ClockThứ Sáu, 14/07/2017 13:06

Chuyện học bạ lớp 7 của một giáo sư

TTH - Tình cờ lên “phây”, bắt gặp Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng "trưng" ảnh chụp về học bạ lớp 7 của anh ở Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Tri Phương kèm theo chia sẻ: "Học bạ lớp 7 Trường Nguyễn Tri Phương, Huế. Có nhận xét và chữ ký của thầy cô giáo. Đáng tiếc là sau này không học hành được như các thầy cô mong đợi: lớp 7 là năm duy nhất tôi được học sinh giỏi (nhờ cô Vinh dạy văn châm chước). Từ năm lớp 8 trở đi chỉ được học sinh tiên tiến".

Tôi giật mình, ban đầu tưởng anh đùa và có ý "dỗi hờn". Học giỏi và tài năng như Thắng, từ sau ngày giải phóng đến nay chẳng mấy ai dám so bì. Tôi cũng đánh cược, vài thập niên nữa kiếm được người ở đất Cố đô để so sánh với Thắng cũng chưa chắc có. Cùng giành huy chương vàng toán học với số điểm tuyệt đối ở kỳ thi toán quốc tế, thậm chí còn kèm theo giải đặc biệt về lời giải độc đáo, người Huế còn có Lê Bá Khánh Trình. Thế nhưng, khó so sánh giữa 2 con người này khi mà Lê Tự Quốc Thắng, Giáo sư tại Học viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) danh giá, đã là một tên tuổi hàng đầu của làng toán học quốc tế.

Tưởng anh đùa là bởi do tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề cách cho điểm và xếp loại học sinh hiện nay. Một học sinh giỏi như Lê Tự Quốc Thắng - trước khi đạt giải nhất toán học quốc tế liên tục đạt giải nhất quốc gia trong các kỳ thi học sinh giỏi toán trung học - chỉ đạt danh hiệu học sinh tiên tiến là chuyện không thể có hiện nay, khi mà danh hiệu học sinh giỏi không chỉ ở các trường phổ thông như Nguyễn Tri Phương hay Quốc Học mà còn rất phổ biến ở các trường học toàn tỉnh và cả nước.

Giáo sư Thắng đã không hề có ý mỉa mai khi chia sẻ về học bạ phổ thông của mình. Những ai từng đi học trong những năm sau giải phóng mới hiểu, đạt được danh hiệu học sinh giỏi khó vô cùng. Ví như, phải đạt điểm tổng kết trung bình các môn học từ 8 trở lên; trong đó chỉ cho phép 3 môn đạt điểm khá, từ 6,5 điểm đến dưới 8 điểm và trong đó, chỉ có 1 môn văn (hoặc toán); không được phép có môn học đạt điểm trung bình dưới 6,5. Cái khó ở đây phải giỏi toàn diện. Mà sự đời, học sinh của ta thường ít khi văn - toán song toàn. Giáo sư Thắng tập trung học toán và liên tục tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp nên khó có đạt điểm giỏi các môn xã hội, nhất là môn văn. Anh hiểu và bằng lòng với kết quả xếp loại học tập của mình.

Từ cuốn học bạ của Giáo sư Thắng nghĩ về cách cho điểm hiện nay mới hay đã có một khoảng cách vời vợi. Điểm 9, điểm 10 được thầy, cô giáo nay “vung vãi” khiến cho việc đánh giá chất lượng học sinh vô cùng khó khăn. Một học sinh nổi tiếng như Thắng, với cách cho điểm “thoáng” như hiện nay, không một thầy, cô giáo nào dám xếp vào loại tiên tiến. Còn như hiện nay tôi được biết, kỳ tuyển chọn học sinh lớp 6 vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương có phụ huynh đã ăn ngủ không yên khi con mình có một học kỳ mà điểm văn chỉ có... 9 điểm. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2017 với “cơn mưa” điểm 10 khiến cho bao học sinh dù đạt đến 27 điểm, bình quân 9 điểm mỗi môn xét tuyển nhưng “rớt” đại học (ngành, trường yêu thích) là chuyện bình thường.

Điểm số đánh giá sự cố gắng và năng lực học tập của từng người. Xưa đi học, đạt điểm 8 cũng đã xứng đáng để được khen. Còn các điểm 9 hay 10 là “của riêng” của những học sinh xuất sắc. Nay thì ngược lại. Nó là hậu quả căn bệnh thành tích không biết tự bao giờ đã ăn sâu vào nhà trường, xã hội và mỗi cá nhân. Và khi mà học bạ của ai cũng chói ngời bởi những con điểm cao chót vót thì việc đánh giá năng lực thực sự của mỗi người sẽ là “vàng thau lẫn lộn” và xã hội sẽ phải gánh lấy bao hệ lụy đáng buồn từ lối tư duy và đánh giá ngược đời này.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ: Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Bước sang mùa tuyển sinh năm 2024, các trường đại học tốp đầu trên cả nước có xu hướng giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ, thậm chí một số trường đã bỏ phương án này trong Đề án tuyển sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự đồng tình với quyết định này, nhằm đảm bảo sự công bằng và chất lượng trong xét tuyển.

Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ Đảm bảo công bằng cho thí sinh
Lại chuyện “làm đẹp” học bạ

Mới đây có dịp chuyện trò với hiệu trưởng một trường trung học phổ thông vừa sáp nhập vào Huế, tôi nghe anh tâm sự rất đồng tình với việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10.

Lại chuyện “làm đẹp” học bạ
Return to top