ClockChủ Nhật, 06/10/2019 07:53

Chuyến đi xa đầu tiên của mẹ

TTH - Cả đời mẹ chẳng bao giờ rời khỏi nơi chốn mình ở. Mẹ nói, mẹ ngại đến một nơi lạ, phố lạ, người lạ. Giờ mẹ có chuyến đi xa, đó là chuyến đi xa đầu tiên của mẹ.

Mưa không còn buồn

Mẹ có 6 đứa con, đó cũng là lý do mẹ chẳng đi đâu ra khỏi nơi mình ở. Mẹ làm vợ khi mới lớn, đôi mắt còn nhìn đời ngơ ngác và thậm chí chưa hề biết yêu. Khi mẹ 19 tuổi, ba nhờ người mai mối qua trầu cau dạm hỏi. Hai nhà qua bà mối bàn chuyện như thể mẹ chẳng liên quan đến cuộc hôn nhân này, họ bàn tính rất mau chóng, rồi hai tháng sau thì mẹ về làm vợ ba. Ba là người đàn ông giỏi giang, mới 30 tuổi mà đã tạo nên cơ nghiệp với nghề cầu đường. Tình cờ, một lần làm đường qua nơi mẹ ở, gặp cô gái nhỏ xíu xiu chăm bón vườn rau, giả vờ vào hỏi mua rau rồi xiêu lòng vì cái tính hiền lành của mẹ. Nghe nói đám cưới của ba và mẹ rất to so với thời đó, có cả ô tô mấy chiếc rước đi qua các vườn rau khiến cả làng đổ ra xem, vui như ngày hội. Mọi người xuýt xoa nói mẹ lấy chồng giàu, dẫu ba hơn mẹ tới 11 tuổi.

Nhưng những ngày làm vợ của mẹ là những ngày cô đơn. Ba là một kỹ sư cầu đường, những ngày vắng nhà của ba nhiều hơn những ngày ở nhà. Mẹ làm vợ không có tuần trăng mật, cũng chẳng có những chuyến rong chơi. Mẹ không biết đi xe đạp, lại không thích lên chiếc ô tô của ba để đi đây đi đó. Mẹ chỉ quanh quẩn ở nhà, thêu thùa may vá, chăm con. Mẹ đi chợ rồi nấu ăn, sinh nở rồi tự lo cho năm đứa con khôn lớn. Mẹ lo cho ba nước ấm buổi sáng lau mặt, tự vào bếp nấu đồ ăn sáng cho ba. Mẹ quen những đêm nằm một mình trong căn phòng đẹp nhưng lạnh lẽo, còn ba thì lại đang ở một phương trời nào đó.

Sáu đứa con lớn lên, hết năm đứa lấy chồng lấy vợ, đứa đi học xa. Thỉnh thoảng đứa nào rảnh thì phóng xe về nếu ở gần, còn ở xa thì chọn ngày lễ tết. Về nhà vẫn thấy mẹ đi từ nhà bếp lên phòng khách, đi từ phòng khách ra sân thượng, từ nhà ra chợ. Ngày tháng cứ gõ nhịp trôi qua như thể tất cả các cây kim đồng hồ vẫn đều đặn quay vòng, không quan tâm đến đất trời bốn mùa thay đổi. Ba làm ăn như thế nào có thể chỉ mình ba biết, bởi ba chưa hề chia sẻ với mẹ công việc của mình. Hai vợ chồng sống với nhau như thể là hai người ở hai hành tinh gộp lại.

Mẹ là người con gái đẹp, chính vì vậy mà chị em tôi thừa hưởng nhan sắc của mẹ. Trong câu chuyện này, tôi muốn nói đến Tân. Bao nhiêu lần, Tân giục: “Mình lấy nhau đi em”. Tôi bảo: “Anh đợi vài năm nữa”. Tân và tôi quen nhau dễ chừng đã bảy năm, từ cái thuở còn học cấp ba, hay rủ nhau đi ăn gỏi bò khô ở đường Hàn Thuyên. Hai đứa quen từng cơn mưa nắng thành phố, quen từng đêm giao thừa hẹn nhau ra quảng trường trung tâm xem pháo hoa. Mẹ luôn không ngăn cản chuyện tình yêu của những đứa con, mẹ chỉ bảo: Mẹ mong cho tất cả con cái đều hạnh phúc, không thể nào sống như mẹ.

Khi tôi 20 tuổi thì ba và mẹ chia tay nhau. Một người vợ dẫu an phận cũng không thể chấp nhận một người chồng tự do dan díu với người đàn bà khác. Ba rời khỏi căn nhà quen, về một căn nhà khác. Mẹ ở lại trong căn nhà với hai đứa con gái út. Mẹ mở một hàng tạp hóa nhỏ theo lời khuyên của con cái, để có người ra vô, để thấy người ngoài đường, để vui buồn cứ thế trôi qua ở cái tuổi 60 của mẹ.

Tôi bảo mẹ đi với tôi cùng Tân, cùng mấy anh chị em đi đưa dâu. Mẹ hỏi: “Đi đâu?” Tôi cười: “Dạ, Đà Nẵng”. Mẹ bảo: “Xa quá, chưa bao giờ mẹ đi xa như thế”. Nhưng tôi cũng đưa mẹ đi, đó là chuyến đi đầu tiên của mẹ. Mẹ ra khỏi nhà, một cuộc hành trình hiếm hoi sau hơn 40 năm làm vợ, làm mẹ.

Đà Nẵng đón mẹ bằng một ngày nắng. Sông Hàn nhẹ nhàng vỗ nước với màu xanh lạ. Buổi sáng đầu tiên ở khách sạn, mẹ thức dậy sớm như ở nhà. Mẹ vui như mẹ chưa từng vui khi mở cánh của sổ phòng, nhìn xuống con phố với hai hàng cây xanh đang chuẩn bị đón những tia nắng vàng đầu ngày. Tôi lấy đồ trang điểm cho mẹ. Mẹ mắc cỡ: “Trời ơi, mẹ có bao giờ dùng son phấn đâu?”. Mẹ thật đẹp khi trên gương mặt mẹ thêm một lớp phấn hồng.

Đó cũng là lần đầu tiên mẹ đi cáp treo. Mẹ ngồi trong ca bin nhìn xuống dưới khi chúng tôi lên Bà Nà. Tôi nhìn thấy trong gương mặt mẹ toát lên sự rạng rỡ. Đó là lần đầu tiên mẹ cầm thực đơn nhà hàng gọi món. Mẹ tặc lưỡi: “Trời ơi, giá cả mắc quá, để về nhà mẹ ra chợ mua về nấu ăn cho rẻ”. Và đó cũng là lần đầu tiên đôi mắt mẹ đọng những giọt lệ mừng vui khi mẹ đại diện cho bên gái khi đến nhà trai. Tay mẹ run run khi nắm tay tôi. Bàn tay ấy như muốn nắm mãi bàn tay con gái bé bỏng của mẹ, không rời.

***

Mẹ có sáu đứa con, sáu đứa con đều do tay mẹ nuôi khôn lớn. Sáu đứa con đã lấy hết tuổi thanh xuân của mẹ. Mẹ thoát ra khỏi thế giới chật chội ấy rất muộn màng, còn tôi và Tân quyết định sẽ ở chung với mẹ sau khi đám cưới. Tân nói vui với tôi: “Anh làm rể nhà em nhé!”

Buổi chiều thành phố như rộn ràng hơn. Mẹ nói với tôi: “Con chở mẹ đi thăm ba con đi, kêu ổng trở về”. Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ, thì ra mẹ đã biết người đàn bà của ba đã phụ bạc ba đi theo một người đàn ông khác. Bây giờ ba đang bệnh và rất buồn, nhưng ba không dám trở về. Chúng tôi đã giấu mẹ chuyện này, vì sợ mẹ giận. Bởi mẹ bảo rằng không bao giờ được nhắc ba trước mặt mẹ, từ ngày ba bước ra khỏi căn nhà này.

Mẹ bảo tôi chở ra chợ, mẹ mua ít trái cây, mẹ mua thêm mấy chiếc bánh bao ở cửa hàng chợ Đầm, đây là bánh bao ba rất thích.

Cánh cửa nhà ba không chốt, cánh cửa được mở ra trong một cái đẩy nhẹ. Bóng tối và ánh sáng đang trộn lẫn ở góc nhà. Ba và mẹ gặp nhau sau mấy năm lìa chia. Dường như mẹ đã bỏ hết những oán hờn với ba, mẹ quên những đớn đau mà mẹ từng nhận lấy, vì mẹ đã thoát ra khỏi căn nhà, lòng mẹ thênh thang sau chuyến đi Đà Nẵng. Tôi nghe mẹ nói rất khẽ với ba: “Ông về đi, để tôi còn lo cho ông!”.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI

Ngày 21/3 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" để mang lại lợi ích là sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI
Return to top