ClockChủ Nhật, 29/04/2018 05:45

“Chúng tôi còn trở lại”

TTH - Đó là lời hẹn của du khách đến thăm Hoàng cung Huế vào một ngày tháng tư lịch sử.

Hàn Quốc tăng cường nỗ lực thu hút du khách quốc tế vào mùa xuânSố lượng du khách Thái Lan đến Nhật Bản tăng vọtVì sự an toàn của du kháchTìm cách giữ chân du kháchChạm vào trái tim du khách

Đại Nội đón không ít cựu chiến binh đến thăm dịp lễ. Ảnh: Bảo Minh

Với người trẻ thuộc thế hệ 8X chúng tôi, thật khó để diễn tả hết sự ác liệt của chiến tranh. Hàng loạt công trình thuộc Kinh thành Huế bị phá hủy. Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình không còn tồn tại. Các hình thức diễn xướng cung đình tản mát và biến tướng trong dân gian. Hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị di chuyển… Sau 43 năm hòa bình, Thừa Thiên Huế đã tranh thủ hết mọi nguồn lực, từ vật chất đến tinh thần để bảo tồn di sản văn hóa. Năm 1991, hầu hết các di tích quan trọng đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ. Và, kể từ năm 1993 - thời điểm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay Cố đô Huế đã là vùng đất khởi sinh của 5 di sản văn hóa thế giới, cả vật thể và phi vật thể.

Được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức hợp tác quốc tế, nhiều công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đang được hồi sinh, nhất là trong Đại Nội. Mỗi kiến trúc trong Hoàng cung được trùng tu, không chỉ thêm một di tích được bảo tồn phục hồi mà còn thêm không gian được trưng bày tư liệu, hiện vật để giới thiệu và kết nối với đời sống tinh thần nguyên xưa. Hiệu quả từ các hoạt động quảng bá và kích cầu du lịch cũng giúp Thừa Thiên Huế thu hút ngày càng tăng số lượng du khách đến thăm di sản văn hóa. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ luôn tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Từ năm 2012-2016, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh đã đạt mức 2.500- 3.200 tỷ đồng/năm, đạt tỷ trọng từ 48% -53% GDP của toàn tỉnh. Năm 2017, đã có hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan khu di sản Huế, doanh thu từ vé tham quan hơn đạt hơn 320 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, các điểm di tích Huế thu hút hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu từ vé tham quan đã vượt mốc 100 tỷ đồng.

Giới thiệu với du khách về Hoàng cung Huế. Ảnh: Đồng Văn

Người ta bảo Hoàng cung Huế là “một bảo tàng, một khu trưng bày triển lãm khổng lồ” thật không sai. Chỉ riêng trong kỳ Festival Huế 2018, Hoàng cung sẽ là không gian hội tụ và tỏa sáng của 6 nội dung trưng bày, triển lãm. Trường Lang - Đại Cung Môn là không gian “gặp gỡ” của nghệ thuật trúc chỉ và nghệ thuật thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Hội tụ ở vườn thượng uyển Thiệu Phương là hơn 400 tác phẩm gốm sứ của hơn 50 nghệ nhân đến từ 10 dòng họ làm gốm ở làng nghề truyền thống Bát Tràng. Đồng thời, đây cũng là nơi giới thiệu về “Thái y viện triều Nguyễn qua Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam”. Thái y viện là cơ quan y tế cấp trung ương hình thành từ thời Gia Long và hoàn chỉnh dưới thời Minh Mạng, có nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng gia, nội cung. Đến Thiệu Phương dịp này, du khách có dịp gần gũi và hiểu đẩy đủ về Thái y viện hơn thông qua các di sản tư liệu thế giới là Châu bản và Mộc bản thời Nguyễn.

Nếu du khách có thiên hướng yêu thích thiên nhiên thì không gian trưng bày cây kiểng, phong lan 3 miền là một chọn lựa lý tưởng. Trong quá khứ, Huế đã từng là một trung tâm hàng đầu của đất nước về nghệ thuật vườn và cây kiểng. Riêng trong Hoàng thành và Tử Cấm Thành đã có đến 5 khu vườn Ngự (Thiệu Phương, Ngự Viên, Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh) với tổng diện tích gần 90.000m2, chiếm đến ¼ diện tích Hoàng cung. Nhưng suốt thời gian dài, những khu vườn Ngự trong và ngoài hoàng cung đã biến mất hoặc mai một. Từ năm 2012 đến nay, gắn liền với các kỳ Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tích cực tổ chức các cuộc triển lãm cây kiểng, phong lan của 3 miền ngay trong Hoàng cung, gắn với chỉnh trang cảnh quan vườn Cơ Hạ để tạo không gian trưng bày. Festival lần thứ X, năm 2018, Trung tâm tiếp tục phối hợp với nghệ nhân 3 miền Bắc - Trung – Nam tổ chức cuộc triển lãm với quy mô lớn hơn, với khoảng 800 chậu kiểng và 500 tác phẩm phong lan.

“Điểm đặc biệt năm nay là việc Trung tâm đã cơ bản hoàn thành việc trùng tu phục hồi thích nghi thượng uyển Thiệu Phương ngay trong Tử Cấm Thành và sử dụng làm không gian tổ chức trưng bày phong lan 3 miền và kết nối trực tiếp với vườn Cơ Hạ ở phía đông, nơi trưng bày các tác phẩm cây kiểng đặc sắc hội tụ từ nhiều vùng miền đất nước. Hy vọng với những nỗ lực này, Huế sẽ dần lấy lại được vị thế trong lĩnh vực nghệ thuật vườn và cây kiểng”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu.

Khu di sản Huế những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi xúc động khi gặp nhiều đoàn khách là cựu chiến binh. Có đoàn gần 100 người, nói cười rạng rỡ như những ngôi sao vàng được họ đính trên ngực áo. Chúng tôi bắt chuyện và hỏi sao các bác không dành để đến Huế trúng kỳ Festival Huế 2018, ông Nguyễn Văn An (đến từ Nghệ An) vui vẻ: “Ri cũng là festival rồi. Chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa, còn rất nhiều nơi đang đón đợi. Thăm Huế và được tận thấy Hoàng cung Huế như thế này là vui mừng lắm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư! Chắc chắn chúng tôi còn trở lại”.

THU THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Hợp tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch với thành phố Cergy

Nội dung này được lãnh đạo thành phố Huế và Cergy (Cộng hòa Pháp) thảo luận tại buổi làm việc nhân chuyến công tác của đoàn đại biểu TP. Huế do UVTV, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định làm trưởng đoàn đến TP. Cergy từ ngày 28/2 đến ngày 4/3/2024. Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo Trường ĐH Nghệ thuật Huế và một số giảng viên.

Hợp tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch với thành phố Cergy
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng ngày thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam (3/3/1959 - 3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024), ngày 1/3, đoàn công tác của Tỉnh ủy do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đến chúc mừng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng ngày thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam
Return to top