ClockThứ Hai, 25/02/2019 14:05

Chuyện mai, chuyện mốt

TTH - Ngày trước ít nhà trồng mai chuyên, chủ yếu mỗi nhà trồng vài cây “cho vui” hoặc mua một hai cây chơi tết, xong chăm bón qua loa.

Cây mai của nghệ nhân Đoàn Minh Tuấn - đạt giải vàng hội hoa xuân năm 2015

Cũng đã mấy lần định viết lan man về cây mai Huế, rồi lại lừng khừng. Lừng khừng là vì nhiều người viết rồi, thế nhưng mỗi khi tết đến, xem lại các phóng sự về cây mai Huế thì lại nhiều bề băn khoăn, lại muốn viết. Nhưng thực tế không phải dễ chút nào, nhất là trong một bài báo ngắn. Bản thân là người chơi mai, cũng viết cho các tạp chí chuyên ngành nhiều, vậy mà đụng vô cây mai Huế thì vô cùng tận.

1. Thứ nhất là ngại đụng chạm các cụ chơi mai nhà ta xưa nay. Có lẽ quan điểm chơi của các cụ ngày xưa có chút khác ngày nay. Ngày trước các cụ trồng cây mai khó khăn hơn bây giờ, bởi vì thông tin không có, nếu có thì cũng giấu giấu giếm giếm. Phân thuốc không có, chỉ dùng phân chuồng, mà phân chuồng nếu không xử lí được thì nấm bệnh vô cùng, hại nhiều đến cây mai. Rất nhiều cây mai Huế ngày trước còn lại là giống hoa đẹp nhưng số cây hoa không đẹp cũng nhiều. Tức là vì không có thông tin, không cạnh tranh, nên có gì trồng đó, trồng cho vui. Nay thì khác, người chơi chọn giống hoa đẹp mới mua, vì thế nó tạo ra thế hệ người chơi cây mới. Và sức mua cũng khác, kén chọn và khó tính hơn, cho nên đòi hỏi người nghệ nhân kỹ càng khi tạo ra một tác phẩm mai vàng.

Ngày trước ít nhà trồng mai chuyên, chủ yếu mỗi nhà trồng vài cây “cho vui” hoặc mua một hai cây chơi tết, xong chăm bón qua loa. Cây mai ngày xưa hiếm, nên quý là vậy. Ngày nay lại khác, hiện nay thị trường mai Huế sôi động quanh năm không nhất thiết phải đến tết mới có cảnh bán mua nhộn nhịp. Đối tượng chơi mai ngày nay cũng khác hơn, đa số là các bạn trẻ, thuộc thế hệ 7X, 8X.

Ngày trước các cụ quan niệm muốn chơi cây phải sau 60 tuổi, nhưng thực tế nếu đến tuổi đó để chơi cây thì khó phát triển, vì lúc đó không còn sức khỏe và cách tiếp cận khoa học công nghệ cũng chậm hơn, cũng như kỹ thuật tạo thế cho cây trồng cũng không nhanh như lớp trẻ, cho nên việc các bạn trẻ chơi cây là lợi thế hơn người già nhiều, người trẻ có nhiều thời gian để trải nghiệm, tiền bạc và sức trẻ để theo đuổi đam mê nữa.

2.Cho dù khoa học phát triển, chuyện nhân giống lai tạo ra thế hệ mai sau này ở miền Nam là “vô tiền khoáng hậu”, có rất nhiều giống mai đẹp, nhiều cánh, bông to. Nhưng tại sao người chơi mai cả nước, nhất là người Huế vẫn chỉ thích chơi cây mai Huế thôi? Huế thuộc vùng khí hậu khá khắc nghiệt so với cả nước, nắng gắt và mưa lạnh kéo dài. Từ đó cũng tạo ra cho cây mai Huế một nét riêng: vỏ cây sần sù đen nâu, hoa to màu vàng đậm và thơm, đặc biệt là… lớn chậm. Chính từ cái lớn chậm này lại tạo ra dáng vẻ cổ lão của cây; vì khí hậu khắc nghiệt, trồng lâu, cho nên cây mai Huế giá hơi đắt so với mai Bình Định, mai miền Nam là thế.

Thực tế, khí hậu Huế mưa nắng khắc nghiệt, tạo ra khó khăn trong cây trồng là có thực.  Nhưng bây giờ việc trồng một cây mai lớn nhanh, ít nhất là nhanh hơn cách trồng của các cụ ngày trước là không khó. Cho đến nay, Huế chưa có một làng mai “chuyên” đúng nghĩa. Ngày trước có làng mai Thế Chí Tây phát triển một thời, nay thì có vùng Thủy Phương - Hương Thủy trồng nhiều, nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải và phân phối ra thị trường rất chậm và ít so với cả nước.

Ngày nay mọi thông tin nhanh nhạy, mỹ thuật và kỹ thuật cũng dễ tìm trên các trang mạng và thông tin báo chí, từ đó tạo ra lợi thế cho các nghệ nhân các nhà vườn, nhưng việc đi lại các địa phương khác chuyên về mai như Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long… để học hỏi kinh nghiệm, gần như vẫn còn hạn chế đối với đa số nghệ nhân ở Huế.

Mai ở Huế so với mai Bình Định hoặc mai miền Nam, thì mai Huế giá đắt gấp nhiều lần. Tại sao như vậy, vì cây mai Huế trồng ít và lớn chậm, một phần do tính “tự tôn” của người trồng, nên cây mai Huế giá cao. Mai Huế giá cao, nhiều người thích, tại sao không trồng chuyên nghiệp, nhân rộng, để làm giàu cho người trồng mai, tạo điều kiện cho nhiều người Huế có cây mai để chơi trong những ngày tết?

Hoàng mai Huế đã trở thành thương hiệu, là một lợi thế cho ngành sinh vật cảnh Huế,  một giá trị văn hóa đặc sắc của Huế. Tuy vậy, nó vẫn còn ở góc độ nhỏ lẻ để chơi theo tính “trang trí” chứ chưa thực sự được đầu tư nhân rộng, để vừa mang tính văn hóa, vừa làm lợi về kinh tế cho người trồng mai, nhằm phát triển thương hiệu hoàng mai xứ Huế.

Trần Vĩnh Thịnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Văn hóa múa lân

Hằng năm, cứ đến đầu tháng Tám Âm lịch thì nhiều quầy hàng khắp các ngả đường ở TP. Huế bày bán các đầu lân, đèn lồng, bánh Trung thu…

Văn hóa múa lân
Về Thanh Tiên

Tôi thường có thói quen xách xe chạy dạo một vòng vào những ngày đầu xuân. Tôi đi từ khá sớm, cái giờ mà mọi người còn ngon giấc, đi lung tung như thế cho đến tám chín giờ mới về nhà.

Về Thanh Tiên
Một sớm mai xuân

Cùng với 2 họa sĩ khác, họa sĩ Lê Minh Phong và Trần Vĩnh Thịnh đến từ Huế đã có những tác phẩm góp mặt tại triển lãm với chủ đề “Một sớm mai xuân” do Luxuo Art tổ chức tại Mai House Saigon (TP. Hồ Chí Minh), khai mạc tối 26/12.

Một sớm mai xuân
Return to top