ClockChủ Nhật, 22/07/2018 07:09

Chuỗi đô thị biển

TTH - Chuyến công tác mới đây vào Vũng Tàu, thành phố biển nổi tiếng khu vực phía Nam và cả nước mới thấy, Huế thậm chí còn có thể hình thành chuỗi đô thị bãi biển liên kết kéo dài từ Thuận An đến Lăng Cô, nếu biết đầu tư, chứ không chỉ là phố biển Thuận An.

Nhiều công viên được chỉnh trangGiải pháp thông minh ở các thành phố ASEAN giúp cải thiện chất lượng cuộc sống

Hạ tầng giao thông thành phố biển Vũng Tàu khá đồng bộ

TP. Vũng Tàu nằm sát bên bờ biển, hệ thống giao thông ở Vũng Tàu khá hiện đại. Có khá nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến chính nối Bà Rịa-Vũng Tàu-TP. Hồ Chí Minh đều là đường một chiều có hai làn xe ô tô và một làn dành cho mô tô, xe gắn máy... Khoảng cách ở giữa hai làn đường được trồng hoa giấy thân bò, cách một đoạn bố trí thêm một cây hoa dâm bụt cao tầm 1,5-2m, nở hoa màu hồng phấn khá bắt mắt.

Các bùng binh, ngã sáu, ngã năm cũng trồng khá nhiều loại hoa và theo cụm, chủ đề nên khá lạ và độc đáo, không trùng lặp. Điều đó tạo ấn tượng ban đầu khá thú vị cho du khách khi vừa đặt chân đến Vũng Tàu.

Điều khác nữa mà không chờ những đồng nghiệp ở Báo Bà Rịa-Vũng Tàu “PR” về địa phương của mình, chúng tôi đều trầm trồ khen ngợi đó là không khí trong lành, mát mẻ của thành phố. Nói không ngoa, đường phố gần như không có bụi, nhiệt độ khá mát mẻ, không quá nắng nóng cũng không quá lạnh. Mùa hè nhưng vẫn thường xuyên có mưa. Như hôm chúng tôi đến buổi tối mưa khá to nhưng chỉ một lúc rồi tạnh chứ không mưa dầm dề như Huế. Thế nên, ra đường khách du lịch khá đông, họ vừa tản bộ, vừa trò chuyện rất thoải mái.

Những người bản địa cho hay, an ninh trật tự ở Vũng Tàu khá đảm bảo nên khách Tây đến thường xuyên và họ rất hài lòng về điều này. Điểm này khá tương đồng với Huế khi Huế luôn được đánh giá là địa phương an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.

Biển Cảnh Dương nước trong xanh, sạch đẹp, nếu khai thác tốt là điểm đến không thể bỏ qua

Vì những điều thú vị đó nên khách đến Vũng Tàu khá đông, gần như các nhà hàng, quán ăn ven biển đều chật kín. Quán cà phê buổi sáng cũng thế, chúng tôi vừa xuống xe đã được nhân viên bảo vệ thông báo đã hết chỗ nếu không đặt trước.

Nhà hàng hải sản cũng vậy. Chỗ chúng tôi đến ăn tối trải dài cả cây số, bàn ăn san sát, "view" nhìn ra biển rất đẹp. Khách đến cũng được nhân viên dùng bộ đàm hỏi về lịch đặt trước dù lúc đó mới chỉ 7 giờ tối và nhà hàng nọ chỉ đón những đoàn khách trên 10 người.

Thực tình mà nói, hải sản ở Vũng Tàu không bằng Huế. Ghẹ, cá, hàu đều khá to, song thịt không ngọt bằng. Điều này cũng được những đồng nghiệp ở Báo Bà Rịa-Vũng Tàu từng đến Huế thừa nhận. Họ cho rằng, nguồn nước ở đây không thể so sánh với khu vực miền Trung nên hải sản không thể ngon, ngọt bằng.

Sáng hôm sau, từ khách sạn đi bộ ra bãi trước chỉ chưa đầy 5 phút. Tâm trạng háo hức từ hôm trước lúc chưa khởi hành và cả cái hẹn tắm biển buổi sáng lúc vừa tới Vũng Tàu bỗng nhiên chùng lại. Trước mắt là bãi biển đầy rác, nước biển đục ngầu. Rác và sóng cuộn lại càng khiến nước biển đen hơn.

Hạ tầng giao thông thành phố biển Vũng Tàu khá đồng bộ

Đem thắc mắc này hỏi một số đồng nghiệp, người dân bản địa thì được biết, Vũng Tàu sát cửa sông, rác đó từ các cửa sông đổ về, nước biển đen một phần là vì đó.

Thế nên, dù Vũng Tàu có hai bãi tắm, bãi trước và bãi sau. Song người bản địa và những khách du lịch “sành” chỉ tắm ở bãi sau. Ở đó nước sạch hơn và ít sóng hơn. Bãi trước chỉ có khách du lịch mới đến lần đầu và chưa biết bãi sau mới tắm.

Dông dài một chút để thấy, so với Vũng Tàu, biển Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương... của tỉnh đẹp hơn nhiều, nước trong xanh, bãi tắm thoai, nông, sóng không nhiều, thích hợp cho cả người lớn lẫn trẻ em, bãi biển gần đây có đầu tư, chăm sóc nên cũng ít rác hơn. Giá cả các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cũng mềm hơn nhiều so với Vũng Tàu. Thế nhưng, tại sao biển ở Thừa Thiên Huế chưa phải là ngành du lịch mũi nhọn? Khách đến Huế để tắm biển và sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống khu vực biển cũng không nhiều. Trong khi một số tỉnh, thành phố như Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An... lại phát triển khá tốt dịch vụ về biển.

Điều đó chỉ có thể giải thích là do chúng ta đầu tư chưa thỏa đáng. Công tác kêu gọi đầu tư chưa được chú trọng, nhất là giao thông kết nối TP. Huế với các địa phương có bãi tắm chưa như mong đợi. Như đường từ Huế về Thuận An, dù đã bàn khá nhiều, nói cũng lâu song đến nay vẫn chỉ có Quốc lộ 49, vừa hẹp, vừa khúc khuỷu, rất dễ xảy ra tai nạn. Đường Tự Đức-Thủy Dương-Thuận An hiện mới chỉ được tuyến Tự Đức-Thủy Dương được đầu tư, còn tuyến Thủy Dương-Thuận An giờ vẫn chưa nên hình, nên lối.

Dịch vụ ăn uống vui chơi còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết nên chưa hình thành được chuỗi đô thị, du lịch biển liên kết. Đó là chưa kể tình trạng “chặt chém” khách, chưa công khai giá vẫn còn xảy ra làm xấu hình ảnh du lịch Huế.

Thế nên, chiến lược lâu dài và đầu tư tương xứng để khai thác thế mạnh du lịch biển là điều nên được xem xét và cân nhắc khi nguồn thu từ lĩnh vực này nếu làm tốt, tỉnh sẽ không phải đau đầu vì bài toán thu ngân sách như một số năm vừa qua. Như Vũng Tàu, theo thông tin từ một đồng nghiệp ở đây cho biết, chỉ thu từ du lịch biển mỗi năm ngân sách đã có trên 8.000 tỷ đồng, hơn cả số thu ngân sách của tỉnh ta năm 2017.

Mỗi địa phương đều có những ưu khuyết điểm về thời tiết, khí hậu, địa lý... Song dù thế nào, nếu có giải pháp tốt thì việc triển khai ắt sẽ không khó. Chúng ta chưa thể mơ về con số 8.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách riêng lĩnh vực du lịch dịch vụ biển nhưng hoàn toàn có thể mơ về một thành phố biển trong tương lai. Chỉ cần bắt tay làm là được. Họ có tiềm lực thì làm đồng loạt, ta ít hơn thì chọn cái trọng tâm, trọng điểm để đầu tư dần. Họ làm được không lẽ ta lại không?

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới

TIN MỚI

Return to top