ClockThứ Năm, 13/04/2017 10:53
Khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ bảy, khóa XV:

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu nền kinh tế để hội nhập

TTH.VN - Sáng 13/4, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ bảy, khóa XV chính thức khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, hội nhập kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh là hai nhiệm vụ quan trọng có quan hệ mật thiết với nhau. Muốn hội nhập chúng ta phải cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về chuyển đổi mô hình tăng trưởng xác định, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường; nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị, hội nghị cần bám sát Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV để thảo luận, cho ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế; giữ vững quốc phòng - an ninh trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới; cho ý kiến về các nhiệm vụ giải pháp, lộ trình và cách thức tổ chức thực hiện để tái cơ cấu lại nền kinh tế. Về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ đã họp nhiều phiên, lấy ý kiến của các ban xây dựng Đảng để trình Tỉnh ủy, đề nghị đại biểu phát biểu tại hội nghị hoặc tham gia trực tiếp vào văn bản để hoàn chỉnh, thống nhất ban hành. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vì vậy, Ban Thường vụ đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị Đề án trình Tỉnh ủy cho ý kiến để ban hành kết luận, nhằm đảm bảo tính định hướng và cơ sở pháp lý để tổ chức luân chuyển, điều động, đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Sau phần khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, hội nghị nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà trình bày tờ trình về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trình bày Tờ trình về phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2020.

Sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng nền kinh tế tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trung bình của cả nước (10,10%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và phù hợp với những lợi thế so sánh của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục; tỷ trọng trong GDP của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 19,68% năm 2007 xuống còn 10,50% năm 2016, của ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 31,85% năm 2007 lên 32,60% năm 2016, của ngành dịch vụ cũng tăng lên đáng kể từ 48,47% năm 2007 lên 56,9% năm 2016; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4,4 lần, đạt 2.020 USD vào năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 717 triệu USD, tăng gấp 8,5 lần; các lĩnh vực văn hóa, y tế, xóa đói giảm nghèo đều có những tiến bộ, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Để tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội toàn diện, bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên như: hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông; hạ tầng văn hoá, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã dần được hoàn thiện; công tác đầu tư, quản lý và khai thác sử dụng công trình được tăng cường; nguồn lực xã hội được huy động đảm bảo cân đối giữa lợi ích xã hội, Nhà nước và các bên tham gia. Thời gian qua, tình hình công tác hỗ trợ kêu gọi đầu tư của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư...

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thừa Thiên vẫn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế tăng lên đáng kể, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, năng suất lao động xã hội còn thấp; sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, nguy cơ tụt hậu về kinh tế ngày càng xa; thu ngân sách địa phương và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Về phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thừa Thiên Huế đến năm 2020 cho thấy, mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, bền vững và năng lực cạnh tranh, ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, có hàng hóa quy mô lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Năm 2016, tỷ lệ kênh mương được kiến cố hóa đạt 74%, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh 96% (trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 77%), tỷ lệ hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh 86%, tất cả các chỉ tiêu trên đều tăng 1% so với năm 2015…

Các đại biểu tham gia hội nghị 

Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm để gia tăng sự hưởng thụ và chi tiêu của du khách. Sản xuất công nghiệp khó khăn; các sản phẩm chủ lực của tỉnh như bia, xi măng chịu sự cạnh tranh gay gắt. Sự cố môi trường biểnvẫn còn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của Nhân dân; tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tăng quy mô đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn do công tác tổ chức, các chính sách về đất đai, đền bù, tái định cư còn nhiều bất cập. Công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cho xây dựng, chỉnh trang các đô thị và phát triển sản xuất kinh doanh khó khăn, cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước thực tế đó, hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến, đề ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thừa Thiên Huế đến năm 2020 đạt kết quả cao.

Chiều cùng ngày, hội nghị họp phiên nội bộ để triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XII) và biện pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quy hoạch, luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025; công tác quy hoạch cán bộ, công tác cán bộ.

.                                                       Tin, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 200 học sinh, giáo viên thi đấu cờ vua, cờ tướng tranh cúp Hương Giang

Sáng 30/3, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên đoàn Cờ tỉnh và Trường trung cấp Thể dục Thể thao Huế khai mạc Giải Cờ vua, Cờ tướng cho học sinh và giáo viên tiểu học năm học 2023 - 2024. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã đến dự.

Gần 200 học sinh, giáo viên thi đấu cờ vua, cờ tướng tranh cúp Hương Giang
Return to top