ClockThứ Năm, 19/01/2023 06:19

“Chuyển khoản hỉ”

TTH - Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tài chính số đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho ngân hàng cũng như giúp cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính một cách dễ dàng, rút ngắn dần khoảng cách giữa các vùng miền.

Đảm bảo giao dịch ngân hàng trước, trong và sau tếtĐưa vào hoạt động máy ATM tại Phú ThuậnĐưa máy CDM tại Vinh Thanh vào hoạt động

Dịch vụ ngân hàng điện tử góp phần hạn chế giao dịch tiền mặt

Tài chính toàn diện

Từ ngày biết đến dịch vụ chuyển tiền trên app, ông Nguyễn Bá Đường, Phong Điền không còn phải lặn lội chạy xe cách nhà gần 12km đến phòng giao dịch của ngân hàng hay phải nhờ đến dịch vụ chuyển tiền của bưu điện để chuyển tiền cho con gái và đối tác. Chỉ cần vài nút chạm trên điện thoại di động, đối tác của ông ở đầu dây bên kia đã nhận ngay tiền vào tài khoản mà không mất nhiều thời gian chờ đợi phản hồi như trước.

Theo ông Đường, việc giao dịch qua ngân hàng điện tử quá tiện lợi, không nhất thiết cứ phải cầm tiền mặt bên mình như trước, vừa đảm bảo an toàn vừa lưu vết được. Ngoài ra, việc các đơn vị, doanh nghiệp… liên kết với ngân hàng mở dịch vụ thanh toán cũng giảm thiểu đáng kể việc giao dịch tiền mặt. Chưa nói, sử dụng app ngân hàng xong thấy mình “oách” hẳn. Mỗi khi đi ăn hay mua hàng hô to “chuyển khoản hí”, “quẹt thẻ nghe”, thấy mình “hiện đại” hẳn.

Không chỉ dừng ở công nghệ thanh toán trực tuyến, các ngân hàng còn tích hợp nhiều công nghệ hiện đại khác tạo thêm những tiện ích cho khách hàng trong giao dịch điện tử. Việc thiết lập công nghệ eKYC (hình thức định danh khách hàng điện tử) là giải pháp điển hình. Nhờ công nghệ này mà trong hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ tăng trưởng khách hàng của các TCTD đều tăng mạnh, tạo nên những bước đột phá nhất định trong mở rộng mạng lưới thanh toán trực tuyến.

Ngoài tối ưu hóa công nghệ eKYC, nhiều ngân hàng còn tích hợp nhiều tiện ích khác nhằm tối đa hóa dịch vụ. TPBank là ví dụ, khi app của ngân hàng này đã được tích hợp những công nghệ hàng đầu như máy học, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), công nghệ nhận diện khuôn mặt (face recognition), công nghệ nhận diện người sống (liveness check)... Việc ứng dụng thành công công nghệ gọi điện trực tuyến (video call) của TPBank cũng đảm bảo xác minh thông tin qua app một cách hiệu quả, không thua kém gì so với việc gặp mặt trực tiếp. Công nghệ này cũng cho phép khách hàng có thể mở tối đa hạn mức giao dịch ngay trên app mà không cần đến quầy, hay gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng.

“Khai phá” thị trường nông thôn

Không thể phủ nhận, công nghệ thanh toán hiện đại đã kéo gần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số. Cùng với đổi mới công nghệ, việc các ngân hàng “đánh” mạnh về thị trường nông thôn cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng, góp phần không nhỏ đẩy lùi tín dụng đen.

Và một trong những đột phá chính là đẩy mạnh dịch vụ thấu chi, dịch vụ thẻ tín dụng về khu vực nông thôn. Đây từng là phương thức thanh toán được xem chỉ áp dụng cho giới nhà giàu và phát triển khu biệt cho đối tượng có thu nhập ổn định.

Câu chuyện đưa thẻ Lộc Việt của Agribank về nông thôn là minh chứng khá sinh động cho nhận định này. Bởi ngoài tính năng như một chiếc thẻ ATM thông thường, chủ thẻ Lộc Việt còn được Agribank cấp 1 hạn mức tín dụng tối đa 30 triệu đồng, thời gian miễn lãi và ân hạn tối đa lên đến 55 ngày, cao hơn 10 ngày so với thẻ tín dụng thông thường. Lãi suất đối với số dư cho vay qua thẻ Lộc Việt được duy trì ở mức 13%, mức lãi suất này đang thấp hơn so với các sản phẩm tài chính tiêu dùng khác trên thị trường.

Theo ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế, sản phẩm này hướng tới đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, khách hàng thanh toán lương qua tài khoản ATM. Không chỉ có vậy, Agribank đang đẩy mạnh phát triển các dịch vụ của ngân hàng về khu vực nông thôn thông qua việc đưa các dịch vụ ATM, CDM, giao dịch bằng xe lưu động, phát triển các tổ vay vốn tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang có những bước tăng trưởng và có xu hướng chuyển dịch dần về khu vực nông thôn với 28 chi nhánh ngân hàng đang hoạt động. Trong đó, số điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đã phủ sóng 141 xã, phường; Agribank cũng mở rộng mạng lưới với 11 chi nhánh ngân hàng cấp III thuộc Agribank tỉnh và 94 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 12 công ty tài chính có điểm giới thiệu dịch vụ đang hoạt động; 7 Quỹ tín dụng nhân dân; 1 Quỹ đầu tư phát triển và 1 Quỹ bảo lãnh tín dụng của chính quyền địa phương và 3 chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Không bỏ ai lại phía sau

Đưa tín dụng về nông thôn là một trong nội dung quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện với mục tiêu giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý. Từ đây, tài chính toàn diện mang lại những lợi ích, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt hướng lợi ích đến các đối tượng có năng lực tài chính trung bình thấp và dễ bị tổn thương.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khẳng định, bản thân tài chính toàn diện không phải mục tiêu cuối cùng mà là một công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, khi người lao động tham gia vào hệ thống tài chính có khả năng bắt đầu và mở rộng kinh doanh, đầu tư vào giáo dục, quản lý rủi ro và đối phó với các cú sốc tài chính tốt hơn, từ đó hiện thực hóa mục tiêu để không bỏ ai lại phía sau.

Để hiện thực hóa mục tiêu tài chính toàn diện, các TCTD ngày càng được đầu tư phát triển mô hình tổ chức hiện đại, đồng thời các dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Hạ tầng công nghệ ngày càng được đồng bộ, các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về cấp tín dụng cũng được thông thoáng hơn đã giúp cho nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Return to top