ClockThứ Năm, 25/08/2011 14:24

Chuyện cái tủ sách

TTH - Đã hơn 30 năm trôi qua mà tôi vẫn không quên được cảm giác thật khó tả khi lần đầu tiên phát hiện cái tủ sách to đùng ở nhà một đứa bạn thân trong xóm. Dạo ấy mới giải phóng, lo miếng ăn đã bở hơi tai nên sách báo là một thứ xa xỉ phẩm. Vậy mà trước mắt tôi là cả một “kho sách”. Lân la chuyện trò tôi mới biết, cái tủ sách này là của người anh trai đứa bạn, trước ngày giải phóng là sinh viên văn khoa Huế. Vậy là tranh thủ ngay. Chính cái tủ sách nhà thằng bạn đó mà tôi được khai trí, có dịp tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học lớn, như Những người khốn khổ, ở miền Nam ngày trước dịch là Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo; hay những tạp chí nổi tiếng như Nam Phong, Bách Khoa…

Nghe kể, ở Huế mình xưa, người học trò nào cũng có một tủ sách riêng. Người Huế trọng học vấn và rất trọng sự hiểu biết nên rất trọng sách. Khởi điểm về tủ sách cho riêng mình thường được manh nha ngay từ khi người học trò còn ở lứa tuổi tiểu học. Công việc tiếp tục hoàn thiện khi lên đến trung học. Cái tủ sách lúc này cũng rất đơn giản. Với nhiều người, đó có thể chỉ là một cái kệ nhỏ kê sát bàn học bằng cách đặt sách lên trên vài tấm ván mộc chồng lên nhau trên những viên táp-lô sắp cao ở hai đầu kệ hay đóng áp sát vào tường. Tuy đơn sơ nhưng tiện lợi vì dễ lấy sách ra và cũng dễ đặt sách vào. Với thời gian, dần dà tủ sách được giàu thêm với những quyển sách khác có trình độ cao hơn và là những món ăn tinh thần cần thiết cho tâm hồn của những con người đã ở vào lứa tuổi trưởng thành.

Ở Huế, tôi đã có dịp tiếp cận với 2 tủ sách gia đình nổi tiếng của ông Nguyễn Hữu Châu Phan và Nguyễn Đắc Xuân. Tủ sách gia đình của giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan được thiết lập từ đời cụ thân sinh là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính. Tủ sách hay còn gọi là thư viện tư nhân bởi lượng sách đồ sộ này để trong nhà ở khu cao ráo nên sách báo được bảo quản rất tốt. Cũng nhờ đó mà tạp chí “Nghiên cứu Huế” cũng do chính ông Nguyễn Hữu Châu Phan làm chủ bút đã được tồn tại qua nhiều số liên tiếp. Tủ sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng là một thư viện lớn và cùng với thư viện của ông Nguyễn Hữu Châu Phan là hai thư viện đã nhận được giải thư viện lớn nhất của Huế trong ngày Hội Sách Báo gần đây. Tôi cũng đã có dịp ghé thăm ngôi nhà của TS Hồ Thế Hà. Ấn tượng lớn nhất là tủ sách, kệ sách, được bố trí trân trọng ở nhiều gian phòng khác nhau, cả ngôi nhà như một thư viện, cho thấy chân dung và sở nguyện của chủ nhân là một trí thức đáng trọng ở Huế hiện nay.
 
Săn tìm sách là chuyện khó, bảo quản sách lại càng khó hơn. Mối mọt làm hư sách là một nỗi lo. Vậy nhưng, sợ nhất là lũ lụt. Ở Huế, mỗi năm có hàng tháng trơi mưa rơi tầm tã và không biết bao nhiêu là trận lụt. Chủ quan và không biết cách giữ sách thì xem như đi tong. Nhớ sau trận lụt 1999, cả Huế xôn xao chuyện tủ sách nổi tiếng của ông Hồ Tấn Phan phút chốc bị tan tành trong nước lụt. Bản gốc các sách xưa bằng giấy bổi biến thành những bó bột giấy gỡ không ra! Phòng chống lũ lụt, bảo quản sách báo, anh Hồ Vĩnh có nhà ở vùng thấp lúc chưa xây dựng được nhà cao tầng đã chơi kiểu chắc ăn, bọc sách vào nylon, đặt ở những nơi cao an toàn, luôn luôn sẵn sàng “chồn đồ và chồn sách lên côi cao” mỗi khi có lụt.
Chuyện cái tủ sách ở Huế có lắm điều đáng để suy nghĩ và bàn bạc. Huế là đất học. Không ít người bước vào đời lấy cái sự học làm căn kế mưu sinh. Vậy nên, đã từ lâu, hình ảnh cái tủ sách đã gắn liền với con người và gia đình Huế. Có điều, truyền thống quý báu ấy xem chừng đang có phần mai một. Ngày nay, vào thăm nhiều ngôi nhà mới được xây dựng ở Huế, một điều trước tiên đập vào mắt là cái “tủ sách gia đình” ngày xưa đã không còn nằm chình ình ở trong nhà nữa và cũng không còn nằm tại bất cứ chỗ nào khác trong ngôi nhà đó. Trên bàn học của con em, cũng không thấy những giá kệ hay những chồng sách vở nào khá lớn đủ chứng minh là những con em học trò Huế trong nhà đó đang dùi mài học tập để ganh đua với các bạn đồng lứa ở khắp nơi. Và tôi (cũng như nhiều người khác nữa), đã có cảm giác hẫng hụt, như thiếu mất một điều gì đó thật khó tả…

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top