ClockThứ Ba, 16/03/2021 14:26

Chuyện bạn trẻ ấy

TTH - Phòng bệnh hầu hết là người già. Bệnh nhân “trẻ tuổi” nhất ngoài sáu mươi. Có nhiều cụ trên tám mươi tuổi, mắt kém, tai nghễng ngãng.

Người chăm bệnh-con cái của các cụ cũng đã lớn tuổi. Thực tế dường như “mặc định” rằng, chỉ có những người lớn tuổi mới đủ trách nhiệm, lòng kiên nhẫn, sự chịu khó để thức đêm thức hôm và dỗ dành, chiều được các bậc cha, mẹ đã ở vào cái tuổi “một người già bằng ba đứa trẻ”, hay trái tính, trái nết, thất thường…

Qua mấy ngày, có một cô gái ngoài hai mươi chút xíu, đến để “thay ca”, chăm sóc bà nội gần tám mươi tuổi, đi lại rất khó khăn, đôi khi phải vệ sinh cá nhân ngay tại giường bệnh. Cô gái được “đón” bằng những ánh mắt thiếu thiện cảm, bởi mái tóc nhuộm vàng cháy, bộ móng tay mỗi ngón sơn một hoa văn khác nhau, sau gáy lấp ló hình xăm. Không nói ra nhưng có lẽ ai cũng nghĩ trong đầu: “ngữ” này thì chăm sóc người bệnh kiểu gì. Tội nghiệp cho bà cụ.

Trưa hôm đó, bà cụ “giở chứng”, không chịu ăn. Cô cháu gái nhỏ nhẻ dỗ dành bằng cách gợi lại những chuyện xưa mà có lẽ là ký ức mà người già thường kể đi kể lại cả trăm, nghìn lần vẫn có hứng thú. “Chìa khóa” thần kỳ thật. Bà cụ hào hứng hẳn, nên vừa kể vừa ăn từng thìa cháo từ tay cô cháu gái, cho đến lúc bát cháo hết nhẵn.

Chưa hết, sau khi ăn cháo, uống thuốc xong, bà cụ vẫn nhất quyết ngồi tựa lưng vào tường, bảo là “cho đỡ mệt” chứ nằm suốt ngày mệt mỏi quá. Cô cháu gái bèn ngồi ghé sát bên, cười cười: “bà nội tựa vào con nè, người con êm ái hơn bức tường nhiều đó”. Rồi cô ngồi vậy hơn cả tiếng đồng hồ cho nội tựa, đồng thời chăm chú lắng nghe chuyện xửa chuyện xưa nội kể. Rất nhiều chuyện “cũ mèm” từ thời ông bà nội thương nhau, lấy nhau ra sao, cái thời mà bố mẹ, cô, dì của cô gái còn chưa ra đời. Có chuyện bà cụ kể đến hai, ba lần, nhưng cô gái vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Không những vậy, thỉnh thoảng cô lại tương tác, hỏi một câu để nội thêm phần hào hứng.

“Cô cháu này giỏi thiệt đó, chịu khó thiệt. Cháu thiệt biết cách chiều người già”- Bắt đầu có những lời xuýt xoa khen ngợi. Cô gái cười hiền bảo: “Ba cháu mất từ lúc cháu mới 3 tuổi. Mẹ cháu đi lấy chồng xa. Ông bà nội là người đã ẵm bồng, chăm sóc, nuôi nấng, cho cháu học chữ, học nghề. Cháu đang làm công trong một tiệm tóc. Sau này vững tay nghề, hy vọng cháu sẽ gây dựng được một tiệm riêng của mình, để không phụ công sức, tình yêu thương của ông bà nội”.

Lời nói sao mà nhẹ nhàng. Suy nghĩ sao mà chính chắn! Những người trong phòng bệnh đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi ban đêm cô gái vẫn ngồi trên chiếc ghế nhựa đặt cạnh giường bà nội, cho đến 2-3 giờ sáng, chứ nhất quyết chưa nằm ghé vào giường (như tất cả mọi người trong phòng). Lúc cô dìu bà đi vệ sinh, lúc lại dỗ bà cứ vệ sinh tại chỗ, cô ân cần lo chu toàn tất. Gần sáng, lúc bà nội ngủ khá say, cô gái mới nằm ghé cạnh bà.

Sớm mai thức dậy, dù trời vẫn lạnh, nhưng phòng bệnh ngỡ như có ánh nắng bởi sự có mặt của cô gái ấy cùng tình yêu thương cô dành cho bà nội, mà không phải bạn trẻ nào bây giờ cũng nghĩ được, làm được như thế. Không ai nói ra, nhưng trong mắt mọi người, mái tóc nhuộm vàng cháy, bộ móng tay “hoa hòe” và cả hình xăm lấp ló sau gáy chẳng “đáng kể” gì. Bởi hình thức bên ngoài chẳng nói lên điều gì, quan trọng là bạn trẻ ấy biết nghĩ, biết hành động những điều đáng trân trọng, đáng để học hỏi.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Chuyện chiếc chìa khóa

Cậu bé điều khiển chiếc xe cup 50 vào cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) để đổ xăng.

Chuyện chiếc chìa khóa
Nhiều bạn trẻ hiểu sai về lối sống YOLO

Lối sống Yolo (You only live once – nghĩa là “bạn chỉ có một đời để sống”) khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo, tìm tòi cái mới, dám nghĩ, dám làm và nỗ lực hết sức mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại vịn vào câu nói trên để phí hoài tháng ngày và tiền bạc vào những thú vui phung phí.

Nhiều bạn trẻ hiểu sai về lối sống YOLO

TIN MỚI

Return to top