ClockThứ Năm, 24/10/2019 13:30

Chuẩn hóa đội ngũ nhân viên y tế trường học

TTH - Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh đang còn bỏ ngỏ khi nhiều trường chưa nhận được kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), do thiếu nhân viên y tế trường học và phòng y tế chưa đạt chuẩn.

Thu hút học sinh tham gia bảo hiểm y tế

Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại phòng y tế

Thiếu kinh phí

Chị Nguyễn Ngọc Dung, có con học lớp 5 Trường tiểu học V., than thở: “Từ lớp 4 đến nay, con tôi không được khám sức khỏe định kỳ dẫu có tham gia BHYT. Tôi không biết liệu công tác y tế trường học có được đảm bảo, nhất là dịch bệnh ngày càng tăng”. Lo âu của chị Dung cũng là trăn trở của các bậc phụ huynh và nhiều trường trên địa bàn khi chưa có kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em. Thế nên, mỗi trường làm theo mỗi kiểu.

Nguồn kinh phí dành cho y tế trường học trông chờ từ BHYT trích lại với 7% tổng thu quỹ trên tổng số học sinh (43.000 đồng/năm/em). Thiếu tiền, nên một số trường học chưa khám sức khỏe định kỳ; chưa quản lý tốt số lượng học sinh có nguy cơ mắc bệnh về răng miệng, cận thị… Hiệu trưởng một trường học trong TP. Huế, cho hay: "Chúng tôi không biết xoay xở thế nào khi trường không có nguồn để trang cấp thiết bị và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em. Thế nên, nhà trường tạo điều kiện cho nhân viên y tế học nâng cao kiến thức và chỉ biết đợi cấp kinh phí".

Một số trường đã phải "liệu cơm, gắp mắm" khi hội phụ huynh vận động 10.000 đồng/em để tổ chức khám sức khỏe và mua thuốc. Có trường ‘‘rủng rẻng” hơn, thì tạm ứng quỹ để theo dõi sự phát triển thể lực định kỳ cho trẻ. Không ít trường ký hợp đồng với trạm y tế để học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Chưa đạt chuẩn

Theo quy định, các trường học phải có ít nhất một cán bộ y tế và có phòng y tế thì mới được cấp kinh phí mua thuốc, trang thiết bị và dụng cụ y tế để khám, chữa bệnh cho học sinh. Nói dễ hiểu, y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y sĩ trở lên mới đạt chuẩn. Thế nên, toàn tỉnh có gần 400 người cần được chuẩn hóa. Thực ra, 100% cán bộ y tế trường học chuyên trách tại các trường đều có trình độ trung cấp y hoặc cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, số điều dưỡng chiếm tỷ lệ cao.

Thừa Thiên Huế có 594 trường học từ mầm non đến phổ thông trung học, với trên 251.150 học sinh. Mỗi trường đều có một nhân viên y tế, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 80 trường khuyết chức danh này; 40% trường không có phòng y tế đạt chuẩn. Nhiều trường chỉ có mỗi tủ thuốc y tế với bông băng, thuốc sát trùng, còn nơi khám bệnh được tận dụng từ phòng bảo vệ, thư viện.

Lâu nay, y tế trường học mới làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Trình độ không đồng đều dẫn đến việc nhiều nhân viên y tế không tự chủ trong công việc. Với quy định mới, vai trò của đội ngũ y tế trường học được nâng lên. Họ không chỉ đơn thuần chỉ xử lý băng bó vết thương, mà phải biết xử lý ban đầu chuyên nghiệp hơn. Một nhân viên y tế chuyên trách sẽ tự chủ nguồn kinh phí được cấp để đề xuất mua thuốc, vật tư trang bị cho một phòng y tế đạt chuẩn.

Còn một cách gỡ “nút thắt” cho y tế trường học về chất lượng đội ngũ. Những trường chưa có y sĩ đa khoa, nhưng đã có cán bộ y tế với trình độ chuyên môn khác, thì các đơn vị khuyến khích họ tham gia lớp học chuẩn hóa để phù hợp với chức danh nghề nghiệp.

Đối với các trường chưa đủ điều kiện để trích chuyển kinh phí có thể ký hợp đồng với cơ sở y tế để khám, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đề xuất này nhằm sử dụng trang thiết bị và nhân lực tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập gần các nhà trường. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, mô hình kết hợp đó chỉ thuận tiện cho khu vực đồng bằng, khó áp dụng ở vùng sâu, vùng xa do điều kiện nhiều trường học nằm cách xa bệnh viện hay trạm y tế xã.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn hóa dữ liệu hộ kinh doanh: Từ số hóa dữ liệu đến quản lý

Việc số hóa dữ liệu hộ kinh doanh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi cần tra cứu các thông tin liên quan, mà còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách một cách hiệu quả. Để hiểu hơn về công tác số hóa dữ liệu hộ kinh doanh thông qua việc thúc đẩy triển khai chức năng bản đồ số hộ kinh doanh, Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi cùng với ông Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh xung quanh vấn đề này.

Chuẩn hóa dữ liệu hộ kinh doanh Từ số hóa dữ liệu đến quản lý
Sa thải lao động năm 2023 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên trong năm 2024

Các chuyên gia mới đây vừa gọi năm 2023 là năm của sự sa thải. Điều này thể hiện rõ nhất khi có đến hơn 305.000 lao động Mỹ đã bị sa thải trong năm qua, trong một loạt đợt sa thải quy mô lớn, ban đầu đáng chú ý là ở các công ty công nghệ, nhưng sau đó lan rộng ra khắp các ngành công nghiệp khác.

Sa thải lao động năm 2023 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên trong năm 2024
Những tấm lòng son với Huế

Tháng 10/2022, bệnh nhân N.P, ở đường Phan Chu Trinh Huế, bị bệnh tim Brugada, thường hay ngất xỉu nặng. Đã hai lần bị “chết hẳn” nhưng được Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời cứu sống và nếu không mang máy phá rung tim thì bệnh nhân sẽ không thể tiếp tục sống. Qua GS.TS. bác sĩ Huỳnh Văn Minh, giảng viên Trường đại học Y dược Huế, bệnh nhân P. được nhận máy, giá trị 284 triệu đồng từ GS. Trần Thống, Việt kiều Mỹ gửi tặng.

Những tấm lòng son với Huế
Chuẩn hóa sản phẩm du lịch chữa lành

Khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới cho thấy có đến 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe trong năm 2023. Nhu cầu du lịch chữa lành lớn nhưng ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn chưa có sản phẩm đa dạng và chuyên sâu.

Chuẩn hóa sản phẩm du lịch chữa lành

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top