ClockThứ Sáu, 18/03/2016 14:17

Chuyện của người “vác tù và”...

TTH - “Không những nhiệt tình, năng động, sáng tạo nhằm đưa phong trào phụ nữ địa phương ngày càng đi lên, chị Thắm còn làm tốt vai trò của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” - đó là ý kiến nhận xét của ông Hồ Đắc Hải Nam, Bí thư Đảng ủy xã Phú An (Phú Vang) về chị Huỳnh Thị Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn An Truyền.

Chị Thắm tranh thủ dọn dẹp nhà cửa

Nhiệt tình việc hội

Bước vào nhà chị Thắm, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hai bức tường phòng khách được treo đầy bằng khen và giấy khen. Trong đó, có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc xuất sắc, Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về danh hiệu phụ nữ xuất sắc toàn quốc cho cá nhân chị Thắm… Thấy chúng tôi tò mò, chị Thắm giới thiệu: “Bên trái là giấy khen của 2 đứa con, bên phải là bằng khen, giấy khen của chị và gia đình. Treo vậy để nhắc nhở mỗi thành viên phải luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để duy trì truyền thống gia đình”.

Nói về quá trình đến với công tác hội, chị Thắm kể, trước đây nhiều phụ nữ thôn An Truyền không biết Hội LHPN là gì; mỗi lần tổ chức sinh hoạt, hội phải thành lập đoàn đi vận động. Lúc đó, chị cũng nằm trong đối tượng được vận động. Qua các buổi sinh hoạt, chị biết được vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới không chỉ là người vợ ngoan hiền, người mẹ tốt, mà phải có những đóng góp cho xã hội. Từ đó, không đợt sinh hoạt nào chị vắng mặt. Chị còn tích cực vận động người thân, hàng xóm cùng đi. Với sự năng nổ, nhiệt tình của mình, chị Thắm được chị em tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ thôn An Truyền.

Dẫu biết đây là công việc “vác tù và” nhưng chị chưa bao giờ lơi là nhiệm vụ. Mặt khác, chị còn chịu khó tìm hiểu tâm lý hội viên để có cách vận động, tập hợp cho hiệu quả. “Sáng, trưa hay chiều tối, bất cứ chị em rảnh giờ nào, tôi đều sắp xếp công việc bản thân để tổ chức sinh hoạt hội theo giờ đó”, chị Thắm nói.

Theo chị Thắm, vận động được chị em đi họp đã khó nhưng để chị em tập trung lắng nghe các nội dung sinh hoạt càng khó hơn. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt, chị luôn cụ thể hóa các phong trào hội thành những câu chuyện, những tình huống sát sườn, gần gũi với chị em như: cách dạy con cái, cách buôn bán để đắt hàng, cách xử lý tình huống khi vợ chồng xảy ra xung đột …. Đối với các hội viên khó khăn về kinh tế, chị tìm cách gỡ khó cùng họ thông qua giới thiệu vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, qua Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo. Thậm chí, nhiều hội viên nuôi trồng thủy sản thiếu vốn đầu tư nhưng lại không nằm trong đối tượng được vay vốn ưu đãi, chị Thắm đã đích thân lấy tiền của mình cho vay không lấy lãi. Hiện nay, chị đang cho vay không lãi hơn 100 triệu đồng. Những gia đình không may rơi vào hoàn cảnh “cơm không lành canh không ngọt” chị Thắm cũng thường xuyên qua lại tỉ tê cả chồng lẫn vợ để làm hòa cho bằng được.

Với nhiệt tình, tận tâm của chị Thắm, số phụ nữ tham gia sinh hoạt hội phụ nữ ngày càng đông. “Nếu trước đây mỗi lần tổ chức sinh hoạt phải đi vận động từng người thì nay chỉ cần gửi giấy mời là các chị chủ động tham gia”, chị Thắm tự hào. Đó cũng là lý do năm 2014 chị Thắm lại được hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An.

Đảm đang việc nhà

Muốn nói người khác nghe trước hết phải làm tốt những gì mình nói, vì vậy, ngoài công việc hội, chị Thắm luôn nỗ lực để làm trọn việc nhà. Chị tâm sự, tuy công tác hội chiếm phần lớn thời gian nhưng thu nhập lại không đủ để chi tiêu trong gia đình nên phải bươn chải để có thêm thu nhập.

3h sáng, khi mọi người trong xóm đang chìm trong giấc ngủ, người cán bộ hội này đã phải vượt đường xa xuống các vùng đầm phá chở hàng chục kg tôm, cua, cá, ghẹ đem bỏ lại cho các thương lái tại các chợ. “Công việc tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập từ 60 -70 triệu đồng mỗi năm. Điều quan trọng hơn là nó không ảnh hưởng đến thời gian công tác hội cũng như chăm sóc gia đình của tôi”, chị Thắm chia sẻ. Bên cạnh việc buôn bán, người phụ nữ hay lam, hay làm này còn làm thêm 8 sào ruộng và đầu tư nuôi trồng thủy hải sản. Nỗ lực của chị Thắm cộng với nguồn thu từ tiệm sửa xe của chồng giúp gia đình chị có thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng. May mắn lớn nhất của chị là luôn được chồng con ủng hộ. “Thấy tôi làm tốt công tác xã hội, chồng tôi rất tự hào. Anh thường động viên và giúp đỡ tôi việc nhà. Hầu hết các cuộc thi tôi tham gia anh đều có mặt để ủng hộ, động viên. Hai đứa con, đứa lớn học lớp 12, đứa nhỏ học lớp 6 năm nào cũng đều đạt học sinh giỏi toàn diện của trường. Không chỉ tự giác học tập, các con còn tranh thủ thời gian rảnh phụ mẹ làm việc vặt. Đây là động lực lớn nhất giúp tôi làm tốt được nhiệm vụ của gia đình và xã hội”, chị Thắm tâm sự.

Hải Thuận

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top