ClockThứ Ba, 17/01/2023 06:15

Chuyển đổi số y tế: Ngành nâng chất lượng, dân lợi nhiều đường

TTH - Chuyển đổi số giúp người dân “bình đẳng” và thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Cung cấp các dịch vụ số tốt chính là góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Hướng tới chuyển đổi số trong toàn ngành y tếĐề xuất nhiều giải pháp công nghệ để nâng chất hoạt động khám, chữa bệnh

Ký kết ứng dụng AI và công nghệ cao vào hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế

Chủ động thay đổi

Bị vết thương trong lúc lao động, anh Lê. V. Đ. cấp tốc đến Phòng khám đa khoa (PKĐK) Lộc An, Phú Lộc trình theo thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và được thực hiện nhanh gọn thủ tục, xử lý vết thương, băng bó rồi về nhà. Anh Đ. nói: “Thật tiện lợi, đỡ tốn thời gian công sức cho bệnh nhân. Tôi rất ủng hộ chủ trương áp dụng công nghệ của ngành y tế”.

Tính đến giữa tháng 12/2022, toàn tỉnh có 130/187 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện sử dụng CCCD có gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) với tổng số lượt tra cứu 18.189 và số lượng tra cứu thành công 13.010 lượt. Đây là nỗ lực của ngành y tế, BHXH tỉnh cùng các đơn vị thực hiện chuyển đổi số theo Đề án 06 của Chính phủ về chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.

Không chỉ đẩy mạnh việc sử dụng CCCD gắn chip trong KCB, các đơn vị y tế đã chủ động trong chuyển đổi số. Tháng 1/2023, TTYT Phú Lộc kết nối kết quả cận lâm sàng và chuyển dữ liệu này lên bảo hiểm xã hội. “Ngoài kết nối các máy cận lâm sàng, triển khai cho bác sĩ – điều dưỡng thao tác thuần thục, một điều quan trọng khác là đồng bộ phần cứng và đường mạng để “thông tuyến” giữa các bộ phận khi chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân”, anh Phạm Duy, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) của TTYT Phú Lộc cho hay.

Hướng dẫn thông tuyến dữ liệu cận lâm sàng tại các bộ phận ở Trung tâm Y tế Phú Lộc

Từ năm 2021, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế triển khai ứng dụng “Trợ lý ảo AI” DrAid™ của VinBrain vào hoạt động KCB hàng ngày. Sau 18 tháng tích hợp DrAid™ vào PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) của bệnh viện, gần 67.000 hình ảnh được tải lên. DrAid™ đã sàng lọc, xác định 71% hình ảnh không có bất thường. Ứng dụng AI trong y tế không dừng ở việc cung cấp các dịch vụ KCB từ xa, theo dõi bệnh án trực tuyến mà còn phát hiện các tổn thương nhỏ khó nhìn thấy, giảm thiểu các sai sót trong chẩn đoán. DrAid™ còn cung cấp thêm các thông tin khoanh vùng tổn thương, bản đồ nhiệt tổn thương, giúp bác sĩ quan sát kỹ hơn và tăng độ chính xác. BV và Công ty Cổ phần VinBrain tiếp tục hợp tác để triển khai các chương trình hợp tác sâu rộng hơn trong công tác chuyển đổi số, xây dựng bệnh viện thông minh và nghiên cứu khoa học. “Đây là những thay đổi lớn tại BVTW Huế khi hướng tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, ứng dụng AI trong các hoạt động KCB tại Bệnh viện”, GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế khẳng định.

Chuyển đổi số trong toàn ngành

Năm 2022, ngành y tế triển khai nhiều kế hoạch, quyết định phục vụ công tác chuyển đổi số, như: Triển khai các nền tảng quốc gia và hệ thống của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19; áp dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia cho 175 cơ sở, gồm 141 trạm y tế xã, 14 cơ sở tiêm chủng, 16 cơ sở tiêm chủng dịch vụ. 100% đơn vị khám, chữa bệnh đã triển khai áp dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý KCB và thanh toán BHYT. Triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý KCB, KCB từ xa… Cuối năm 2022, số hồ sơ liên thông đúng 24 giờ đạt 92,8%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB và thanh toán BHYT tạo ra một bước chuyển mạnh và mang lại nhiều lợi ích như giảm áp lực cho đội ngũ, xóa khoảng cách vùng, miền, tiết giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ…

PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, trên 95% người dân của tỉnh có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử là cơ sở quan trọng và nền tảng để ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế trong thời gian tới. Năm 2023, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số trong toàn ngành y tế đồng thời tăng đầu tư các dự án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, nhiều mục tiêu được đặt ra: 100% các bệnh viện triển khai nền tảng tư vấn KCB từ xa và đăng ký KCB từ xa. 100% đơn vị khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, tập trung thanh toán bằng mã QR Hue-S. 100% các cơ sở KCB triển khai hệ thống đơn thuốc điện tử. 100% nhà thuốc, quầy thuốc kết nối liên thông dữ liệu dược quốc gia. 100% đơn vị tuyến huyện trở lên triển khai đơn thuốc điện tử.

Trong chuyển đổi số y tế, con người là khâu then chốt. Nhằm giải quyết vấn đề nhân lực phục vụ chuyển đổi số, Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiện toàn Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành; 100% đơn vị có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có bằng đại học trở lên; Tập huấn nâng cao nghiệp vụ; Cung cấp một số nội dung về theo dõi, chăm sóc sức khỏe, tư vấn sức khỏe, cảnh báo dịch bệnh kết nối vào ứng dụng Hue-S.

Tuy vậy, nhân lực CNTT căn cứ theo Thông tư 53/2014/TT-BYT về kiện toàn hệ thống tổ chức công nghệ thông tin trong các đơn vị sự nghiệp y tế, nhưng không quy định đơn vị quản lý Nhà nước. Chưa có quy định giá thành CNTT được tính vào giá thành dịch vụ KCB nên thiếu hoặc không bảo đảm kinh phí đầu tư, duy trì hoạt động ứng dụng CNTT. Việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe, KCB từ xa chưa có quy định giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT nên việc triển khai còn chậm. Theo lãnh đạo Sở Y tế, những khó khăn này đã được nhận diện trong quá trình triển khai, ngành sẽ tìm cách tháo gỡ để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi số.

Bài: Linh Tuệ

Ảnh: Thượng Hiển - Linh Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm

Tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường của sinh viên chính là “thước đo” quan trọng nhất để khẳng định chất lượng đào tạo. Đây cũng là yếu tố quyết định thu hút người học của các cơ sở đào tạo đại học.

Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm
Chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024. Với thông điệp “Kết nối- Chia sẻ- Đồng hành”, hội nghị thể hiện sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ Y tế trong việc kết nối giữa Trung ương và địa phương trong công tác chuyển đổi số y tế.

Chuyển đổi số để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời
Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 công tác triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của TP. Huế cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện các TTHC nhanh chóng và hiệu quả.

Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính

TIN MỚI

Return to top