ClockThứ Năm, 05/01/2017 05:51

Chuyển đổi, tạo nghề mới cho ngư dân

TTH - Sau chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển, các địa phương đang tìm giải pháp chuyển đổi, tạo nghề mới cho ngư dân ổn định sản xuất và cuộc sống.

Trang trại gà, mô hình phù hợp vùng cát

Hỗ trợ kinh phí các mô hình thí điểm

Chủ tịch UBND xã Điền Hòa (Phong Điền) Nguyễn Đăng Phúc thông tin, địa phương có hai thôn ven biển, lâu nay chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, thuyền nằm bờ kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Dù vậy, đánh bắt hải sản vẫn được xác định là nghề chính trong phát triển kinh tế gia đình của nhiều ngư dân, cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên trước yêu cầu mới, ngư dân cần đa dạng hóa ngành nghề nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, tạo cơ hội vươn lên khá giả và bền vững. Tại địa phương đang triển khai một số mô hình trang trại chăn nuôi bò, lợn trên vùng cát ven biển, song do ngân sách hạn chế nên chỉ mới dừng lại một số ít mô hình thí điểm.

Sau khi khảo sát, đánh giá tiềm năng, từ tháng 6/2016, xã Điền Hòa đã báo cáo, đề xuất với huyện Phong Điền về phương án chuyển đổi, tạo thêm nghề mới cho ngư dân. Các ngành nghề chính được xác định là mở rộng quy mô chế biến nước mắm truyền thống và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khó khăn lớn đối với địa phương là kinh phí thực hiện mô hình thí điểm, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho người dân. Mỗi mô hình trình diễn cần ít nhất 100 triệu đồng trở lên. Trong khi mở rộng quy mô sản xuất thì đầu ra cho sản phẩm là một khó khăn đối với địa phương và người dân.

Mô hình nuôi heo phù hợp với vùng cát Quảng Điền, Phong Điền

Vùng ven biển các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) cũng có tiềm năng, lợi thế tương tự. Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công-Võ Đông Thi cho rằng, với nghề biển, đảng ủy, chính quyền địa phương đã có kế hoạch tổ chức, hướng dẫn ngư dân tạo rạn (chum) ở vùng biển gần bờ, làm nơi trú ngụ, bãi đẻ cho cá nhằm tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Khi nguồn lợi hải sản gần bờ được tái tạo, sinh sôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó là đa dạng nghề đánh bắt, mở rộng quy mô lưới cụ, nâng công suất thuyền nhằm đánh bắt xa bờ hơn. Chính quyền địa phương đang vận động ngư dân, sau khi nhận tiền bồi thường cần đầu tư mua sắm, mở rộng ngư cụ đánh bắt các loại hải sản có giá trị kinh tế cao.

Chế biến nước mắm cũng là một hướng phát triển kinh tế biển của địa phương. Xã Quảng Công đã hình thành làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Tân Thành, sắp đến sẽ mở rộng thêm làng nghề chế biến hải sản An Lộc, quy mô khoảng 400 hộ. Đồng thời, mở rộng diện tích, quy mô trồng cây thanh long, nuôi lợn nái trên vùng cát ven biển. Ông Võ Đông Thi kiến nghị, ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình thí điểm, trình diễn, các cấp, ngành cần quan tâm đào tạo nghề, xuất khẩu lao động sang các nước có tiềm năng, như Nhật Bản... Tại địa phương cần có một cơ sở, hay chi nhánh may gia dụng nhằm tạo việc làm cho khoảng 200 lao động.

Chọn ngành nghề phù hợp

Đến ngày 21/12, xã Phong Hải (Phong Điền) là địa phương cuối cùng trong số 29 xã toàn tỉnh đã triển khai chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển. Vài ngày nữa, công tác bồi thường đợt 1 trên toàn tỉnh sẽ hoàn tất với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đình Đức cho rằng, quan điểm của tỉnh trong việc chuyển đổi, tạo nghề mới cho ngư dân trên cơ sở thực tế tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và năng lực, trình độ của người lao động. Từ đó, các ban ngành tổ chức đào tạo các ngành nghề truyền thống, được xác định phù hợp, như đan lưới, đan lát, may mặc, sửa chữa máy tàu, cơ khí, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả…

Sau chi trả tiền bồi thường, các địa phương khẩn trương bắt tay vào việc chuyển đổi, tạo nghề mới cho ngư dân đảm bảo ổn định cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho nói: Các xã ven biển Ngũ Điền trải dài hàng chục cây số, với diện tích hàng ngàn ha. Vùng cát giờ đây đã phủ xanh các loại keo, tràm, dương liễu, chống cát bay, che chắn gió chính là tiềm năng, lợi thế cho việc khai thác, quy hoạch phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, mô hình chăn nuôi trang trại lợn, gà, hay nuôi đà điểu được xác định là tiềm năng lớn. Những mô hình này phù hợp với trình độ, năng lực của nhiều hộ ngư dân. Sau khi hoàn thiện đề án khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho ngư dân, huyện Phong Điền sẽ trình UBND tỉnh, có chính sách đầu tư, hỗ trợ ngư dân phát triển các mô hình.

Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang cho biết, cùng với các huyện, thị xã, huyện Phú Vang cũng đang xây dựng đề án khôi phục, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Các địa phương vùng bãi ngang trên địa bàn huyện định hướng khai thác, đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trên địa bàn cần có một số cơ sở may nhằm tạo việc làm cho lao động tại các địa phương. Riêng đối với tàu, thuyền đánh bắt xa bờ tại các xã: Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An, từng bước cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, đa dạng ngư lưới cụ hiện đại, vươn khơi nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài

Theo nội dung của chiến dịch mới của chính phủ Thái Lan nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch nước ngoài khi họ đến nước này du lịch, du khách sẽ nhận được bảo hiểm y tế lên đến 500.000 Bath (hơn 13.800 USD) nếu xảy ra tai nạn ở Thái Lan và được bồi thường lên tới 1 triệu Bath (hơn 27.700 USD) trong trường hợp tử vong.

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài
Return to top