ClockThứ Bảy, 13/08/2016 13:31

Chuyện người đàn bà tìm con

TTH - Lúc người đàn bà đến, Huỳnh vừa cột xong con bò vào chuồng. Nhác thấy bóng người, anh tưởng khách mua hàng nên nhanh chân đi vào, chưa kịp hun đống lửa đuổi muỗi cho con bò gầy.

Tiếng con bé trong buồng khóc hắt ra ngoài quán. Phượng, mẹ nó, áng chừng tiếng ru đã chen phần bực bội. Huỳnh quen rồi nên chả mấy ái ngại.

- Bác cần mua gì?

- Chú làm ơn làm phước bán cho tôi dĩa cơm rau ăn lót dạ. Cơm rẻ thôi. Tôi lỡ đường lỡ xá. Chú làm ơn làm phước...

- Quán cháu bán nước, không bán cơm bác ơi.

- Chú làm ơn làm phước. Tôi đói quá. Tôi chỉ cần cơm rau thôi. Tôi... có ít tiền...

Lúc này thì Huỳnh ái ngại. Anh thấy động lòng thương với con người tội nghiệp trước mặt mình. Có lẽ anh đang nhớ lại cái thời những đứa trẻ trong gia đình nghèo của anh đã có những lúc thèm cơm đến mức nào. Anh hiểu được cảm giác của những người đói đến quên cả sĩ diện. Nhưng người đàn bà không xin. Bà mua. Mặc dù những đồng tiền lẻ nhăn nhúm trong bàn tay của bà chẳng đáng bao nhiêu.

Huỳnh kéo chiếc ghế gỗ. “Bác ngồi tạm đây uống cốc nước đã. Chờ cháu một chút”. Nói rồi anh vội chạy xuống bếp. Tiếng con bé khóc vẫn chưa dứt. Mẹ nó lúc ư ư, lúc dọa. Nó vẫn khóc. Chưa chịu ngủ cho.

Hồi sau, Huỳnh bưng tô cơm nguội với mấy miếng thịt buổi chiều còn sót lại ra chỗ người đàn bà. “Đây, mời bác ăn tạm”.

- Chú ơi. Đội ơn chú. Cơ mà, chú cho tôi xin ít rau được không chú. Tôi ăn chay...

Nghe đến đấy, Phượng nằm trong buồng gắt gỏng:

- Trời ạ! Ăn mày mà còn đòi xôi gấc! Có cái gì thì ăn cái đấy được rồi. Rau với cỏ cái gì! Còn con bé này, mày có ngậm miệng không thì bảo! Khóc gì mà khóc lắm thế!

Huỳnh định nói câu gì đấy song lại nghĩ đến cái mặt xưng xỉa của vợ nên thôi. Người đàn bà cũng không nói gì nữa, lẳng lặng cầm đũa và cơm. Huỳnh bỏ mặc người đàn bà rách rưới chạy ra phía sau nhà. Mấy con lợn kêu eng éc. Chúng nó cũng đòi ăn. Cái nhà này lúc nào cũng nhộn nhạo.

Lúc rửa ráy xong quay lại quán, người đàn bà vẫn còn ngồi trong quán. Huỳnh hơi bất ngờ. Cứ nghĩ là bà đã đi lâu rồi.

- Ơ, bác ăn chưa xong à?

- Không. Tôi ăn xong rồi. Tôi đợi cảm ơn chú. Cảm ơn thím. Đội ơn chú thím. Tôi không còn nhiều tiền. Đây, mong chú thím thông cảm.

Nói đoạn bà đặt những tờ tiền đã vuốt phẳng lên mặt bàn, cầm nón đứng dậy. Huỳnh vội cầm tiền đưa trả lại. “Không, cháu không lấy tiền. Có đáng bao nhiêu đâu ạ. Bác cầm lấy mà uống nước”.

- Không. Thóc gạo cũng do chú thím làm lụng mà có. Tôi không ăn không được. Chú cho tôi ăn đã là làm ơn làm phước. Tôi gửi chú tiền.

Hai bên nói qua nói lại nhưng có vẻ như Huỳnh không thuyết phục được người đàn bà. Bà rảo bước. Đoạn quay lại nói:

- Chú thím có con có cái. Thật là phước trời cho...

Huỳnh nghe thấy lạ. Tự dưng một người xa lạ nói với mình điều này. Ý chừng hiểu được vẻ mặt của Huỳnh, người đàn bà không quen biết tiếp lời:

- Con tôi... lạc mất rồi. Từ lâu rồi. Tôi đi tìm con...

Nói rồi, hình như bà lấy tay quệt mắt, nhắm vào con đường tối trước mặt đi thẳng. Thỉnh thoảng ánh đèn pha ô tô chiếu vào người đàn bà tội nghiệp. Huỳnh chỉ nhìn thấy lưng bà xuyên ánh đèn bước về phía trước cho đến khi bà lại chìm vào bóng tối.

Mấy miếng thịt còn nguyên nằm lặng lẽ trong tô. Đôi đũa được đặt ngay ngắn bên cạnh. Huỳnh bất giác thở dài...

*

Quán của hai vợ chồng Huỳnh chỉ bán cà phê và mấy thứ nước uống lặt vặt cho cánh tài xế xe đường dài hay vài vị khách lỡ đường. Nhà hai vợ chồng nằm ở mặt đường tránh. Khu vực này vốn nằm trong dự án tái định cư của tỉnh. Hai vợ chồng mở quán định để bán cho dân tái định cư nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy dân đến ở. Bởi vậy, cái quán nằm lọt thỏm giữa hai bên rừng cao su, phía sau là một cái hồ rộng.

Nhà Huỳnh vốn dân biển nhưng biển bám không được đành phải lên vùng này khai hoang làm rẫy. Mảnh đất hiện tại do mấy cha con Huỳnh kì công khai phá. Đất gắn liền thịt. Bởi cha Huỳnh - một người lính vận tải Nam Lào - đã bỏ hai con mắt và một cánh tay ở đây khi ông cuốc nhầm một quả bom bi còn sót lại. Trước khi mất năm ngoái, ông chia mảnh đất cho mấy đứa con. Cả đứa con gái đi lấy chồng rồi vẫn được chia. Ông bảo, để đứa nào cũng có trách nhiệm với gia đình. Mẹ Huỳnh thì không cần phần nào vì mồ bà đã xanh cỏ trước đấy 10 năm rồi. Bà mất vì kiệt sức. Có lẽ vì đói và lao lực.

Cái quán nhỏ của Huỳnh không bán được là mấy. Nhưng vẫn phải có người trông. Là Phượng. Cô vừa trông quán vừa trông con. Hai đứa. Đứa lớn đi học lớp một dưới làng. Gửi luôn ở nhà chú Hai. Bố mẹ nó ở trong rẫy lâu lâu mới tạt ngang thăm con. Đứa nhỏ chưa đầy ba tuổi. Quấy khóc suốt. Hai vợ chồng chật vật. Họ vay ngân hàng chính sách mua bò, nuôi heo. Ngoài cái quán ọp ẹp thì tất cả chỉ trông vào sự sống chết của lũ động vật ấy mà thôi.

*

Nhưng cái sự trông vào ấy, đúng là có hai mặt. Đùng một hôm mưa to. Sét đánh trúng cái chuồng bò. Con bò gầy không thoát chết. Vài hôm sau, bốn con lợn cũng bỗng dưng trương phình bụng rồi chết. Chú Hai bảo, chắc mua phải cám đểu! Chắc hay lép thì bọn động vật cũng chết cả rồi. Ngân hàng thì vẫn sống. Nợ còn đó. Cái út thì vẫn quấy khóc. Mẹ nó dạo này quát nhiều hơn ru ư hừ.

Huỳnh não cả ruột. Anh hờ hững nhìn mấy con ruồi bò bò trên cái mặt bàn gỗ cáu bẩn cà phê. Hơi nóng ngoài đường nhựa phả vào. Rát mặt. Anh đưa tay vuốt mồ hôi. Cái mùi hôi bò trong bàn tay anh sực vào mũi. Anh lại nhớ chúng và nhớ khoản tiền còn găm trong sổ vay... Chắc cũng phải đành lòng thôi...

*

Số là, mấy hôm nay Phượng bàn với Huỳnh để cô đi Nam một chuyến. Có người chị em họ trong ấy, làm công nhân, lương không đến nỗi. Tăng ca nữa thì cũng khá. Chị ấy bảo lãnh. Huỳnh không muốn vợ đi. Còn con nhỏ. Còn quán xá. Nhà cửa. Nhưng hiện thời anh cũng không biết phải làm gì ra tiền. Miếng rẫy chưa đến mùa trồng tỉa. Phụ hồ thì bữa đực bữa cái. Tiền thì cũng không thể mượn chú Hai, chú Ba mãi được. Các chú ấy cũng có khá gì hơn.

Rồi thì Phượng cũng đi. Con bé vẫn quấy khóc. Huỳnh không biết hát ru. Nhưng Huỳnh không quát. Bố dỗ dành con. Cái nhà vẫn nhộn nhạo như thời Phượng còn ở nhà, lợn vẫn eng éc đòi ăn...

Thỉnh thoảng, những đêm ôm con bé ngủ trong buồng, Huỳnh lại nhớ đến người đàn bà xa lạ hôm nào. Bà từ đâu đến? Đã đi bao lâu? Tiền không có lấy gì mà đi? Chỉ đi bộ? Không biết bà ấy đã tìm thấy đứa con của mình chưa?... Những câu hỏi như vậy không thể có câu trả lời nhưng có tác dụng kéo Huỳnh vào giấc ngủ...

*

Lúc Phượng bước vào quán, hai cha con Huỳnh đang nằm ngủ trên võng mắc ở hai cây cột ngoài hiên quán. Cô nhìn khuôn mặt lem luốc của con út mà thương. Mấy con ruồi vẫn bay bay xung quanh mặt hai cha con. Cô ngồi thụp xuống. Cạnh võng. Nước mắt Phượng bắt đầu chảy ra. Cho đến khi tiếng thút thít của cô làm Huỳnh tỉnh giấc.

Huỳnh ngạc nhiên. Một là vợ tự dưng về nhà. Hai là còn khóc. Chẳng hiểu chuyện gì xảy ra.

- Ơ. Vì sao em về giữa chừng? Có chuyện gì à?

- Không. Không. Em nhớ các con quá. Em chịu không nổi. Em bỏ việc rồi.

- Ừ...

Con bé khóc toáng lên vì bị đánh thức. Mẹ nó vội vàng ôm đứa con vào lòng. À ơi. Ru hời. Nó càng khóc dữ vì mới đầu chưa kịp nhận thức đó là mẹ. Rồi khi nhận ra người mẹ đã xa cách mấy tháng của nó, nó khóc nấc lên. Huỳnh thấy cảnh hai mẹ con nước mắt giàn dụa mà lòng cầm không đặng...

*

Tối ấy, chú Hai chở con lớn về. Chú Ba cũng đạp xe vào rẫy. Cả nhà ngồi quây quần bên nhau. Bữa cơm đạm bạc nhưng ai nấy đều rưng rưng trong lòng. “Thiếu mỗi o Lành, nhỉ?”. Anh cả lên tiếng. “Dạ, dạo này o cũng ít về. Từ dạo giỗ cha, o chưa về lần nào”. Chú Hai nói. “Chắc o bận. Nghe bảo nhiều việc”. Chú Ba nói...

Chú Hai gắp một miếng cá bỏ vào bát chị dâu. “Chị ăn đi. Cá ngon lắm. Chú Ba mới mang dưới biển lên đấy”. “Ừ, ăn đi em. Chắc chắn ngon hơn món “canh rui mè” nhiều”. Nghe anh cả nói vậy, hai chú còn lại cười lớn. Huỳnh phải giải thích cho Phượng. Hồi nhỏ, đói quá, nấu được nồi cơm lên, không có canh. Mấy anh em nấu sôi nước, bỏ ít muối vào ăn. Nước trong thấy cả rui mè trên nóc nhà nên gọi là “canh rui mè”...

Lâu lắm rồi Phượng mới có cảm giác ăn ngon đến vậy. Xung quanh cô là chồng, là con, là những người thân chứ không phải những con người tứ xứ chạy đua với thời gian, với tiền bạc. Không phải là những bữa cơm vội vàng và mệt nhọc.

*

Đêm. Hai đứa nhỏ đã ngủ say. Con út hôm nay không khóc nữa. Phượng quay sang phía chồng. “Anh có biết vì sao em về không?”. Huỳnh không biết. “Anh nhớ một đêm có một người đàn bà vào quán xin ăn không?”. Huỳnh nhớ. Nhưng anh ngạc nhiên vì sao Phượng lại nhắc đến chuyện này. “Thực là em không biết mặt bà ấy. Nhưng một hôm, trong giờ nghỉ giữa hai ca, em xem tivi ở xưởng. Chương trình ấy kể về một người đàn bà đi tìm con trong 9 năm. Rồi bà tìm thấy. Cảm động lắm. Em khóc suốt”. “Ừ. Chuyện bà đi tìm con anh có biết. Rồi sao nữa?”. “Rồi đoạn cuối, bà nói cảm ơn mọi người. Bà cảm ơn một cặp vợ chồng bán quán ở đường tránh tỉnh X. đã cho bà ăn cơm. Bà ấy còn bảo, nếu không có bữa cơm ấy có lẽ bà ấy đã chết ở dọc đường cũng nên”. “Vậy à?”. “Dạ. Nghe bà ấy nói xong, em thấy... xấu hổ quá. Vì tối ấy em có nói gì đấy không phải”. “Ừ”. “Bà còn nói, con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ”. “Ừ. Bà ấy cũng nói với anh như vậy”. “Rồi em bỏ việc. Em sợ... mất con...”

Đêm đã khuya. Tiếng xe chạy ngoài đường nhựa đứt quãng. Chen lẫn vào đó là tiếng thủ thỉ của hai vợ chồng. Tiền em kiếm được lấy trả ngân hàng, bớt phần nào hay phần nấy. À, chưa đóng tiền học cho con lớn nữa. Để anh hỏi khó o Lành, mượn ít tiền mua hàng. Nghe chú Hai bảo, bạn chú làm trên ủy ban nói tháng sau bắt đầu có dân tái định cư đến đấy. Vậy à? Ừ. Nghe bảo vậy... Chỗ đầu dốc ấy, người ta chuẩn bị xây cây xăng. Nhà mình lấy thêm hàng mà bán. Với lại, nghĩ xem có nên bán mấy thức ăn thức nhậu lặt vặt không? Chắc cũng được nhỉ?... Lát sau, Huỳnh chỉ còn nghe tiếng thở đều của vợ. Phượng ngủ rồi. Có lẽ cô đang cười cũng nên. Huỳnh tưởng tượng. Anh chợt nghĩ. Không biết ở một nơi nào đó, người đàn bà xa lạ hôm nào đang nói gì với đứa con của mình nhỉ? Hay họ cũng ngủ rồi cũng nên...

NGUYỄN ANH DÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối và bình ổn

Còn hơn 20 ngày nữa mới tết nhưng những ngày này, thị trường hàng tết đã bắt đầu chộn rộn. Có thể nhận thấy điều này ở không khí và màu sắc trên các kệ sản phẩm ở các chợ, các trung tâm thương mại đến chợ các vùng quê, kể cả chợ lẻ trên facebook.

Cân đối và bình ổn
Hỗ trợ & căn cơ

Trên 46 tỷ đồng là số thiệt hại mà người nuôi cá nước ngọt, nước lợ ở Phong Điển, Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang, Phú Lộc phải chịu đựng do ảnh hưởng mưa lũ của cơn bão số 12 trong ngày đầu tháng vừa qua.

Hỗ trợ  căn cơ
Phép thử

Nước rút, nhưng người dân thường xuyên tham gia giao thông qua Đập Đá nối hai tuyến Lê Lợi và Nguyễn Sinh Cung lại thêm mối lo mới về sự an toàn khi ngang qua công trình này.

Phép thử
Tết đoàn viên

Thực sự thì anh cũng không rõ lắm ý nghĩa của việc treo giấy màu xung quanh bàn thờ. Hồi cha còn sống, anh cũng chưa từng hỏi.

Tết đoàn viên
Ra mắt

Cô nghe bà nói, lòng cười như nắng ban mai. Anh vui vẻ thực hiện sứ mệnh mà thực ra khi nào làm chẳng được.

Ra mắt
Return to top