ClockThứ Ba, 25/10/2016 13:21

Chuyện buồn bị cáo không nhà

TTH - Từ câu chuyện một bị cáo “khát” gia đình, hy vọng các thanh thiếu niên biết quý trọng tình cảm yêu thương, sự bảo ban dạy dỗ của cha mẹ, biết sống tốt, không vi phạm pháp luật.

Điện thoại hiện số máy của một nữ thẩm phán Tòa án nhân dân TP. Huế. Chị thông tin đang xử một vụ án trộm cắp tài sản mà bị cáo có hoàn cảnh khá đáng thương, bị lạc mất gia đình từ năm cậu ta mười lăm tuổi. Mười năm lưu lạc không nhà cửa, không người ruột thịt, vắng tình cảm, sự dạy dỗ bảo ban của cha mẹ nên cậu ta lạc lối. Thanh niên này đã trộm cắp mấy lần, nhưng chưa bị phát hiện. Khi đến Huế và “ra tay chôm chỉa” thì sa lưới pháp luật. Chị nói: “Chúng tôi mong muốn và hy vọng thông qua “kênh” báo chí, cậu ta có thể có cơ may tìm lại được gia đình. Cuộc đời cậu ta còn dài, cần lắm điểm tựa từ một tổ ấm”.

Phòng xét xử chỉ một mình bị cáo sau vành móng ngựa. Đó là thanh niên hai lăm tuổi, cái số tuổi theo kết luận của cơ quan giám định. Bởi theo hồ sơ vụ án, khi bị bắt (vì hành vi trộm cắp tài sản), quá trình cơ quan điều tra tiến hành điều tra thì được biết, thanh niên này không nhà cửa, không gia đình, không giấy tờ tùy thân, không biết mình là ai, từ đâu đến. Trước tòa, bị cáo khai một lần tỉnh lại trên công trường xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh, bị cáo thấy đầu đau như búa bổ, cơ thể bị xây xước và không còn nhớ điều gì, chỉ nhớ mang máng mình tên Hải. Không nhớ họ, Hải tự đặt tên đệm là Thanh (tức Thanh Hải).

Kể từ đó, với một ba lô đựng vài bộ quần áo, Hải lang thang ngày đi làm thuê đêm lấy gầm cầu, nhà ga… làm chỗ ngủ. Công việc Hải làm từ chạy bàn, rửa ly tách, rửa chén quán cà phê, quán nhậu, đến phụ thợ hồ, hái cà phê. Không người thân, không nhà cửa nên Hải cứ lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác làm thuê như vậy. Lúc tích trữ được chút tiền thì thuê nhà trọ. Cũng có lúc đi hái cà phê thì ở lại trong lều bạt trên rẫy. Những ngày tết là những ngày buồn nhất, “u ám” nhất đối với Hải. “Tết, ai ai cũng trở về quây quần sum họp cùng người thân, gia đình. Riêng bị cáo lang thang một mình không nhà cửa. Những lúc đó bị cáo khao khát tìm lại được cha mẹ, người thân. Nhưng chẳng biết tìm ở đâu. Có lẽ cuộc sống lang thang khiến nhiều lúc bị cáo có cảm giác bất cần đời. Bởi vậy, có lần không ai thuê việc, không tiền sống qua ngày, bị cáo đã đi ăn trộm. Thấy trót lọt lần này, bị cáo lại trộm lần khác. Bị cáo ra Huế với mục đích kiếm việc làm. Chưa kiếm được nên… Không ngờ…” - bị cáo Hải phân trần.

Một vị hội thẩm nhân dân phân tích: Bị cáo thất lạc người thân, gia đình, không ai bên cạnh từ lúc tuổi đời còn nhỏ, tự mình bươn chải mưu sinh. Hoàn cảnh như vậy đúng là có khó khăn, bất lợi, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, không thể vin vào điều này làm cớ để phạm tội. Trước đó, bị cáo đã chịu khó làm thuê để kiếm sống. Khổ, nhưng cuộc sống thanh thản vì lương thiện. Vậy tại sao bị cáo không cố gắng vươn lên mà lại buông thả, biết rõ việc trộm cắp tài sản của người khác là xấu, là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn sa vào?

Bị cáo trả lời, từ khi bị bắt tạm giam mới thấy rất sợ, mới thấy rằng những ngày ngủ gầm cầu, thuê trọ nhưng được tự do vẫn là quý giá. Sau này được “ra”, bị cáo không còn dám tái phạm nữa. Và điều bị cáo mong hơn cả là tìm được người thân. Nghe trong lời “trần tình” của bị cáo có điều gì đó xót xa. Hành vi phạm tội của bị cáo là đáng lên án. Tuy nhiên với hoàn cảnh đã trải qua, Hải cũng có điều đáng thương.

Có lẽ vì thế nên không chỉ những người làm công tác xét xử mà cả những cán bộ công an đều có chung mong muốn, sau khi chấp hành xong hình phạt, Hải tìm được gia đình, để có một điểm tựa yêu thương trong hành trình hoàn lương, làm lại cuộc đời. Đồng thời, thông qua câu chuyện này, hy vọng các thanh thiếu niên biết quý trọng gia đình, quý trọng tình cảm yêu thương, sự bảo ban dạy dỗ của cha mẹ, biết sống tốt, không vi phạm pháp luật.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Thấu hiểu để yêu thương

Mang đến những hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền và bảo vệ quyền trẻ em, thời gian gần đây, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em (BVQTE) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu giữa phụ huynh và con trẻ.

Thấu hiểu để yêu thương

TIN MỚI

Return to top