ClockThứ Hai, 29/05/2017 08:26

Chuyện ăn ở làng

TTH - Hồi sinh viên mỗi lần được về nhà cuối tháng, mạ tôi hiểu ý con trai nên thường hái một mớ rau muống non bên vườn luộc lên rồi bóp với rau quế. Rau muống luộc chấm nước ruốc ăn cũng ngon, nhưng tôi vẫn mê nhất món rau muống luộc rồi bóp với rau quế thơm nồng.

Tôi cũng rất thích món bột lọc trộn những ngày đông lạnh. Bột lọc luộc ra, trộn với tiêu, hành, nước mắm, tóp mỡ và rau răm; trộn xong là ăn liền thay cơm luôn. Món ni mạ tôi cũng làm rất ngon. Ngon đến nỗi chú Hòa, một người quen thân của nhà tôi mỗi lần ghé nhà chơi đều hỏi mạ tôi ngày ni chị có làm món bột lọc trộn không để tui ngồi lại làm mấy chén…

Cái xóm của tôi hồi đó nghèo nhưng sống tình cảm lắm. Nhà mô có miếng ngon thì bưng cho nhà bên cạnh một tô, một dĩa. Tôi còn nhớ cái món sắn xối mỡ của nhà bác Toàn thỉnh thoảng bưng qua làm quà chiều cho nhà tôi. Nhớ nhà bác Chiu có người bà con ở phố, cho một bì mì tôm to, khi đó món mì tôm còn hiếm lắm. Bác Chiu sai đứa con gái bưng cho nhà tôi một tô, hai anh em giành nhau ăn làm đổ luôn cả tô mì. Nghe thấy chuyện bác lại bảo con bưng cho chúng tôi tô khác. Rồi nhà ai bắt được con cá to hay rớ được nhiều cá mùa lụt, cũng đều chia phần cho nhà hàng xóm có thêm bát canh chua ngon mùa mưa gió.

Nhưng nhớ nhất là chuyện nhà ai có con heo bị lơ ăn là mổ thịt cả xóm cùng chia phần, đến mùa đong lúa lại coi như san sẻ cái rủi cho chủ nhà. Tôi nhớ câu nói rất chân tình của bác Chiu trong một lần chia phần thịt heo của nhà ông Thắng bị lơ ăn: “Ri coi như bà con mình buồn ngủ mà được gặp manh chiếu hà… hà…hà…”.

Ở phố đi ăn khuya là chuyện thường tình. Nhưng hồi trước ở quê quán ăn mở vào buổi tối đã hiếm huống chi là nửa đêm khuya. Vậy mà người nông thôn cũng “biết” ăn khuya, chủ yếu là góp nhau mà ăn.

Hồi ba tôi làm cán bộ hợp tác, có lần đến kỳ thanh quyết toán sổ sách chi đó, làm việc đến khuya. Nửa đêm cả nhà đang ngon giấc, bỗng nghe sột soạt ngoài nhà bếp. Mở mắt ra thấy mấy bác, mấy chú đang nhổ lông gà. Người làm gà, người bắc cháo và có người làm nhiệm vụ hái rau răm, nhổ ném. Ngặt nỗi vồn ném nhà tôi vừa bán xong, rau răm không trồng trong vườn. Rứa là tôi được giao nhiệm vụ dẫn một chú qua nhà hàng xóm cắt rau răm, nhổ ném. Trời tối nhưng không được rọi đèn pin vì sợ chó sủa, chủ nhà tưởng ăn trộm thì nguy nên mò mẫm trong đêm mà cắt rau, nhổ ném. Thực ra, mấy cây ném, mấy ngọn rau răm ở nông thôn thì xin một nắm thì chủ nhà cho cả rổ, nhưng đó là vào ban ngày, còn ban đêm chẳng lẽ thức chủ nhà dậy mà xin… Thịt gà xé bóp rau răm, cháo gà nấu ném ăn trong đêm lạnh bụng đang đói thì ai cũng biết độ thấm tháp rồi. Chỉ có điều tôi đang ăn thì nghe một bác dặn: “Ăn ri ngày mai đi học đừng méc mấy đứa bạn nghe con”…

Khi tôi học cấp 3 thì đã có mấy quán trong làng hay làng bên cạnh bán tới khoảng 10 giờ tối là đóng cửa. Nhớ nhất là những lần đi ăn bánh bột lọc trần ở nhà o Song ở ngay đầu làng bên giáp với chợ quê tôi. Đó là một căn nhà tranh nhỏ, có cái cửa cài ngang bằng một thanh tre. Trời lạnh nên chủ nhà phải đóng cửa nhưng nhìn đèn vẫn sáng bên trong nghĩa là o Song còn thức bán. Bánh lọc làm xong để sẵn, khi khách đến o mới bỏ vô nồi nước sôi luộc mà ăn cho nóng. Sở dĩ mấy thằng học trò thích lên nhà o Song ăn bánh không chỉ vì bánh ngon mà o còn có một đứa con gái mới lớn nữa…

Ở gần trường cấp 3 nơi tôi học cũng có một quán bán khuya của o Quyết. Đó là quán bún nước mắm. Những lần ở lại nhà trọ hay đi trực trường, mấy thằng trong lớp cũng kéo về quán ni ăn bún nước mắm. Nói rõ là chỉ có bún con ăn với nước mắm biển đặc sệt ớt, nhưng ngon và ấm người hẳn.

Nói chuyện ăn ở làng, tôi lại nhớ quán cháo lòng của vợ chồng chú Sót ở đầu xóm. Cháo lòng chú Sót không phải bỏ lòng, tim, gan, cật… riêng mà nấu nhừ tất cả vào một một nồi to. Bí quyết làm cho món cháo lòng khiến cả làng tôi ai cũng mê, đơn giản là từ 3 giờ sáng chú Sót đã đi tới mấy lò mổ mượn mấy cái đầu heo về luộc để lấy nước nấu cháo. Quán cháo lòng của chú mở cửa từ 5 giờ sáng đến tầm 6 giờ rưỡi thì đã hết cháo. Sáng mô cũng rứa, người làng đến ăn cháo ngồi ở mấy cái bàn nhỏ hoặc hết chổ thì ngồi chồm hổm ở trước hiên nhà chú Sót chờ đến lượt mình mà vẫn vui vẻ lạ kỳ.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những bà mụ ở làng

Chuyện hay quá. Đúng chất mẹ quê, nhớ ngày con ra đời cùng ngày với con trâu của hợp tác xã.

Những bà mụ ở làng
Nhiều hoạt động tìm hiểu, khám phá tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ

Sáng 21/11, hướng tới “Ngày di sản Văn hóa Việt Nam 23/11”, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp trường THCS Phú Dương tổ chức hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang cho học sinh của trường với chủ đề “Bác Hồ với thiếu niên”.

Nhiều hoạt động tìm hiểu, khám phá tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ
Mâm kỵ ở làng

Trẻ con làng tôi có câu: vui nhứt là Tết nhì là lụt. Đó là nói chuyện chơi; còn nói về chuyện ăn uống thì phải là vui nhứt là Tết, nhì là đi kỵ (giỗ).

Mâm kỵ ở làng
Return to top