ClockChủ Nhật, 25/10/2015 16:53

Chút Huế

TTH - Mấy ngày nay, cánh đồng Bàu Vá trước mặt nhà đã thành một công trường ầm ào tiếng động cơ và khói bụi. Cũng chẳng còn bao lâu nữa, cánh đồng sẽ biến mất nhường chỗ cho những khu dân cư mới mọc lên. Rồi người ta cũng sẽ chóng quên nơi đây từng là cánh đồng xanh và thoang thoảng hương thơm của các loài rau gia vị cung cấp cho các chợ ở Huế.

Cánh đồng này những người nông dân trong phố trồng nhiều nhất là rau răm, kế đến là rau thơm. Rau răm là một loài rau phổ biến, có mặt khắp trong các bữa ăn của người Việt; còn rau thơm là một loài rau của ẩm thực xứ Huế có vị cay nồng rất dễ chịu. Có một chi tiết khá thú vị: rau thơm chỉ trồng nhiều ở 2 nơi đó là làng rau Ngọc Hà (Hà Nội) và ở Huế. Ở đây phải phân biệt rau thơm với các loài rau gia vị tương tự như rau húng, bạc hà… Nói cách khác là chỉ có chất đất ở Ngọc Hà và Huế mới trồng được rau thơm, chỗ khác trồng rau sẽ không cho hương vị cay nồng đặc biệt rất riêng. Nghe chuyện mới chợt nhớ là người bạn Huế sống ở TP Hồ Chí Minh mỗi lần ra Huế ăn bún bò giò heo cũng xin chủ quán đĩa rau sống thiệt nhiều rau thơm để ăn cho đã thèm. Hay mới đây người bạn khác rủ tôi qua Thành Nội tìm cái gánh bún bò bên đường mà theo lời kể của bạn là: “Mệ bán bún khi mô cũng cột mấy sợi lạt vô mấy cái khoanh heo và rau sống thì có rau thơm, có tía tô, kinh giới…”. Tiếc là qua tìm thì quán đã không còn; có lẽ, mệ đã quá già nên nghỉ bán...

Bạn bè cấp 3 gặp mặt thầy cô giáo cũ ở Huế, cô giáo cũ đã về hưu đưa mấy lát mứt hơi lạ rồi nói: “Mấy đứa em nếm thử rồi biết mứt chi!”. Đó là mứt vỏ trái thanh trà, ngọt ngọt, the the, cay cay mà theo lời cô: “Mứt ni ăn không chỉ cho vui mà chống cảm, ho và cả chống cái lạnh nữa”… Ăn mứt vỏ thanh trà cứ làm tôi nhớ lại mấy thứ vỏ quả, củ mà ngày trước mẹ hay muối chua để nấu canh. Trái bù (bầu) khi ăn tươi thì gọt vỏ, nhưng khi muối chua thì để nguyên cả vỏ ăn mới ngon, quả dưa hường cũng vậy. Lạ nhất là cái món vỏ sắn muối chua. Vỏ sắn ăn tươi không được vì độc, nhưng xắt nhỏ ra rồi muối chua thì có thể nấu canh ăn. Hồi nhỏ tôi rất thích ăn canh chua vỏ sắn, nói ngon thì hơi quá nhưng ăn cũng được, cũng có vị riêng. Cái món canh chua vỏ sắn đó cũng lâu lắm rồi, hồi những năm 1980 khi mà cả làng cùng đói kém…
Cô giáo là con gái Huế rặt, dạy môn sử. Tiết học của cô luôn được học trò chờ đợi. Cô dạy hay là một lẽ, cô còn là “sứ giả” của văn hóa Huế, ẩm thực Huế đối với lũ học trò ở một vùng quê xa ngái như chúng tôi. Cô là cô giáo đầu tiên mặc áo dài lên lớp vào những năm khốn khó của đất nước. Cô kể: “Áo dài cô mặc đầu tiên năm 1984 như một sự kiện lạ lùng của học sinh rứa, nhớ lại mà vui và cảm động rứa. Đám cưới ngày đó còn mượn nhau chiếc dù để phù dâu đó mấy em…”. Hay có lần cô đọc bài vè về các món ăn bình dân Huế: “Hai tay bóc bánh lọc tôm - con mắt thì nhắm cái mồm hả ra…” là nói về chuyện ăn cay của người Huế, cay đến nhắm mắt nhắm mũi nhưng vẫn thèm. Nếm cái vị mứt vỏ thanh trà từ tay cô làm, nghe cô kể: “Cô vẫn thường gội đầu bằng nồi nước tổng hợp hoa lá trong vườn nhà, có mùi thơm, vị cay nồng thiệt dễ chịu, bởi rứa nghỉ hưu rồi, con cái đã lớn nhưng đi mô xa mấy ngày là cứ muốn về Huế ngay!”. Chợt nhớ câu chuyện áo dài, bài vè bánh lọc ngày trước của cô giáo tôi mới nhận ra một điều: Cô giáo của lớp tôi đã làm hấp dẫn môn sử vốn khô khan bằng chất văn của một nữ sinh Đồng Khánh - Huế xưa…
PHI TÂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top