ClockThứ Năm, 19/03/2015 11:15

Chuẩn bị gì cho “thải biên”

TTH - Từ trước đến nay, khu vực đơn vị sự nghiệp được cho là một trong những khu vực trì trệ nhất. Nhiều đơn vị sự nghiệp, nhiệm vụ và hiệu quả đưa lại hàng năm không rõ ràng, hoặc cần phải chuyển đổi để nâng cao hiệu quả thì chúng ta vẫn không có những động thái cho vấn đề này. Trong khi đó, hàng năm Nhà nước cung cấp một nguồn ngân sách rất lớn cho hàng ngàn đơn vị như vậy trên cả nước.

Ở đây có một tác động hai chiều diễn ra: càng bao cấp càng thiếu động lực. Càng thiếu động lực, bộ máy càng trì trệ và thiếu năng động. Điều này chúng ta đã nói nhiều. Và có vẻ như đã “đến giới hạn của sự trì hoãn”, tình hình sẽ được thay đổi mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định về đổi mới hoạt động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị công lập. Chính phủ cũng công bố một nguồn ngân sách lớn sẽ không chi trả cho khối này nữa. Cùng với những quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã có những động thái rất cụ thể để giảm biên chế, chẳng hạn như đơn vị nào nghỉ hưu hai người mới được thay thế một người, phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ giảm được 10% số lượng cán bộ, công chức.

Quyết tâm cải cách khu vực đơn vị sự nghiệp công lập của cấp trên rất rõ ràng, nhưng sự chuyển động của các đơn vị tác động có vẻ rất chậm chạp. Và không ít đơn vị có vẻ như đi theo chiều ngược lại. Điều này có thể nhìn thấy ở các đơn vị sự nghiệp có thu. Ở những đơn vị sự nghiệp có thu, quy định của Nhà nước là cho tự chủ một phần kinh phí và giao quyền cho đơn vị. Điều này hay ở chỗ làm cho các đơn vị trở nên năng động hơn nhưng cũng không loại trừ có đơn vị lợi dụng tính tự chủ này để tăng người. Điều này không hề lý thuyết mà chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ đã diễn ra trong thực tế. Để hạn chế tiêu cực này, vấn đề đề án việc làm phải được quan tâm và giám sát chặt chẽ.

Giảm 100.000 biên chế, nhìn ở khía cạnh hoạt động của bộ máy nhà nước là rất tốt. Bộ máy trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Đây là điều kiện để tăng lương, để kích thích sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm của bộ máy nhà nước. Nhưng xét ở khía cạnh xã hội thì Nhà nước còn nhiều việc phải làm. Có thể giảm 100.000 biên chế Nhà nước sẽ bố trí đủ ngân sách để giải quyết chế độ. Điều ấy cũng đồng nghĩa với xã hội sẽ hứng có thể 50% lao động dôi dư từ “thải biên”. Những người trong diện “thải biên” đến thời gian đã nghỉ hưu thì không nói làm gì, nhưng đối với những người năng lực hạn chế thì gánh nặng này sẽ đẩy ra cho gia đình và xã hội. Có thể một phần không nhỏ ở vào độ tuổi khó có cơ hội tìm việc làm. Vì vậy chúng ta có thể thấy một hình thức “thất nghiệp mới” ở vào độ tuổi trung niên.

Sự phát triển của công nghệ và những chuyển dịch của nhu cầu cũng tạo ra một lượng không nhỏ ở các đơn vị sự nghiệp mất việc làm. Chẳng hạn như ngành giao thông vận tải. Trước đây những người làm nhiệm vụ ở các phà khi phà dừng thì chuyển qua thu phí giao thông đường bộ. Tiếp đó, nhiều trạm phí giao thông ngừng hoạt động, một lực lượng không bố trí được việc nên nghỉ việc. Hay như mới đây, ngày 10/3/2015, Bộ Giao thông Vận tải công bố việc sử dụng công nghệ thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe. Đương nhiên là một lực lượng lao động nữa sẽ dôi dư.

Giảm biên là điều không thể không làm. Khó có thể đánh giá hết những tác động của giảm biên sẽ gây ra với xã hội. Một hệ quả trong một thời gian dài quản lý biên chế lỏng lẻo đã đến lúc phải sửa. Vấn đề hiện tại ít nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập, mỗi lãnh đạo và người lao động trong các đơn vị này phải có sự chuẩn bị cho riêng mình. Một câu hỏi mà lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập nên đau đáu, vì nó còn hàm chứa vấn đề đạo đức, vấn đề trách nhiệm đối với người lao động là: “Trước đây Nhà nước cấp cho mình mười đồng, bây giờ nhà nước chỉ cấp tám đồng, mình phải làm gì?”. Và người lao động chính là người bị tác động nên không thể đứng ngoài cuộc: “Mình phải làm gì, góp phần như thế nào để đơn vị hoạt động hiệu quả. Và giả sử nằm trong diện “thải biên”, mình sẽ làm gì?

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top