ClockThứ Bảy, 05/02/2022 16:45

Chút hương qua lá

Mãi hoài không chán...Dưới những vòm xanhNhững cung đường xanh mát

Chùa Thiên Mụ

Đầu xuân, tôi có một ngày ở Huế thật đáng nhớ. Điểm chính là thăm chùa Từ Hiếu, ngôi chùa được xây dựng từ 175 năm trước. Tôi ít đi lễ chùa, nhưng quả thật nơi này có điều gì đó cứ níu lấy chân tôi. Không gian tĩnh lặng, một chút u hoài của nếp rêu phong đã cho tôi cảm giác thật bình an và hạnh phúc. Những con cá thong dong trong hồ bán nguyệt giữa nắng chiều tĩnh mịch, dòng nước nhỏ chảy quanh đủ cho ai im lặng lắng nghe được tiếng róc rách, rồi những lá và hoa bất tận ôm lấy mái ngói thâm nghiêm làm lòng mình nhẹ tênh. Mỗi bước chân như trở nên vững chãi hơn. Nơi chánh điện, không gian thật tĩnh lặng, không nhấp nháy đèn màu ngũ sắc, không sặc sỡ giấy sớ cầu xin. Tôi như nói với chính mình về những điều mình cần phải tốt hơn, lạ lùng tôi hiểu ý nghĩa của phút giây hiện tại nó quý giá vô cùng.

Bước vào thư phòng, nơi mà những cuốn sách của thiền sư Nhất Hạnh như “Đường xưa mây trắng”, “Nẻo về của ý”… và những trà cụ lạ mắt cứ cuốn hút tôi. Du khách im lặng ngắm nhìn. Trên chiếc phản vuông ở góc thư phòng, một vị sư thầy đang mời trà cho vài người phương xa. Tôi đến. Không gian tao nhã. Tôi nghe thầy kể về cảnh chùa, về lòng hiếu thảo của vị hòa thượng khai sơn khiến vua Tự Đức, cũng là một người con rất có hiếu ban cho sắc tứ “Từ Hiếu tự”. Nghe về thời khóa biểu chung: buổi sáng 4 giờ dậy cúng Phật và thiền, trưa cúng Ngọ và chiều cúng thí thực - công phu phu chiều . Mỗi ngày như vậy, không thay đổi trong 365 ngày của một năm...

Tôi đọc sách của thiền sư Nhất Hạnh không nhiều nhưng là những trang làm cho mình như được mở lòng với đất, với trời, với chính mình. Có hai tác phẩm làm tôi thích nhất “Bông hồng cài áo” và “Nẻo về của ý”. Tôi không dám bàn về ý nghĩa sâu xa của những trang mà văn chương vào loại hay nhất, nhiều người thuộc, nhiều người cảm, không phải chỉ người Việt mà rất nhiều người trên thế giới cũng sẻ chia sự tỉnh thức từ sách. Chỉ có chút thu hoạch nhỏ cho riêng mình: Viết về mẹ thế gian có vô số tác phẩm, nhưng những dòng đơn sơ của một người con (trai) nói về mẹ, tôi chắc chưa có quyển sách nhỏ nào viết hay như vậy. Hay vì cảm xúc rất đơn giản, rất thật, rất gần. “Mẹ có biết gì không? Biết gì? Biết là con thương mẹ nhiều lắm không…”. Ai cũng có bằng nhau một người mẹ, nhưng người này giàu có hơn, vì đang ý thức rằng mình đang thương mẹ, đang còn có mẹ hoặc đang nghĩ về mẹ khi mẹ đi xa. Và nếu chỉ có vậy thôi, chắc “Bông hồng cài áo” sẽ không thể là chốn neo đậu của bao tấm lòng hiếu thảo. Cái không thể so sánh, là từ “Bông hồng cài áo” trở thành một phong trào, một “Ngày của mẹ”, ngày mà nhiều người biết cài lên ngực ở bên phía trái tim mình một bông hồng màu hồng hay màu trắng.

Và tôi rất nhớ câu chuyện thiền sư Nhất Hạnh kể về chuyện học hồi nhỏ của thầy. Chuyện kể về chiếc áo rách mà vị hòa thượng, tuổi cao lắm, ngồi vá lại để tặng cho học trò của mình là thiền sư Nhất Hạnh. Việc đó không ám ảnh tôi bằng việc vị hòa thượng bảo thiền sư đừng đốt những giấy vàng mã mà thập phương đến cúng. Gom lại và lật ngược bề sạch để học chữ nho, và khi đã tập viết kín chữ mặt sau trang giấy ấy rồi hãy đốt. Không biết bao nhiêu rương giấy vàng mã được chắt chiu để hun đúc cho sau này trở thành nhà văn, nhà thơ Nhất Hạnh ngày nay.

Từng bước thật nhẹ quanh sân chùa, trong tôi như thấy rõ cái không gian và hình ảnh của thầy Nhất Hạnh trong câu chuyện “Chiếc áo”. Tôi không khỏi bồi hồi khi biết rằng mình đang đứng thật gần nơi mà ngày xưa diễn ra khung cảnh thật cảm động về tình thầy trò, về sự chuyên cần học tập. Cảnh vẫn là cảnh cũ Từ Hiếu của trăm năm, những ngôi mộ của những vị hoạn quan vẫn còn đó chút hương khói ngập ngừng. Con đường vẫn vậy, những viên đá cuội vẫn khẽ khàng in dấu triệu triệu bàn chân đã đến đã về. Ai đã từng ở đây và ai đã từng đến đây? Tôi nhìn những ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận, hỏi ra được biết đây là nơi mà những vị quan thái giám ngày trước, sau những gào thét công danh và số phận đã quy về nơi này để sống những ngày cuối đời.

Chiều nay trong lặng lẽ nơi sân chùa, Từ Hiếu vẫn vậy, dù chánh điện được làm lại, nhưng thần thái, nhất là cái u tịch và uy nghiêm của thiền môn vẫn đầy đặn. Tiếng kinh chiều rất nhỏ như chỉ dành riêng cho mỗi khách hành hương sự trở về nơi chốn bình yên. Hồ bán nguyệt vẫn thong dong những con cá như đang công phu sớm tối. Con đường đất đỏ len lỏi bên dòng suối một cách vững chãi trong sự thôi thúc của sự biết giấu mình, biết nói về sự im lặng một cách hùng tráng. Từng chiếc lá rơi như đang sám hối về sự chưa tốt nào đó mà khi đang xanh có thể vô tình phạm phải. Tôi nghe niềm vui, nỗi mừng của riêng tôi khi được gần gũi một chút hương qua lá.

Câu kinh tiếng kệ mỗi chùa theo mỗi dân tộc mà có khác nhau, nhưng lòng thành với Phật thì đâu cũng giống nhau, thời khắc công phu có thể khác nhau nhưng sự tinh tấn đều rất giống nhau. Ai đó viết rằng, muốn cảm hết Huế phải đến vào mùa thu, nhưng hôm nay giữa cái thao thiết cây lá, cái vàng ươm nắng xuân, tôi thật may mắn có những phút giây thật lắng đọng và đáng nhớ.

Bài: Trần Thu Thủy

Ảnh: Trương Vững

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top