ClockThứ Năm, 09/07/2020 09:34

Chuyện ở bệnh viện

TTH - Ba nằm viện dài ngày, vậy nên tôi về thành phố quê nhà “nhập hộ khẩu” tại phòng bệnh. Bệnh nhân nằm giường bệnh ngoài cùng gần cửa ra vào là một phụ nữ ngoài 60 tuổi. Nghe đâu khí quản của bà bị hẹp, dẫn đến tình trạng khó thở. Nhất là khi ngủ càng khó thở và nguy hiểm hơn. Một lần trong giấc ngủ, chứng bệnh khiến bà hôn mê, may mà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Qua cơn nguy kịch, từ phòng cấp cứu bà được đưa về phòng này. Chồng bệnh nhân đen, gầy, lam lũ. Ông cười hiền kể, vợ chồng làm nông, nhưng 3 người con đều học hành đàng hoàng, hiện đều là cán bộ trong cơ quan Nhà nước. Vậy nên, con cháu thay nhau bới xách cơm, cháo, còn ông là người thường xuyên túc trực cạnh giường bệnh. Trong phòng, có lẽ ông là người “bận rộn” nhất, bởi căn bệnh của vợ ông không những nặng mà còn “đặc thù”. Khó thở, não không được cung cấp đủ ô xy, nên bà thường bị “nhấn chìm” vào các giấc ngủ không mong muốn. Ông phải thường xuyên đánh thức, chuyện trò, “kéo” bà thoát khỏi tình trạng mê mê, man man.

Phòng ở tầng 6, rộng lắm, tầm 50 giường bệnh. Bệnh viện dán dòng chữ lớn: “Phòng điều hòa, ra vào nhớ đóng cửa”, ngang tầm mắt, cả mặt trong và mặt ngoài cửa ra vào. Theo lẽ thường mỗi người sẽ phải tự có ý thức (ngoài lời nhắc nhở), ấy thế nhưng người nhà bệnh nhân, người đến thăm bệnh, rất nhiều người chẳng “đếm xỉa” đến cả 2 điều này, ra vào phòng bệnh xong, cứ vô tư để cửa mở toang hoang. Chứng kiến cảnh đó, không ít ngươi khó chịu, lầm bầm bực bội: “Thiếu ý thức quá, kiểu “cha chung không ai khóc”. Kiểu như vầy tiền điện chịu chi thấu. Không phải của mình nên không biết xót…”.

Trước tình trạng đó, ông “kiêm” luôn việc “bao đồng”, đóng cửa phòng bệnh mỗi lúc có người bày bừa ra. Người ra kẻ vào, nhiều lúc chỉ trong vài phút, ông phải liên tục đứng lên ngồi xuống đi đóng cửa mấy bận. Ông bảo nhiều người ở nơi nông thôn, rừng núi xa xôi đến khám chữa, thăm nuôi bệnh nhân, có thể chưa bao giờ “tiếp xúc” với tiện nghi hiện đại nên họ chưa quen, chưa để ý, nên thông cảm nhiều hơn. Nụ cười nhẹ nhõm của ông “kéo” những cái nhíu mày khó chịu giãn ra, cũng trở nên nhẹ nhõm. Mọi người “xắn tay” tham gia làm việc “bao đồng”, cùng với lời nhắc nhở nhẹ nhàng, nếu có người ra vào phòng bệnh nhưng vô tình, lơ đễnh không đóng cửa.

Phòng bệnh đa số người già bệnh nặng nên bệnh nhân nào cũng có người nhà túc trực. Nhưng hôm đó, cụ bà 82 tuổi lưng còng, bị hen suyễn nhập viện, không có thân nhân, nhân viên bệnh viện phải giúp cụ chuyển tư trang vật dụng về phòng bệnh. Cụ kể, chồng là liệt sĩ, hy sinh năm Mậu Thân. Con trai duy nhất của cụ sinh sống ở tỉnh xa chưa về kịp. Ông nhanh nhẹn giúp cụ sắp xếp vật dụng vào tủ cá nhân, ngó chừng để có thể tranh thủ giúp cụ những việc cần thiết. Cụ bà xúc động nắm tay ông - một người xa lạ - bỗng như người thân, vì những việc làm, tình cảm ấm áp. Thấy vậy, nhiều người khác cũng “tiếp nối” cùng ông giúp đỡ cụ bà, để cụ hoàn toàn yên tâm trong thời gian một mình tại bệnh viện. Không khí trong phòng bệnh lan tỏa tình người ấm áp. Mọi người gần gũi nhau hơn, động viên nhau vượt qua bệnh tật.

Bệnh của vợ ông đột nhiên lại trở nặng, phải chuyển trở lại phòng cấp cứu. Lần này mọi người, mỗi người một tay giúp ông thu xếp vật dụng, cùng lời nhắn mong vợ ông chóng hồi phục. Vẫn cùng tầng 6, chỉ khác phòng, nhưng ai nấy đều bịn rịn. Cũng phải thôi, với tấm lòng và những cử chỉ tốt đẹp, người đàn ông nông dân mộc mạc đó xứng đáng với tình cảm yêu mến, đầy trân trọng mọi người dành cho ông.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024)
Công nghệ AI vào bệnh viện tuyến huyện

Trung tâm Y tế Phú Vang, Hương Thủy là hai đơn vị đầu tiên của Sở Y tế triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh. Với nhiều tính năng ưu việt, công nghệ AI góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở, giảm tải cho tuyến trên.

Công nghệ AI vào bệnh viện tuyến huyện

TIN MỚI

Return to top