ClockThứ Tư, 19/08/2015 13:45

Chuyện những người bảo vệ lăng vua

TTH - Quanh năm ở lại trông coi lăng mộ, lo cúng bái, dọn dẹp lăng tẩm và đôi khi lại làm một người hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ. Đó là hình ảnh của những người làm công tác bảo vệ lăng các vị vua nhà Nguyễn.

20 năm bảo vệ lăng vua Gia Long

Ngược dòng sông Hương, chúng tôi tìm đến lăng vua Gia Long ở Thiên Thọ Sơn, thuộc làng Định Môn, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Khác với lăng của các vị vua triều Nguyễn khác, lăng vua Gia Long không có tường thành bao phủ, ít khách tham quan vì xa xôi.
Bác Hoàng Quyết thường xuyên dọn dẹp khu vực trước Minh Thành điện
Bác Hoàng Quyết kể: Năm 1990, sau một chuyến đi bẫy thú tại lăng Gia Long, bác được các anh bảo vệ lăng Gia Long thời đó đề nghị ở lại làm bảo vệ. Nhiều lần đến thăm lăng, thích cuộc sống yên tĩnh nên bác đã đồng ý. Sau 3 năm, bác trở thành nhân viên bảo vệ chính thức thuộc biên chế Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đến nay.
Bác Quyết nhớ lại: “Ngày đó, lăng Gia Long do Công ty Quản lý lịch sử văn hóa Huế quản lý, vẫn còn hoang sơ. Hàng ngày, bác và các bảo vệ tại lăng Gia Long phải dùng rựa phát quang dần, làm sạch cỏ, bên cạnh công tác phòng chống cháy rừng. Đồng lương lúc đó ít ỏi, đôi lúc bảo vệ còn kiêm việc giữ bò (khi đó Công ty Quản lý lịch sử văn hóa Huế đưa bò lên nuôi).
Cũng hơn 20 năm làm bảo vệ tại lăng vua Gia Long, bác Hồ Thúc Muộn, Đội trưởng đội bảo vệ lăng cho biết, hiện tại đội bảo vệ có 9 người, đa số các bảo vệ là người làng Định Môn. Đội bảo vệ thay phiên nhau ăn ở lại trực trong khu vực lăng qua đêm đề phòng kẻ xấu vào lăng ăn trộm. Bên cạnh bảo vệ lăng, hàng ngày, các thành viên bảo vệ còn kiêm luôn công tác dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh các công trình của quần thể lăng vua Gia Long. Mỗi buổi sáng, đội bảo vệ chia nhau quét dọn lăng, chủ yếu là lá khô để phòng chống cháy rừng,.
Nỗi niềm
Mặc dù là quần thể lăng đầu tiên của nhà Nguyễn với kiến trúc cổ xưa nhất nhưng lăng vua Gia Long lại là ngôi lăng rất ít khi khách du lịch ghé thăm. Nguyên nhân là do lăng nằm cách xa trung tâm thành phố Huế. Cũng chính vì vậy, mà mỗi khi khách du lịch tự mình đến tham quan lăng, những người bảo vệ như bác Quyết, bác Muộn trở thành những hướng dẫn viên bất đắc dĩ.
Bác Quyết cho biết, khách tham quan lăng Gia Long ít lắm, lâu lâu mới có một đoàn, mặc dù lăng không bán vé. Đa số khách đến ghé thăm lăng đều tự phát nên không có hướng dẫn viên theo cùng. Mỗi khi có khách du lịch bác đều hướng dẫn tận tình, chu đáo.
Hơn 20 năm làm bảo vệ tại lăng vua Gia Long, bác chỉ mong muốn một ngày nào đó lăng vua Gia Long sẽ có nhiều khách du lịch tìm đến để tham quan, không đìu hiu quanh quẩn chỉ 9 người bảo vệ với nhau, cũng buồn. Bác Quyết chia sẻ.
Cũng tâm trạng như bác Quyết, bác Muộn tâm sự: Từ ngày có cây cầu phao bắc qua thôn Kim Ngọc, đường lên lăng Gia Long được thông suốt, khách Tây tự đi xe máy lên tham quan cũng nhiều hơn. Nhìn họ thích thú với khung cảnh tại lăng, bác cũng thấy vui. Hy vọng với cây cầu bê tông mới mở, nối liền trục du lịch lăng Minh Mạng với lăng Gia Long, khách du lịch sẽ biết đến lăng vua Gia Long nhiều hơn.
Võ Ngọc Thạnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng

Sáng 16/4, Sở Nội vụ phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức tập huấn công tác TĐKT năm 2024. Đến dự, có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và hơn 300 cán bộ công chức, viên chức phụ trách công tác TĐKT của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top