháng. Đó là chưa kể người nuôi có thể chủ động nguồn thức ăn trong vườn để nuôi nhím. Như vậy một năm có thể thu lãi gấp đôi nguồn vốn ban đầu. Vì lý do đó mà nhiều nông dân quyết chí nuôi nhím làm giàu. Anh Nguyễn Xuân Trường, cán bộ Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 133 trang trại nuôi động vật hoang dã, trong đó có 77 trang trại đăng ký nuôi nhím. Đây là một con số không hề nhỏ.

 

Mất ngủ vì rớt giá

 

Hai năm nay, giá nhím có xu hướng giảm nhanh. Từ đầu ra phong phú, đến nay đầu ra vô cùng khó khăn, giá lại giảm chóng mặt. Hiện tại, 1 cặp nhím giống trọng lượng 4 đến 5 kg có giá 2 triệu đồng, còn nhím thương phẩm có giá 120 đến 150 ngàn đồng/kg. Giá nhím trượt dốc khiến nhiều hộ nuôi nhím lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu”.

 

Quay lại câu chuyện của anh Lê Đăng, sau khi nhím rớt giá liên tục gia đình anh lâm gặp không ít khó khăn. Anh Đăng nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian tôi không thể quên được, nếu nhớ không nhầm vào ngày 16-10-2010, giá nhím giống rớt thê thảm. Từ 500 ngàn đồng/kg nhím thương phẩm chỉ còn lại 150 ngàn đồng. Với tôi, chuyện tăng hay giảm của giá cả không quá nặng nề vì kinh doanh có lúc lời, lúc lỗ, với lại gia đình tôi cũng có thu nhập trước đó”. Còn những bà con học theo mô hình thì khá bế tắc.

 

Bà Nguyễn Thị Phi, thôn Thanh Hương Đông than thở: “Thằng con trai tui thấy người ta ăn nên làm ra nhờ nuôi nhím, cũng học theo mua nhím về nuôi. Nhưng nuôi 2 năm nay nhím chẳng phát triển về trọng lượng, lại không sinh sản, thêm vào đó là việc nhím rớt giá chóng mặt khiến gia đình lâm vào con đường “tiến thoái lưỡng nan”. Hiện nay, gia đình nuôi 7 con nhím, chi phí thức ăn mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng/tháng. Bán thì lỗ mà nuôi lại tốn thêm chi phí thức ăn, chẳng biết nên làm gì với chúng. Thằng con trai cứ điện thoại vào bảo ai mua thì bán cho họ nhưng bán thế nào được khi chưa tính chi phí thức ăn phải chịu lỗ đến 7 triệu đồng/con (lúc đầu mua 1 cặp là 16 triệu đồng), mà bán cũng không ai mua”. Chấp nhận bỏ chi phí thức ăn chờ khi giá nhím tăng, nhiều nông dân gặp không ít khó khăn. Nhiều người muốn bán đẩy với giá 1 triệu đồng/con nhưng cũng không ai thèm nhòm ngó.

 

Thị trường nhím bão hòa do nhu cầu nhím giống của người dân đã đủ. Trong khi đó, nhu cầu nhím thương phẩm trên thị trường giảm do người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này khiến giá nhím giảm mạnh. Ông Trần Gia Huy, Phó chủ tịch UBND xã Điền Hương, cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn xã có 10 hộ nuôi nhím, với số lượng nuôi khoảng 75 con, trong đó hộ nuôi nhiều từ 30 đến 40 con, hộ nuôi ít từ 2 đến 3 con. Trước đây, người ta nuôi chủ yếu bán nhím giống, nhưng hiện nay do giá nhím giống giảm mạnh nên người dân không biết bán cho ai. Trong khi đó, thị trường xem thịt nhím là món ăn quá xa xỉ nên nhiều nhà hàng không đưa vào thực đơn. Về phía xã chỉ có thể động viên bà con duy trì số lượng nuôi, với những hộ có nhu cầu mở rộng quy mô nuôi xã sẽ giúp đỡ bà con trong việc vay vốn ngân hàng”.

 

Đây là tình trạng chung của nhiều trang trại nhím trên địa bàn tỉnh, do mở rộng mô hình nuôi một cách tự phát nên khi gặp khó chẳng biết kêu ai. Đây là bài học cho nhiều hộ dân, trước khi có ý định mở rộng mô hình cần có những định hướng phát triển rõ ràng, đặc biệt cần chú ý đến đầu ra lâu dài cho sản phẩm.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

Sáng 16/3, UBND TP. Huế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (viết tắt là VFBC)” và Đơn vị thực hiện Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học WWF-Việt Nam tổ chức lễ phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã.

Phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã
TP. Huế đào tạo nghề cho 210 lao động nông thôn

Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động năm 2024.

TP Huế đào tạo nghề cho 210 lao động nông thôn
Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, trên địa bàn huyện Nam Đông xuất hiện nhiều hội viên, nông dân (HVND) thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới.

Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới
Return to top