ClockThứ Ba, 13/12/2016 13:51

Chuyện con chữ

TTH - Dòng đời cứ quật người ta đổ ngả, đổ nghiêng. Người trụ vững thì vui vẻ tiền vào như nước, người yếu vía ngồi “tu tu” than chữ hận. Duy chỉ có người viết chữ cứ thế lạch cà lạch cạch trên bàn phím để kể thú vui của đời. Cứ thế ngày này qua ngày khác. Người người bảo “ôi chao viết dễ òm” hay “chỉ cần lạch cà lạch cạch dăm ba phút là cái ví lại rủng rỉnh”.

21 tuổi và có mẹ làm nghề gõ chữ, vài mùa nữa là ra trường. Cái thất nghiệp không biết có đeo bám không mà mẹ dặn nếu “lỡ” thì cố thi vào chỗ mẹ thử làm vài bữa. Tôi chẳng mấy mê nên cái mặt méo xệch. Bởi suốt từ hồi nhỏ bản thân bị la cực kỳ nhẹ nhàng với vô vàn câu ca dao, tục ngữ hay cả văn thơ lồng ghép nên giờ phát sợ. Nghĩ tới cảnh sau này tính mình thì toạc toạc, muốn la con mà “quen thói” chèn thêm mấy câu đại loại như “thề có mặt đèn” thì hẳn là kì cục lắm. Ấy mới nói văn thơ chẳng hợp với mình. Nhưng được cái chắc còn một chút gen gì đó chạy trong người nên lâu lâu cũng gõ gõ được đôi chút. Mẹ được nước bảo cố lên mà chẳng tường sức con có hạn, cũng muốn lắm mà làm hoài có được đâu. Mẹ suốt ngày “có khó đâu nếu con có ý tưởng”. Mà chao ôi, để thể hiện được cái “ý tưởng ấy” chắc phải gõ mòn mấy chục bàn phím ngay từ khi mình chưa nhìn thấy bình minh ló dạng; hoặc từ khi còn phải viết bằng tay không chừng?

 Mà thôi, vì “người phụ nữ của tôi” kinh nghiệm đầy mình nên có chút dễ dàng cũng tạm bỏ qua được. Nhưng tới cả lũ bạn suốt ngày hỏi chấm câu sao cho đúng mày nhỉ cũng trề môi bảo viết dễ thì thật chẳng hiểu nổi. Mình thì khác, chẳng dễ mà chỉ có cái khó ló cái khó hơn. Nội việc chạy chữ cho câu trên câu dưới khác nhau cũng đã là một băn khoăn vô bờ bến. Rồi viết để người đọc có cái hứng đưa mắt tới cuối bài lại gian nan trùng trùng điệp điệp. Trước viết vì muốn viết, giờ viết vì cái áo mới, cái quần mới hay vì món nợ ngày mai đã đến hạn thì lại khác nhiều nữa. Giá mà viết văn dễ như chat facebook thì hay nhỉ!

 Khi mình thấy nắng là chỉ biết nóng, vui thì cứ là niềm vui đơn giản thì qua con mắt của người gõ phím, chí ít cũng là nắng nhạt, nắng mặn, vui sum vầy, vui chua chát, đủ thể loại... Lắm khi tò mò không hiểu sao ba mẹ và mấy người làm việc như ba mẹ có thể viết chữ cả đời không biết chán? Rồi có khoảnh khắc nào họ chợt lung lay suy nghĩ?

 Mà thôi, kỳ thực thì cũng quan sát hết rồi. Đảm bảo còn nhiều người quả quyết nghiệp chữ nghĩa khó nhằn lắm. Cụ tỉ là mấy chú hay bị mẹ la “viết cái gì thế này”, hay giọng của một cô nào đó tôi nghe qua máy khi bị mẹ nhắc “em viết thế này chưa đúng, nghĩ tít khác đi nhé!”. Tôi biết mà, người bên phe này già trẻ lớn bé cũng đủ cả. Ôi cái chuyện gõ phím, khó hay dễ bên nào nhiều hơn đây ?!

Hani

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm báo, viết báo: Bài học sâu sắc cho người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đội ngũ những người làm báo và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam 95 năm qua đã và đang được thừa hưởng tài sản vô giá của Người về phong cách, tư tưởng, đạo đức... làm báo cách mạng.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm báo, viết báo Bài học sâu sắc cho người làm báo
Thầy giáo viết báo và đạt giải cao

Không phải là những người cầm bút chuyên nghiệp, họ đến với những bài báo bằng sự đam mê, mong muốn được sẻ chia và bằng trách nhiệm của một người thầy. Chuyện thầy giáo Trần Văn Toản ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế vừa dạy văn, vừa viết báo và vừa đạt được giải thưởng cao tại một cuộc thi toàn quốc là một minh chứng.

Thầy giáo viết báo và đạt giải cao
Bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu lâm sàng và viết bài báo y học

Đó là nội dung của khóa học do BV Trung ương Huế phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Hà Nội tổ chức đào tạo cho hơn 40 học viên là những giảng viên các trường đại học y, dược và các bác sĩ, tiến sỹ, nghiên cứu sinh đến từ các BV ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung vào ngày 29 và 30/8 tại TP Huế.

Bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu lâm sàng và viết bài báo y học
Return to top