ClockThứ Tư, 25/02/2015 05:38

“Chúng tôi nhìn thấy triển vọng…”

TTH - Ngày 17-2 (tức 29 tết), tại Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao và lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và đầu tư; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Tài Nguyên và Môi trường; Ban Quản lý kinh tế Chân Mây Lăng Cô; BCH Bộ đội Biên phòng và UBND huyện Phú Lộc đã có buổi làm việc với ông John F. Tercek - Phó Chủ tịch phát triển thương mại Hãng tàu Royal Caribbean Cruise Ltd - một hãng tàu du lịch biển đứng thứ hai thế giới - về việc nâng cấp và mở rộng Bến số 1, cảng Chân Mây. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng để tiếp nhận các tàu du lịch biển tải trọng lớn đến Thừa Thiên Huế.

ông John F. Tercek – Phó Chủ tịch phát triển thương mại tàu Royal Caribbean Cruise Ltd

Theo trao đổi và những thoả thuận đã có, Royal Caribbean sẽ ứng trước nguồn vốn để nạo vét mở rộng khu nước trước Bến số 1, bao gồm việc mở rộng vũng quay tàu, xây thêm trụ neo, bổ sung hệ thống đệm va tàu… với chiều dài bến từ 300m lên 360m, nạo vét khu nước trước bến rộng từ 90m x 360m lên 90m x 450m, nạo vét vũng quay trở tàu đường kính từ 400m lên 570m... Du khách đến Huế trên các du thuyền của Royal Caribbean Cruise sẽ có thời gian khoảng 6-8 tiếng để tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, văn hoá, lịch sử và mua sắm tại nhiều điểm ở Huế, hoặc mua sắm và sử dụng nhiều dịch vụ khác được tổ chức ngay tại cảng.

Ngay sau những ngày Tết Ất Mùi, các kế hoạch, các công đoạn chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng tại địa điểm được chọn sẽ được khẩn trương triển khai thực hiện để Royal Caribbean Cruise có thể đưa những vị khách đầu tiên đến Huế vào tháng 5 và sau đó là tháng 7-2015. Một kế hoạch dài hơi hơn cho những năm tiếp theo cũng đã được xây dựng.

Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông John F. Tercek ngay sau khi cuộc làm việc kết thúc.

Royal Caribbean Cruise Ltd là một hãng lớn và hẳn là có rất nhiều cơ hội để lựa chọn. Thế nên điều mà tôi muốn hỏi là tại sao các ông lại chọn Huế mà không phải là một nơi nào khác?

Năm ngoái, Royal Caribbean Cruise Ltd thành lập một văn phòng đại diện mới tại Hồng Kông và chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về việc sản phẩm mới của chúng tôi là gì. Royal Caribbean Cruise cũng đã đưa khách từ Hồng Kông đi Đài Loan, Okinawa, Myanmar, Hải Phòng… và điều mà chúng tôi nhận thấy là du khách Trung Quốc thường thích có những hải trình trong vòng 5 ngày trở lại. Chúng tôi đã xem xét trong bán kính như vậy sẽ chọn điểm nào và Huế là nơi mà chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp cho hải trình này. Điều ấy cũng có nghĩa là chúng tôi nhìn thấy triển vọng của mình ở Thừa Thiên Huế.

Phố cảnh dự án nâng cấp và mở rộng bến số 1, cảng Chân Mây. Ảnh: Võ Nhân

Sẽ không có thành công nào tự đến nếu không có những trải nghiệm cá nhân. Vậy ông đã có những trải nghiệm gì ở Huế?

“Từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Chân Mây sẽ có bến phục vụ khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu khách trọng tải đến 100.000 GRT và lớn hơn. Năm 2015, Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút khoảng 60.000 lượt khách đến Huế bằng đường tàu biển qua cảng Chân Mây. Đây là một lĩnh vực hoạt động đang được đầu tư khai thác và có nhiều triển vọng, nhất là khi doanh thu từ du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn đường bộ và đường hàng không từ 30%-40%.”
Tôi đã đến Huế rất nhiều lần. Tôi không chỉ thích thành phố xinh đẹp và yên bình này mà còn nhận thấy, Huế thực sự có nhiều điều để tìm hiểu và khám phá với cả một chiều sâu văn hoá trong dòng chảy thời gian, ở nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau từ phong tục, tập quán, lối sống, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể…

Trải nghiệm cá nhân hẳn là quan trọng rồi nhưng khi đặt mình vào vị thế của du khách mà hãng hướng đến, tôi nghĩ thách thức với Huế và cả với Đà Nẵng, Nha Trang… là việc làm thế nào để tạo nên những trải nghiệm mới lạ và thú vị cho du khách.

Và ông đã nhìn thấy triển vọng gì ở Thừa Thiên Huế?

Theo kinh nghiệm mà tôi nhận thấy và có được thì du khách của Royal Caribbean Cruise rất thích đến những nhà hàng hải sản tại địa phương, thích shopping, những món hàng thủ công lưu niệm; thậm chí họ cũng thích mua cả những món hàng lưu niệm trang trí nhà cửa. Họ muốn có những trải nghiệm về văn hoá, tâm linh, lịch sử, đền chùa, bảo tàng…và tôi thấy Huế đều có những điều này. Tuy nhiên vấn đề là cần có sự sáng tạo ở đây và cần thiết có những mối liên kết, đối tác và hợp tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và các công ty tư nhân tại địa phương trong lĩnh vực này.

Tôi nhận thấy trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, hai bên đã thảo luận khá kỹ với nhau về địa điểm, các vấn đề về đầu tư hạ tầng, cách tổ chức các dịch vụ… Những điều này sẽ được giải quyết thôi nhưng ngoài các vấn đề về liên kết hay sáng tạo, theo ông, mấu chốt ở đây còn là những vấn đề nào khác?

Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi thấy Thừa Thiên Huế cần thiết phải có những trang web mạnh để quảng bá, giới thiệu điểm đến và có phiên bản bằng tiếng Trung để du khách khi đến Việt Nam và đến Huế chỉ cần vào đó sẽ đọc được những thông tin đầy đủ về nơi mà họ sẽ ghé thăm. Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là phải tổ chức tốt những dịch vụ được cung cấp tại cảng. Tôi nghĩ các bên có liên quan như Cảng vụ, Hải quan, các doanh nghiệp địa phương cần liên kết với nhau để tạo ra chất lượng và hiệu quả trong việc mang đến cho khách hàng những tiện ích tốt nhất. Vấn đề khác nữa là nhất thiết phải có sự kết nối giữa Thừa Thiên Huế, cơ quan quản lý du lịch tỉnh và Tổng cục Du lịch Hồng Kông trong việc chuyển tải, giới thiệu những thông tin, hình ảnh của địa phương đến với đối tượng du khách đông đảo.

Sở dĩ tôi nói điều này vì ngay cả các nhân viên của chúng tôi ở Hồng Kông hầu như cũng không có nhiều thông tin về Huế. Marketting là điều hết sức quan trọng để tạo nguồn du khách và hình như lâu nay, điều này vẫn chưa được các bạn thật sự chú ý…

Hai bên đang chuẩn bị đón khoảng 3.000 khách đầu tiên vào tháng 5 và đông hơn vào khoảng tháng 7 với khoảng 6.000 khách sẽ cập cảng Chân Mây. Một kế hoạch dài hơi hơn cho 5 năm tới cũng đã được xây dựng với đối tượng du khách chính mà ông nói là đến từ Trung Quốc. Ông nhìn thấy khả năng nào trong tương lai và hãng của ông sẽ mở rộng để đón khách đến Huế từ các quốc gia nào khác nữa?

Có thể nhận thấy là hiện nay, ngành công nghiệp và du lịch bằng du thuyền của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vừa qua, chúng tôi đã thu hút được khách đến Việt Nam bằng du thuyền qua Cảng Phú Mỹ, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… nhưng số lượt khách đến theo như tôi biết thì chưa nhiều. Tôi nghĩ, đối tượng khách tiềm năng lớn nhất vẫn là Trung Quốc vì khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc rất gần. Hơn nữa khách Mỹ và các quốc gia khác rất hiếm khả năng đến Việt Nam bằng tàu biển mà họ sẽ chọn phương tiện máy bay. Do vậy, trong 5 năm tới, nếu có sự tăng trưởng, thì đó là nhờ khách Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông về những gì đã trao đổi!

Bình Nguyên (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top