ClockThứ Ba, 21/03/2023 07:41

Chuyện chợ Được ở Huế

TTH - Ở ven sông Hương, gần cầu Trường Tiền, có chợ Đông Ba nổi danh và gần đó về hạ nguồn, là chợ Đò Cồn có quy mô khiêm tốn hơn. Nhưng ít ai nhớ rằng, ở giữa hai khu chợ này từng có chợ Gia Hội - tục danh chợ Được, rất nổi tiếng trong lịch sử vùng dinh phủ Phú Xuân - Kinh đô Huế.

Điểm tựa cho bà con

leftcenterrightdel
Vùng cửa sông Đông Ba đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Tư liệu 

Điểm đặc biệt nơi đây chính là địa điểm đóng quân của cơ thủy binh Trung bộ, từ thời chúa Nguyễn có vị Chưởng doanh Hồ Văn Mai, nổi danh với nhiều công lao, lại có người con gái Hồ Thị Đặng/Được được gả vào phủ chúa, trở thành Chiêu Nghi của Minh vương, sinh ra Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ/Chú... Tương truyền, nơi đây lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét, như bà Được từng có công tham gia xây dựng, tu tạo khu chợ nên dân gian định danh chợ Được theo nhũ danh của bà.

Ở vùng Gia Hội, từ thế kỷ XVIII - XIX có hai khu buôn bán lớn là chợ Được và chợ Dinh. Chợ Được nằm ở phía Đông cầu Gia Hội, tục danh chợ Mụ Đặng (Được), với một dải ven sông nhà tranh của dân ở xen kẽ nhau, nguy cơ hỏa hoạn thường trực nên cuối thời Minh Mệnh (1837), triều đình mới cho Thự Thống chế Vũ Lâm quân Lê Văn Thảo đốc suất binh sĩ dựng nhà ngói với 89 gian. Chợ nhìn ra sông, có dựng đình 2 tầng, gọi là đình Quy Giả. Từ đây về ấp Hạ chợ Dinh chia đặt 8 hàng (phố) ven sông, dài hơn 3 dặm, là Gia Thái, Hòa Mỹ, Phong Lạc, Doanh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc, Tam Đăng. Ở giữa là đường phố, hai bên nhà ngói liền nhau, buôn bán tấp nập, phía bờ sông thuyền buôn, thuyền chài đi lại như mắc cửi (QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 2006, tập I, tr. 214).

Theo Bài tựa phổ họ Hồ (Canh Tý, 1900) thì phái Tống Hồ làng Hương Cần có nhiều nhân vật có vai trò đặc biệt quan trọng, như ngài Hồ Văn Duyên là Khai canh của làng, người con là Hồ Văn Mai cũng có nhiều quân công, được thăng dần từ Tri bạ rồi Cai đội coi đội Tả Trung bộ (thủy quân, đóng gần ngã ba sông Đông Ba và sông Hương, về sau vùng này trở thành ấp Trung Bộ), lên đến Chưởng doanh... Ông có người con gái, nhũ danh Hồ Thị Được (Đặng), nhập cung trở thành Hữu Cung tần thứ tư, sau được thăng Chiêu Nghi của Minh vương Nguyễn Phúc Chu, được ban họ Tống, sinh ra Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ/Chú và Luân Quốc công Nguyễn Phúc Tứ; khi mất được truy tôn là Hiếu Minh hoàng hậu (QSQ triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, 1997, tập I, tr. 29-30). Họ Hồ làng Nguyệt Biều và Tống Hồ làng Hương Cần truyền tụng câu chuyện nhờ công đức thành lập hay trùng tu nơi đây mà dân gian đã lấy tên bà để đặt tên cho chợ Được.

Trong Souvenir de Huế, Michel Đức Chaigneau mô tả ngôi chợ nằm ở đầu cầu, chiếm một vùng đất rộng lớn dọc sông Hương, với đầy đủ nhất mọi nhu yếu phẩm, nhất là cá tươi, cá khô muối. Chợ đông buổi sáng, thực phẩm tươi sống mở hàng ban mai, đàn ông lẫn đàn bà chen lấn nhau. Người mua kẻ bán xô đẩy nhau trong những lối đi hẹp. Đám đông người mua sắm là gia nhân, đầu bếp, với đủ mọi thành phần: kẻ ở với các vị quan lớn, kẻ giúp việc cho quan viên hàng dưới, vợ của những người buôn bán hay viên chức nhỏ, những dân nghèo và thợ thuyền tầng lớp dưới...

Người buôn bán bày ra trước mặt đủ loại hàng hóa thực phẩm, chào mời người đi mua sắm bằng cả giọng nói, đôi mắt và đôi tay: người bán cá, người bán thịt heo, người bán hàng gia vị, bán trái cây với những mẹt tre đầy cam, ổi, chuối... Ở một góc chợ, cả đàn ông và đàn bà, đang bán cá ướp muối và nước mắm, gọi là mắm và nước mắm, những món thiết yếu của nhà bếp miền Trung, được đựng riêng trong những chum vại lớn, bốc mùi rất khó chịu. Ở góc khác, người ta bán một loại rau được cho lên men (dưa cải, dưa giá) trong những chum với một ít nước tương mà mùi cũng nồng nặc không thua gì nước mắm. Ở hàng trà có những chiếc bàn bày đầy những dụng cụ cần thiết để pha chế; hàng bán rượu gạo trưng ra cái bàn thấp trên đó bày ra nhiều hũ bằng đất nung và những tách bằng sứ. Kế đó là những gánh hàng rong bày bán thức ăn, thường có rất nhiều người ngồi vây quanh ăn uống (Lê Đức Quang - Trần Đình Hằng, Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Nxb. Thuận Hóa, 2016, tr. 245).

Đầu năm Canh Dần - Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình cho chuyển chợ Đông Ba từ cửa Đông Ba ra vị trí hiện nay, bên bờ sông Hương, trở thành một trung tâm thương mại lớn ở Kinh kỳ (Đại Nam thực lục phụ biên Đệ lục kỷ, mục 0168).

Có lẽ với mật độ quá gần, với tầm vóc phát triển lớn của chợ Đông Ba nên chợ Gia Hội dần mất vai trò. Có thể từ đây đã có sự dịch chuyển ngôi chợ về phía Bắc, thành chợ Cồn hiện nay, bởi trong một không gian nhỏ, khó có thể có quá nhiều ngôi chợ. Vùng Đông Ba - Gia Hội - Bao Vinh đang được quy hoạch, đầu tư phát triển theo hướng bảo tồn di sản và phát triển du lịch dịch vụ. Những dấu ấn lịch sử, câu chuyện văn hóa về bà Được ở chợ Được mang nhiều giá trị nhân văn để thổi hồn, làm sống lại di sản, gắn kết những dấu tích và lễ nghi liên quan từ chợ Được - họ Hồ làng Nguyệt Biều - họ Tống Hồ làng Hương Cần, tẩm mộ và ngày giỗ Đức Bà Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Hậu (Đức Bà Hệ 7 Nguyễn Phước tộc - 12/2, thôn Chầm - Hương Hồ). 

TRẦN ĐÌNH HẰNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Người tốt ở Đông Ba

Những hành động tử tế tại chợ Đông Ba giúp ngôi chợ hơn 124 tuổi ngày càng xây dựng được hình ảnh thân thiện, văn minh.

Người tốt ở Đông Ba
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Return to top