ClockThứ Bảy, 09/04/2022 13:45

Chuyện đáng suy nghĩ

TTH - Mặc dù “vắng lặng” bởi nhiều dãy ghế trống, nhưng phiên tòa “đòi lại đất cho ở nhờ” do TAND TP. Huế xét xử hôm ấy căng thẳng, nặng nề hơn rất nhiều lần, cũng buồn hơn rất nhiều, bởi các bên đương sự là những người cùng gia đình, là ruột thịt.

Cải cách tư pháp: Nâng cao chất lượng xét xửMỗi hội thẩm nhân dân tỉnh tham gia xét xử bình quân 47 vụ án

Nguyên đơn là bố, mẹ. Bị đơn là con gái và con rể. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các người con khác. Để đòi lại đất đã cho vợ chồng con gái dựng nhà ở, phía nguyên đơn bỏ số tiền không nhỏ thuê hẳn hai luật sư.

Theo nguyên đơn: Thửa đất  hơn 600m2 của nguyên đơn đã được UBND TP. Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trên thửa đất này, vào năm 1994, vợ chồng nguyên đơn cho bị đơn - là con gái và con rể dựng nhà tạm bằng tôn, diện tích 60m2. Tuy nhiên, quá trình ở trên đất, con rể thường xuyên say xỉn, quấy rối cha mẹ vợ. Vợ chồng nguyên đơn đã nhiều lần báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Cam kết đến năm 2012 sẽ tháo dỡ nhà, trả lại diện tích đất nói trên, nhưng đến nay vợ chồng con gái, con rể vẫn còn đang ở, không chịu trả lại cho cha mẹ.

Bị đơn thì cho rằng được cha mẹ cho đất, dựng nhà tạm ở, nhưng khi cho chỉ “cho miệng” chứ không lập văn bản gì. Khi cha mẹ cho đất, nơi diện tích vợ chồng bị đơn dựng nhà ở là cái hồ sâu khoảng 2m. Vợ chồng bị đơn đã bồi đất, làm nhà ở cho đến nay. Quá trình ở đây, vợ chồng bị đơn đều đưa tiền để cha mẹ đóng thuế đất cho Nhà nước, khoảng 3 năm trở lại đây, do cha mẹ đòi lại đất nên không thu tiền thuế nữa. Nếu cha mẹ yêu cầu tháo dỡ nhà, trả lại quyền sử dụng đất, thì vợ chồng bị đơn yêu cầu cha mẹ bồi thường một nơi ở mới.

Vợ chồng nguyên đơn có 4 người con. Trên thửa đất nêu trên của mình, ông bà cho vợ chồng một người con trai dựng nhà ở (con trai ruột của vợ chồng nguyên đơn đã mất, còn lại con dâu và các cháu đang ở). Một người con trai khác ở chung nhà với cha mẹ. Một người con gái lấy chồng, ở nơi khác. Người con gái còn lại - hiện đang ở nhờ trên thửa đất - là bị đơn trong vụ án - đang bị cha mẹ khởi kiện đòi lại đất cho ở nhờ.

Ngoại trừ người con dâu (chồng đã mất) - người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, cũng là người đại diện theo ủy quyền của mẹ chồng - đứng về phía nguyên đơn, trình bày với tòa án rằng, không có ý kiến gì về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đề nghị tòa giải quyết theo quy định của pháp luật. Vợ chồng nguyên đơn và người con dâu này yêu cầu tòa án buộc vợ chồng bị đơn và các con (tức các cháu ngoại của vợ chồng nguyên đơn) trả lại quyền sử dụng đất đối với diện tích gần 60m2 hiện vợ chồng bị đơn đang dựng nhà ở. Do thấy hoàn cảnh vợ chồng bị đơn khó khăn, nên phía nguyên đơn tự nguyện hỗ trợ 30 triệu đồng để bị đơn tháo dỡ nhà, đi khỏi thửa đất.  

Còn những người em trai, em gái khác của bị đơn thì lại mong muốn cha mẹ cho vợ chồng chị gái tiếp tục ở lại trên thửa đất. Nữ thẩm phán giải quyết vụ án chia sẻ rằng, trước khi đưa vụ án ra xét xử, bản thân chị đã kiên trì thực hiện rất nhiều phiên hòa giải. Trước khi áp dụng các quy định của pháp luật dân sự, chị muốn hai bên đương sự thông qua hòa giải, đạt được tiếng nói chung bằng cái tình. Điều đó là “tôn chỉ” của tòa án, của những người làm công tác xét xử khi giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, để giảm thiểu, hàn gắn những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống, cộng đồng, xã hội. Huống chi vụ án này, các bên nguyên đơn và bị đơn lại là cha mẹ ruột và con gái ruột, con rể. Những người cháu ngoại cũng phải chịu ảnh hưởng. Vậy nên, tòa án mong muốn “bảo toàn” tình cảm ruột thịt, để không ảnh hưởng xấu đến thế hệ sau của các đương sự.

Thế nhưng điều đáng buồn là, vợ chồng nguyên đơn vẫn nhất quyết giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nhất quyết không cho con gái, con rể ở, mà đòi lại đất.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn và 4 người con của họ hiện đang sinh sống trong ngôi nhà tạm, trả lại quyền sử dụng đất gần 60m2. Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn về việc thanh toán chi phí di dời cho bị đơn, đồng thời hội đồng xét xử cũng buộc nguyên đơn có nghĩa vụ thanh toán cho bị đơn 90 triệu đồng, tổng cộng là 120 triệu đồng, để tháo dỡ nhà và di chuyển đến nơi ở mới.

Nữ thẩm phán bộc bạch rằng, các vụ án do những người ruột thịt tranh chấp nhau, nhất là giữa cha mẹ với con cái, luôn là điều day dứt không chỉ riêng đối với những người làm công tác xét xử; không chỉ ảnh hưởng không tốt đến những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội. Sau khi vụ án này được TAND TP. Huế xét xử sơ thẩm, bị đơn đã chấp nhận quyết định của tòa án, không kháng cáo. Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng nếu như nguyên đơn suy nghĩ lại, mở lòng, tạo điều kiện, để con cháu có cuộc sống ổn định hơn, thì thật đáng mừng.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chông Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án
Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù

Chiều 12/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất mua túy” đối với hai bị cáo Trần Viết Thanh và Nguyễn Thị Anh Thi (cùng SN 2000, là vợ chồng, cùng trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế).

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù
Tăng cường niềm tin của Nhân dân vào công lý, công bằng xã hội

Chiều 26/2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi nói chuyện với đội ngũ cán bộ ngành tòa án toàn tỉnh chuyên đề về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng ngành tòa án Nhân dân 2 cấp.

Tăng cường niềm tin của Nhân dân vào công lý, công bằng xã hội
Return to top