ClockThứ Bảy, 08/08/2020 14:28

Chuyển hướng với tình nguyện hè

TTH - Lại vào mùa tình nguyện. Với những bạn trẻ Cố đô, nhịp sống tình nguyện đã lắng lại và sâu hơn, bởi công trình năm nay không phải là những con đường, mái nhà mà là sát cánh cùng các lực lượng chức năng đẩy lùi dịch bệnh.

Hơn 200 sinh viên y dược được tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch

Sinh viên Trường ĐH Y Dược đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch

Không thể ngồi yên

Bắt đầu một ngày tình nguyện giữa những cơn mưa do áp thấp nhiệt đới càng khiến Võ Đức Huy nhớ lại những chiều mưa giông trong chiến dịch mùa hè xanh 2019 ở A Lưới. Lật giở ký ức để so sánh, chàng sinh viên Trường ĐH Y Dược lại thấy sự chuyển hướng của tình nguyện hè năm nay thêm phần ý nghĩa.

Không còn là những chuyến thăm khám sức khỏe người dân, xây dựng các công trình đường – điện, hoạt động tình nguyện năm nay gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19. Môi trường làm việc tình nguyện chỉ có khẩu trang, mũ chống giọt bắn, găng tay và những thủ tục y tế, thế nhưng tình nguyện viên vẫn có nhiều niềm vui. Đức Huy chia sẻ, cái vui của tình nguyện mùa hè xanh trước đây là vừa làm công tác xã hội vừa được trải nghiệm các kỹ năng. So với niềm vui ấy, cảm xúc của người làm tình nguyện lần này lớn hơn, vì nhiệm vụ không chỉ giúp cộng đồng mà sâu xa còn bảo vệ bản thân và gia đình. 

Lửa tình nguyện sục sôi trong máu của đoàn viên, sinh viên mỗi dịp hè, nhất là khi có những hoạt động ý nghĩa. Có lẽ bởi vậy mà dù đã được “mô tả” trước là sẽ có những ca phải thức đêm đến sáng, tiếp cận với những đối tượng nghi nhiễm COVID-19, nhưng số lượng đăng ký vẫn tăng lên nhanh. Chỉ trong 1 ngày phát động lực lượng “chi viện” cho tâm dịch Đà Nẵng, đã có đến 579 sinh viên đăng ký tham gia, vượt xa số lượng mà Bộ Y tế đề nghị (150 người). Trong khi chờ phía Đà Nẵng tiếp nhận hỗ trợ, hơn 200 tình nguyện viên Trường ĐH Y Dược đã nhanh chóng về các chốt trên địa bàn tỉnh, sát cánh với lực lượng chức năng hỗ trợ công tác phòng chống dịch. “Tình nguyện viên luân phiên thay nhau ở các chốt 24/24 giờ, hỗ trợ kê khai y tế và các thủ tục liên quan”, anh Võ Văn Khoa, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược kể.

Những lá đơn đăng ký tình nguyện của sinh viên Trường ĐH Y Dược

Điểm đặc biệt trong “chiến dịch tình nguyện chống COVID-19”, nhiều nữ sinh cũng không ngại góp mặt. Bảo Ngọc, nữ sinh viên Trường ĐH Y Dược cho rằng, nhờ đã quen với hoạt động trực viện nên công việc tình nguyện đợt này dù phải trực đêm cũng không mấy khó khăn.

Trong nhịp sống tình nguyện năm 2020, không riêng gì sinh viên Trường ĐH Y Dược mà đoàn viên, sinh viên từ nhiều trường khác cũng tìm cách “xoay xở” để cống hiến. Ngô Quốc Minh, sinh viên ngành Triết học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ: “Lẽ ra, em cũng có thể tham gia hoạt động tình nguyện hè của trường. Đi thực tế rồi “mắc kẹt” ở Đà Nẵng mùa dịch, em lập tức đăng ký vào hoạt động tình nguyện địa phương để hỗ trợ chốt kiểm soát dịch dưới chân đèo Hải Vân. Bất kể ca ngày hay đêm, hoạt động tình nguyện này đều mang lại những ý nghĩa. Thanh niên sức dài vai rộng, dịch tuy có lo lắng nhưng ngồi cũng không yên”.

Thích ứng

Ngược lên miền sơn cước, hoạt động tình nguyện cũng có những bước chuyển phù hợp với nhịp sống mùa dịch. Một số đoàn viên đồng bào các dân tộc thiểu số tâm sự, họ không giàu ý tưởng để sáng tạo những mô hình tình nguyện mới, nhưng có thể thích ứng với công việc tình nguyện theo thực tế.

Bí thư Xã đoàn Hồng Vân (huyện A Lưới) Nguyễn Đức Lưu – người đồng bào dân tộc Pa Cô chia sẻ, nếu như các năm, công việc tình nguyện hè là làm vệ sinh môi trường, các công trình địa phương thì năm nay, các đoàn viên chủ yếu là học sinh, sinh viên được huy động để tham gia các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch, hỗ trợ khai báo y tế, nấu ăn tại các chốt. “Chúng tôi làm theo nhiệm vụ được phân công. Chẳng ai thấy vất vả vì ý thức được trách nhiệm cộng đồng”, anh Lưu trải lòng.

Hướng tình nguyện mới bao giờ cũng đi kèm với những bỡ ngỡ, nhưng theo các tình nguyện viên trên đỉnh Trường Sơn, mọi việc xuất phát từ tấm lòng đều có thể hoàn thành tốt. Cũng chính điều này mà lần đầu đi nắm tình hình và tuyên truyền người dân về từ vùng có dịch tự cách ly, chị Lê Thị Lý (người con dân tộc Pa Cô, đang triển khai nhiều hoạt động tình nguyện tại thị trấn A Lưới) và nhiều đoàn viên đã xua tan được nỗi lo. “Ban đầu cũng sợ dịch, nhưng hiểu và trang bị kỹ các biện pháp phòng dịch nên đã hết lo. Lợi thế các đoàn viên là học sinh, sinh viên nên rành về sử dụng điện thoại, nhờ đó hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone cũng rất thuận tiện”, chị Lý kể.

Chuyển hướng tình nguyện là khái niệm mà người làm tình nguyện thi thoảng nhắc tới để thay đổi các hoạt động, công tác xã hội. Và có lẽ sự chuyển hướng ấy là rõ nhất trong năm nay khi từ miền xuôi đến miền ngược ở mảnh đất Cố đô đều hướng về hoạt động tình nguyện gắn với vấn đề cả cộng đồng quan tâm là phòng chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách

Sự nhập cuộc của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể đã góp phần quan trọng tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách
“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Tiếp sức cho hội viên mù, khiếm thị

Không chỉ đẩy mạnh công tác hỗ trợ vay vốn, với hiệu quả từ việc tạo đà cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hội Người mù (HNM) huyện Phong Điền đã đồng hành, tiếp sức, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho hội viên mù, khiếm thị trên địa bàn.

Tiếp sức cho hội viên mù, khiếm thị
“Tiếp sức” cho dàn nhạc Kèn Huế

Trở lại sau 75 năm vắng bóng, dàn nhạc Kèn Huế từng được kỳ vọng sẽ là một điểm sáng về văn hóa và âm nhạc của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ giải thể.

“Tiếp sức” cho dàn nhạc Kèn Huế
Return to top