ClockThứ Sáu, 31/01/2020 14:23

Chuyện ngày đầu xuân

TTH - Một ngày đầu xuân, khi kết nối với một chương trình từ thiện của VTV8 thực hiện, tôi cùng các đồng nghiệp của đài đến một gia đình là hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (để trao 20 triệu đồng) trên địa bàn xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang).

Tặng 52 suất quà tết cho phụ nữ nghèo, khó khănKhai mạc chương trình “Tết Huế”

Cô gái trẻ dáng dấp nhỏ nhắn, trong màu áo Đoàn dẫn đường cho chúng tôi giới thiệu, bạn là Nguyễn Thị Thanh Phượng, Phó Bí thư Xã đoàn Phú Mỹ. Thì ra đây là nữ cán bộ làm công tác đoàn rất năng nổ, nhiệt huyết, có nhiều đóng góp trong các hoạt động phong trào ý nghĩa của Xã đoàn Phú Mỹ, tôi thường “gặp” trong các báo cáo của địa phương. Dù chưa từng gặp mặt nhưng từ lâu tôi đã thầm thán phục Phượng bởi bạn là người đứng ra tổ chức, duy trì nhiều năm nay những lớp học thêm miễn phí dành cho học sinh nghèo. Tốt nghiệp đại học sư phạm, bản thân bạn cũng là một trong những giáo viên miệt mài đứng lớp.

Thanh Phượng (bên trái) trong một chuyến tặng quà cho các hộ nghèo

Cười rất tươi và hiền, Phượng kể, nhà bạn ngày xưa nghèo lắm. Ba của bạn đau bệnh nên không lao động nặng được, vì vậy gánh nặng mưu sinh nuôi gia đình đổ lên vai người mẹ, với nghề thu gom mua bán ve chai. “Mẹ em vất vả lắm, đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tối mịt. Em tự nhủ, tất cả mọi việc mình làm đầu tiên là để mẹ vui”. Tôi thực sự xúc động khi bạn nói về mẹ, về nghề nghiệp của bà với ánh mắt tràn ngập niềm tự hào, yêu thương.

Mọi sự cố gắng của Phượng bắt đầu từ việc học. Nhà nghèo, làm gì có tiền để đi học thêm nên cô gái nhỏ chỉ biết “tự túc” chăm chỉ học hành. Những năm học trung học phổ thông, có thầy giáo tặng Phượng phiếu học thêm miễn phí, nhưng bạn rất ngại ngần. Thầy động viên mãi, bạn mới dám nhận, với một ấp ủ rằng sau này sẽ “quay lại” dạy miễn phí cho học trò nghèo, để “trả ơn” người thầy đã tiếp ý chí, động lực, ý nghĩa tốt đẹp cho bạn trong học tập cũng như cuộc sống. Đó là một “lý do” rất quan trọng để Phượng nỗ lực tổ chức, duy trì các lớp học miễn phí cho học sinh nghèo. Đồng thời, trong quá trình làm gia sư, dạy kèm tại nhà để kiếm thêm thu nhập, hoàn cảnh học sinh nào khó khăn, bạn cũng miễn phí luôn. “Mẹ rất ủng hộ việc làm của em. Khi ba mẹ của những học trò nghèo thỉnh thoảng đưa đến tặng mớ rau, con cá…, mà họ trồng, bắt được, mẹ em vui và xúc động lắm. Mẹ thường bảo, giúp người khác là cách không quên sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô giáo, năm xưa đã dành cho mình”- Phượng lại cười hiền.

Không chỉ dạy miễn phí cho học sinh nghèo, nữ cán bộ đoàn trẻ tuổi đó dành rất nhiều tâm huyết để kết nối, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật. Phượng “theo” gia đình này suốt mấy năm nay. Bà cụ đã hơn 80 tuổi, người con gái bị bệnh tâm thần nhẹ, lại tai biến nằm liệt giường. Cháu gái duy nhất của bà cụ đang học đại học năm thứ 2. Nếu có mạnh thường quân, nhà hảo tâm “đến với” Phú Mỹ, bao giờ Phượng cũng kết nối để gia đình bà cụ được ưu tiên hỗ trợ.

Bạn còn chủ động kết nối để gia đình bà cụ được giúp đỡ thường xuyên. “Có một chị ở xã Phú Xuân ngỏ ý tặng gia đình bà cụ mỗi tháng 200 nghìn đồng. Nhưng chị đã lớn tuổi, không rành công nghệ nên không thể chuyển khoản trên điện thoại. Vì vậy suốt 4 năm nay, hàng tháng, em chạy xe về Phú Xuân nhận tấm lòng của chị, đưa đến tận tay gia đình cụ”- Phượng kể. Thỉnh thoảng, sau khi nhận tiền từ mạnh thường quân, bạn cũng góp thêm chút ít vào món quà, để gia đình có thể đảm bảo gạo ăn cho cả tháng. Cô bé sinh viên “nhẹ bớt gánh” làm thêm, chú tâm hơn vào việc học.

Trong quá trình công tác, tôi là người vẫn thường kết nối để các nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẻ chia với những hoàn cảnh nghèo, khó khăn, neo đơn, bệnh tật, vì vậy cũng may mắn từng được gặp rất nhiều người tốt bụng. Và hôm nay, tôi lại may mắn gặp Phượng, một người trẻ mang trái tim ấm áp, ý chí phấn đấu vươn lên, đóng góp cho cộng đồng. Cũng cảm ơn và thán phục người phụ nữ nuôi con khôn lớn, trưởng thành bằng nghề mua bán chai bao, người mẹ đã truyền cho con lòng nhân hậu, biết hành động để trả ơn cuộc đời.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc hẹn đầu xuân

Mùa xuân này nữa là đã bao nhiêu xuân Nam ngồi đếm những phong thư Viên gửi về từ trời Tây xa tít.

Cuộc hẹn đầu xuân
Lưu giữ nét đẹp văn hóa xin chữ đầu Xuân

Trong những ngày đầu Xuân mới Quý Mão 2023, cùng với nhiều phong tục cổ truyền được huyện Quảng Điền lưu giữ và triển khai, tục xin - cho chữ cũng là dịp khai bút đầu Xuân, là nét đẹp văn hóa vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa xin chữ đầu Xuân
Sắc màu lễ hội đầu xuân

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, khắp các làng quê ở huyện Phong Điền sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dân gian đã mang lại nét đẹp truyền thống.

Sắc màu lễ hội đầu xuân
Xây dựng hình ảnh Huế từ lễ hội

Không biến tướng, dung tục và mất trật tự, lễ hội đầu xuân ở Huế vẫn được duy trì nế nếp theo phong tục. Ở đó, các giá trị nhân văn tốt đẹp từ ngàn xưa được kế tục, trao truyền. Đó cũng là cách để người dân xây dựng, quảng bá hình ảnh Huế thân thiện, an toàn, mến khách...

Xây dựng hình ảnh Huế từ lễ hội
Return to top