ClockThứ Hai, 13/09/2021 07:45

“Chung tay”

TTH - Nhóm thiện nguyện “Chung tay” và người dân Phú Hải (Phú Vang) đã kết nối mạnh thường quân để gửi đến tâm dịch ở miền Nam tổng trị giá hơn 350 triệu đồng và công sức, tấm lòng không đong đếm.

Tạo điều kiện tốt nhất để người trở về từ vùng dịch có việc làm tại quê hươngMón quà ở tâm dịchLính trẻ - Những ngày trong tâm dịch

Nướng cá "xuyên" đêm. Ảnh: Nhóm “Chung tay” cung cấp

Cuộc hẹn với chị Nguyễn Tường Vy, trưởng nhóm thiện nguyện “Chung tay” được “chốt” lúc 10 giờ sáng. Bởi lúc đó, chị Vy cùng các thành viên của nhóm mới kết thúc công việc đóng cá, tiếp tục chuyến hàng từ thiện thứ 12 chuyển vào TP. Hồ Chí Minh kịp thời hỗ trợ cho người dân nghèo.

“Đầu tàu” của nhóm “Chung tay” bộc bạch rằng, nhiều năm qua, trong quá trình thiện nguyện, kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân, tìm nguồn kinh phí chia sẻ, hỗ trợ các hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo, đặc biệt hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nề trong các trận bão lũ lớn, nhóm “Chung tay” nhận rất nhiều tình cảm, tấm lòng của các cá nhân, tổ chức ở miền Nam. Vậy nên, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, chị Vy và tất cả các thành viên nhóm “Chung tay” đều chung một tâm nguyện, đó là sẽ dốc lòng hỗ trợ cho người dân miền Nam đang gặp khó khăn, trong đó có không ít bà con quê hương Phú Hải nói riêng, bà con Thừa Thiên Huế đang lao động, mưu sinh trong đó.

Với sự tín nhiệm dành cho “Chung tay”, các mạnh thường quân trong nước và nước ngoài đã hỗ trợ rất kịp thời nguồn kinh phí. Trong tình hình dịch bệnh bùng phát, nhiều người lao động nghèo không có việc làm, rất khó khăn, cần các loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Thấu hiểu điều đó, nên “Chung tay” quyết định đóng cá và các loại trứng, sữa, miến khô gửi vào.

Thời gian đầu, xe cộ lưu thông rất khó khăn, để đảm bảo không bị hư hỏng, cá được nướng, phơi khô hoặc rim trước khi gửi. Mỗi chuyến hàng hỗ trợ vào TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, dao động từ 500-700 kg, có khi 1 tấn cá. Với số lượng lớn như vậy, chị Nguyễn Tường Vy và các thành viên chủ chốt của nhóm như chị Lê Bích Truyền, chị Phan Thị Thu Loan, chị Lê Thị Huê, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, chị Phan Hằng, chị Nguyễn Thị Bông, anh Nguyễn Nhân, anh Nguyễn Đại Thọ…, phải bắt đầu một ngày từ 4 giờ sáng và có khi kết thúc lúc nửa đêm.

Các anh chị ra cảng cá Thuận An mua cá, đưa về địa điểm tập trung làm sạch, nướng, phơi khô cho vào túi chân không. “Cá chúng tôi lựa chọn phải tươi mới. Tất cả các khâu xử lý, chế biến đều phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, để khi đến tay người nhận đảm bảo thơm, ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Đó không chỉ là tấm lòng của nhóm “Chung tay” mà tình cảm của người dân Phú Hải, của các mạnh thường quân gửi gắm” - chị Vy nói.

Sau 7 chuyến cá nướng phơi khô, bây giờ xe chạy nhanh hơn nên “Chung tay” đóng cá tươi gửi vào. Các anh, chị lại cặm cụi, tỉ mẩn, cứ 3 lớp cá thì “chèn” 5 lớp muối và đá. Đã có 5 chuyến cá tươi như vậy đến với người dân đang khó khăn vì dịch tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Biết “Chung tay” làm thiện nguyện, hỗ trợ cho người dân vùng dịch ở miền Nam và hỗ trợ cho các chốt chống dịch trên địa bàn Phú Vang, Phú Lộc, các chủ tàu cá, người bỏ mối cá chuyến nào cũng trợ giá, hỗ trợ tiền mặt, đồng thời tặng thêm 5-10 két cá. Quá trình thực hiện các khâu xử lý thực phẩm, nhóm cũng luôn nhận được sự chung tay, góp sức của người dân trong thôn và các thôn lân cận. Không chỉ góp công sức, người dân Phú Hải còn tự nguyện hỗ trợ hàng tạ ruốc, để nhóm “Chung tay” chế biến thành món thịt kho ruốc, gửi vào miền Nam.

12 chuyến thực phẩm đã được chuyển đi tổng trị giá hơn 350 triệu đồng, nhưng công sức, tình cảm của nhóm “Chung tay”, của Nhân dân Phú Hải và các mạnh thường quân gửi đến người lao động đang khó khăn nơi tâm dịch, là không đong đếm. “Hiện nay tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, nên chúng tôi đang có kế hoạch, phương án kết nối để chung tay cùng chính quyền xã Phú Hải, tập trung hỗ trợ cho địa phương mình” - Trưởng nhóm “Chung tay” chia sẻ.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ

Ngày 8/4, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) phẫu thuật miễn phí cho các em nhỏ bị dị tật khe hở môi vòm miệng trong cả nước.

Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top