ClockChủ Nhật, 27/08/2017 11:46

Chuyện chợ

TTH - "Xe tới rồi", "Bữa ni lấy thêm cà rốt hí", "Hoa cúc ngày ni tăng một giá nghe"... Đủ thứ chuyện về cuộc sống mưu sinh ở chợ đầu mối Phú Hậu hiện ra trước mắt tôi từ 1h đêm cho đến khi mặt trời ló rạng.

Một góc chợ lúc 2h sáng

Có lẽ do một mùi hương dẫn lối, tôi đã tìm về khu chợ này. Mùi mồ hôi thấm trong chiếc áo công nhân sờn rách của một o bán bún ở đường Tô Hiến Thành mà tôi ghé ăn khi chiều khiến tôi nhớ về mùi áo mẹ những ngày bà đi làm đồng về. O tên Thu, ngày bán bún gánh, đêm ra chợ đầu mối bốc hàng thuê kiếm chút tiền nuôi con.

Hồn của chợ

1h sáng, người Huế đã ngon giấc. Những hàng quán bán đêm lác đác gần chợ đầu mối vẫn còn sáng đèn. Khách ăn hầu hết là những lao công, người phục vụ quán xá, dân cửu vạn chờ xe hàng dỡ chuyến để bốc đồ...  Các xe hàng bắt đầu đổ về cổng chợ nhiều hơn. Những cánh cổng được mở ra, tiếng cười nói, tiếng còi xe inh ỏi... lẫn trong tiếng ếch nhái kêu dày đặc. Anh Hồ Văn Leo, lái xe tải chở rau từ Đắk Lắk về tới chợ hồ hởi: "May quá không bị trễ giờ, vì đi ngang đường gặp mưa lớn bị tắc nghẽn giao thông tưởng không về kịp giờ giao hàng. Trời thương". Giọng Tây Nguyên của người đàn ông có làn da đen sạm thô ráp làm tôi phải nghiêng tai để nghe trong tiếng kêu lạch phạch của xe hàng cập bến. Được biết, hầu hết nông sản ở đây đều được chở về từ Đà Lạt và một số địa phương của khu vực Tây Nguyên. Hàng đêm có cả trăm xe hàng tới đây đổ rau củ cho các tiểu thương trong chợ. Chợ đầu mối Phú Hậu là nơi cung cấp rau củ quả cho các khu vực lân cận trong tỉnh và thậm chí các tiểu thương từ Quảng Trị cũng vào để lấy hàng về bán.

Hải sản được tập kết tại chợ

Đêm càng sâu. Tiếng người nói vẫn rôm rả không ngớt. Gạt ra ngoài những âm thanh ấy, tôi ngửi thấy mùi hương khói tỏa ra từ ngôi đình chợ. Những ánh đèn trái nhót đứng im không động đậy, những thẻ hương nghi ngút cháy trong dấu chấm đỏ như giữ lại góc tâm linh yên ắng hiếm hoi ở khu chợ này.

Đi bộ vào trong chợ, thú thật ở Huế đã lâu mà đây là lần đầu tiên tôi đi chợ đêm đầu mối. Nó quá rộng và phong phú về các mặt hàng. Tôi đã phải thốt lên như vậy vì khu chợ này quá lớn so với chợ quê tôi. Tiếng trao đổi hàng hoá sôi nổi, những mặt người rạng ngời trong đêm, các tiểu thương từ xa tới dồn hàng về bán... tạo nên một không khí tràn đầy sức sống trong đêm Huế nóng nực. Các sạp hàng chật kín, những mảng màu đan trộn vào nhau với những khoai sắn, cà rốt, cà chua, bí đỏ, khoai mỡ, các loại rau... như là hiện thân của một nền nông nghiệp nhiệt đới tại khu chợ này. Ngồi xuống cạnh một đống rau dền đỏ, không làm thành bó mà để lẫn lộn trên bao tải, rễ trắng muốt còn vương ít đất. Hỏi chị chủ bán hàng, chị nói đây là rau trồng vườn nhà, vừa nhổ rửa sạch xong, đạp xe từ Kim Long mang lên đây bán.

 Sạp hàng rau củ

4h sáng, các tiểu thương về chợ lấy hàng nhiều hơn. Đường đi bắt đầu đông đúc xe cộ. Tiếng gà gáy le te từ các hộ dân lân cận vang lên, báo hiệu trời sắp sáng. Chị Vân, tiểu thương ở Hương Trà đi xe máy từ 2h sáng về Phú Hậu, tất bật bao bì rau cỏ cho lên xe để về cho sớm chợ. Chị vui vì lấy được chuyến hàng ngon mà giá cả lại phải chăng. Vừa cột hàng lên xe chị vừa nói: "Nhanh không thì không kịp em ơi. Chợ quê chị họp sớm mà tan sớm, phải cố gắng về sớm để còn dọn hàng nữa". Nói rồi chị nổ máy phóng xe đi trong màn đêm tảng sáng, quần vẫn còn ống thấp ống cao.

Có tiếng hát vọng ra từ quán cafe bên hông chợ. Quán mở từ 12 đêm và sẽ bán đến sáng ngày. Chủ quán là một người đàn ông gốc Quảng Nam, nói giọng hơi khó nghe, cà phê ông pha luôn bỏ thêm quế cho thơm. Khách hàng chủ yếu là lái xe và dân chạy chợ, trong lúc tranh thủ đợi hàng làm ly cà phê và điếu thuốc lào. Họ nói chuyện giá cả các mặt hàng. Đêm ngoại thành mỗi lúc một gần sáng hơn.

Những cánh vạc trong đêm

Ngồi với o Thu đợi container tới để bốc hàng, tôi thấy đa phần nhân lực làm công việc này là phụ nữ. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, muốn tận dụng triệt để thời gian và sức lao động để có tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, ngày hay đêm, nặng nhọc hay nhẹ nhàng thì họ cũng gắng làm cho xong để mau được trở về nhà.

O Thu, trong chiếc áo công nhân và chiếc nón bạc màu bắt đầu đẩy xe tới để bốc hàng cho các ki ốt trong chợ. Xong các cửa hàng rau củ, o Thu tiếp tục sang chuyển hàng ở khu bán hải sản. Đi cùng o Thu là một người phụ nữ còn trẻ, dáng đậm và rất nhanh nhẹn tên Lành, nhà ở tận Phú Vang tới đây từ sớm. Vừa bốc cà rốt từ xe tải xuống xe thồ, chị Lành chia sẻ: "Chừ biết răng, ai thuê việc chi thì mình làm thôi. Nặng nhọc cũng được miễn là có tiền cho con ăn học chị nờ" rồi cười rất hiền. Hỏi chị có mệt không, chị bảo làm xong mới thấy mệt còn chừ thì chưa, lao động chân tay quen rồi.

Trong lúc nghỉ giải lao chờ chuyến xe khác tới, tôi bắt chuyện với một người phụ nữ đã luống tuổi. Bà là người Bắc, cùng nơi chốn với tôi. Bà lấy chồng người Huế và coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Bà kể, ngày trước nhà cũng không đến nỗi khó khăn nhưng từ ngày ông nhà bị tai biến phải nằm một chỗ, mọi chi phí sinh hoạt thuốc men cho chồng bà phải lo tất. Ban ngày làm việc nhà, bán thêm cháo bò buổi chiều, đêm đến thì ra đây bốc hàng kiếm thêm thu nhập.

Bàn tay người phụ nữ  chai sần vì công việc vất vả nhưng tôi cảm nhận trong lời kể của bà, bản thân bà chưa bao giờ bi quan hay than phiền về cuộc sống hiện tại của mình. Vân vê tà áo, bà nói: “Tôi không thấy khổ vì mình vẫn còn sức lao động để lo tiếp, chỉ cần ông ấy còn sống ở lại bên tôi. Nhà có hai vợ chồng ở với nhau thôi, có mỗi thằng con thì hắn đi làm xa, thi thoảng cũng gửi tiền về phụ giúp nên tôi cũng còn động lực cố gắng cô ạ”. Nói rồi bà lại tiếp tục đẩy xe thồ đi bốc hàng, vừa đi vừa ngoảnh lại: “Khi nào rảnh ghé nhà tôi ăn cơm nhé. Tôi nấu món Bắc ngon lắm, ông nhà tôi lúc nào ăn cũng khen”. Giữa một đêm Huế xôn xao thế này mà được nghe giọng nói thân thuộc của quê hương khiến tôi cảm thấy lòng ấm áp quá đỗi. Chỉ mong người phụ nữ ấy khỏe mạnh để chèo lái cuộc sống gia đình mình.

Rạng sáng, các ki ốt hầu như đã được chất đầy hàng để bán. Đội nữ cửu vạn bốc hàng thuê tạm nghỉ ngơi. Họ nói cười vui vẻ và lấy nón quạt mát cho nhau. Giọt mồ hôi tụ đầy vầng trán, gương mặt đen sạm vì gió sương nhưng sự lạc quan luôn hiện hữu trên gương mặt những người phụ nữ cực khổ ấy. Đôi cánh tay nhỏ bé tưởng như chỉ để may vá, nấu nướng lại bốc hàng rất nhanh nhẹn. Họ bốc hàng từ 1, 2h sáng cho đến 7, 8h sáng thì kết thúc. Mỗi buổi làm việc như vậy cũng thu được 100 - 120 ngàn đồng.

Bình minh Phú Hậu hiện ra rõ nét. Những tia nắng đầu tiên của ngày chiếu xuống, phả vào rau cỏ hoa trái xung quanh, khu chợ đầu mối như được khoác một tấm áo voan thêu họa tiết màu cổ điển. Chợ đã họp trong đêm và sẽ tan khi nắng đầu ngày buông xuống để lại tiếp túc ồn ào cho những phiên họp sau. Đạp xe về nhà, lòng cứ nghĩ hoài về những cánh vạc bán sức lao động trong đêm…

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù

Chiều 12/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất mua túy” đối với hai bị cáo Trần Viết Thanh và Nguyễn Thị Anh Thi (cùng SN 2000, là vợ chồng, cùng trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế).

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù
“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Săn rau chẵn lẻ

Vào những buổi chiều mùa mưa, chị Thúy Hà (Phú Lộc) thường bận rộn tìm đến các rừng tràm trên vùng trảng cát để “săn” rau chẵn lẻ.

Săn rau chẵn lẻ
Bán ma túy lấy tiền công, hai đối tượng lĩnh 31 năm tù

Chiều 6/12, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đối với hai bị cáo Lưu Thanh Toàn (SN 2003), Đoàn Quốc Huy (SN 1999, cùng trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Bán ma túy lấy tiền công, hai đối tượng lĩnh 31 năm tù
Return to top