ClockThứ Sáu, 11/12/2020 06:30

Chuyển giao, đổi mới công nghệ: Xu thế tất yếu để doanh nghiệp phát triển

TTH - Chuyển giao, đổi mới công nghệ (ĐMCN) là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chiến lược này, các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế đang vẫn trong thế yếu và thiếu.

Triển lãm, giới thiệu sản phẩm công nghệ - khởi nghiệp đổi mới sáng tạoĐổi mới công nghệ ở Đồng Lâm

Lãnh đạo DN trẻ Thừa Thiên Huế tiếp cận thiết bị công nghệ mới bên lề Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc năm 2020 tại TP. Huế

Đầu tư đúng, hiệu quả cao

Trước yêu cầu đổi mới sản xuất kinh doanh thời hội nhập, Nhà máy xi măng Đồng Lâm đã có giải pháp ĐMCN trên tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Cụ thể, trong khâu tổ chức sản xuất, nhà máy này đã chọn dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ dựa trên công nghệ lò quay tiên tiến. Các thiết bị hiện đại với hệ thống tự động hóa cao, được điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, các khâu sản xuất đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo về chất lượng. Toàn bộ dây chuyền đều được trang bị thiết bị lọc nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và vệ sinh trong sản xuất công nghiệp. Chính điều này đã tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy.

Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế ở Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô tìm hướng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng giải phảp ĐMCN. Theo ông Huỳnh Thặng, Giám đốc công ty, đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh chế biến sản phẩm dăm gỗ thô xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng trước đây thiết bị máy móc phụ trợ lạc hậu, hoạt động vận chuyển hàng với hình thức thủ công, bằng sức lao động của công nhân là chủ yếu dẫn đến mất nhiều thời gian, chi phí cho đơn vị.

Khắc phục những hạn chế trên, đơn vị đầu tư hai robot tự động bốc hàng với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, với công suất cao gấp 4-5 lần so với sử dụng sức người. Trước đây, khâu vận chuyển với thiết bị băng chuyền cũ để vận chuyển 300 tấn hàng/ngày cần thêm 30 lao động, nay có hai robot hỗ trợ chỉ cần 4 lao động điều khiển.

"Với sự trợ giúp của Robot không chỉ rút ngắn thời gian sản xuất mà còn cải thiện được năng suất lao động, nâng cao chất lượng hiệu quả cho đơn vị, nhất là giảm thiểu những rủi ro tai nạn từ quá trình vận chuyển, bảo đảm an toàn cho quá trình sản xuất" - ông Thặng chia sẻ.

"Phải đi mới đến"

Những hội nghị, hội thảo "Thúc đẩy đổi mới công nghệ trong DN" do Sở Khoa học và Công nghệ (KH &CN) tổ chức gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế đã chứng minh việc đầu tư ĐMCN trong DN đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp DN phát triển bền vững. Tuy nhiên, kết quả chuyển giao, ĐMCN của DN ở Thừa Thiên Huế hiện còn hạn chế mà rào cản lớn nhất là thiếu nguồn vốn. Ngoài ra, nhận thức của các DN chưa xem yếu tố công nghệ là quan trọng, sau yếu tố thị trường, nguồn tài chính, chiến lược kinh doanh, nhân lực... Trong khi đó, nhiều khảo sát gần đây của các DN hàng đầu thế giới chỉ ra rằng, yếu tố công nghệ chiếm vị trí hàng đầu trong việc quyết định thành công của DN.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên Huế-Dương Tuấn Anh thông tin, hiện ở địa phương có gần 6.000 DN; trong đó, có đến 99% DN vừa và nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh, chất lượng tăng trưởng còn thấp so với khu vực và trong nước. Để đầu tư, cải tiến một khâu nào đó trong sản xuất nâng chất lượng sản phẩm khiến họ phải “nâng lên đặt xuống” không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để làm. Vì thế yếu tố đầu tư ĐMCN là vấn đề lớn của DN ở Thừa Thiên Huế, rất cần sự quan tâm chia sẻ từ nguồn lực Nhà nước.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, với chức năng “Nhà quản lý”, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu với tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN, ĐMCN cho DN... Trong đó, chương trình KH &CN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ; xây dựng nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ ĐMCN, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030; phối hợp thông qua nguồn khuyến nông, khuyến công từ Sở Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ cải tiến công nghệ cho DN...

TS. Hồ Thắng nêu thực tế, ĐMCN hiện nay ở các DN trên địa bàn có nhiều "đột phá" mới, nhưng chưa nhiều. Lý do, ngoài vấn đề kinh phí, vốn, nhiều DN vẫn chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ lợi ích từ ĐMCN trong sản xuất kinh doanh.

Với xu hướng kinh tế hội nhập hiện nay, dù muốn dù không, DN phải ĐMCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với hoàn cảnh. Điều này, các DN không chỉ tranh thủ chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, mà cần nâng cao tiềm lực tài chính để nghiên cứu, đầu tư công nghệ thích hợp để sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế có gần 6.000 DN; trong đó có 70,90% DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; 25,53% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng; 3,57% DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản.

Giai đoạn 2012 -2017, toàn tỉnh chỉ có 43,5% DN tham gia ĐMCN thông qua các sở ngành chức năng thực hiện các nhiệm vụ đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

TIN MỚI

Return to top