ClockThứ Tư, 17/06/2015 08:57

Chuyện ở một phiên tòa

TTH - Tòa: "Vì sao bị cáo trộm xe đạp điện của bị hại?". Bị cáo: "Vì bị cáo thương mẹ hoàn cảnh khó khăn nên trộm xe định bán lấy tiền "phụ giúp"". Tòa nghiêm khắc: "Không người mẹ nào mong muốn con đi ăn trộm để phụ giúp mình cả. Bị cáo nói như vậy, mẹ bị cáo phải đau lòng gấp hai lần, biết không". Bị cáo im lặng. Mẹ bị cáo đưa ống tay áo thấm nước mắt…

10 giờ đêm hôm đó, lúc đi chơi về, Lê Quang Phước (trú tại phường Thuận Hòa, TP Huế) thấy chiếc xe đạp điện của hàng xóm để trước hiên nhà, nảy sinh ý định chiếm đoạt. Xe bị khóa bánh sau không tẩu thoát ngay được, Phước đem vào phòng tắm nhà mình cất giấu, chờ cơ hội mang đi tiêu thụ. Phát hiện mất tài sản, hàng xóm lập tức hô hoán cậy nhờ mọi người tìm giúp. Cùng lúc, mẹ của Phước phát hiện chiếc xe lạ trong phòng tắm nhà mình, lờ mờ đoán biết sự việc, trình báo công an phường. Nhận được triệu tập đến làm việc của cơ quan điều tra, Phước bỏ trốn. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã. Gần nửa năm trốn tránh, cuối cùng, Phước cũng không trốn được lưới pháp luật.

Theo bị hại, ngay lúc phát hiện chiếc xe đạp điện không cánh mà bay, chị đã nghi ngờ thanh niên hàng xóm là thủ phạm. Từ năm 2004 đến 2012, Phước 4 lần bị Công an TP Huế xử phạt hành chính về các hành vi “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”, “trộm cắp tài sản” và từng bị TAND TP Huế phạt 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”, ra tù chưa được xóa án tích. Bị hại thở dài: “Tui tội nghiệp cho chị hàng xóm (mẹ bị cáo) quá. Chồng mất, một mình bươn chải nuôi hai đứa con. Bị cáo vắng cha, mẹ không có thời gian quản lý, dại dột theo dám bạn bè lêu lổng, chứ trước đây cậu ta vốn hiền lành. Người mẹ bao lần phiền muộn vì con”. Mẹ bị cáo gục mặt xuống bàn giấu nỗi tủi hổ.
Tòa: “Vì sao bị cáo trộm xe đạp điện của bị hại?”. Bị cáo: “Vì bị cáo thương mẹ hoàn cảnh khó khăn nên trộm xe định bán lấy tiền “phụ giúp””. Tòa nghiêm khắc: “Không người mẹ nào mong muốn con đi ăn trộm để phụ giúp mình cả. Bị cáo nói như vậy, mẹ bị cáo phải đau lòng gấp bội phần, biết không. Bị cáo đã 27 tuổi rồi, phải biết tu tỉnh để còn lấy vợ, sinh con. Nếu bị cáo không tỉnh ngộ, vào tù ra tội thì có người phụ nữ nào dám yêu thương bị cáo? Sau này có con làm sao dạy dỗ con?”. Bị cáo im lặng. Mẹ bị cáo đưa ống tay áo thấm nước mắt… Chị bảo vị quan tòa như “đi” trong gan ruột, “bắt” đúng nỗi trăn trở, lo lắng của chị. Mỗi lần con làm chuyện xấu chị giận và lo sợ lắm. Nhưng “nó” là khúc ruột của mình, làm sao bỏ được. Lại thương. Lại tha thứ. Chỉ mong lần sai này của con là lần cuối, để còn làm lại cuộc đời.
Theo vị kiểm sát viên, quá trình giải quyết các vụ án hình sự, có lần ông nghẹn lòng vì tội nghiệp cho một thanh niên bị cha ruột của mình nhất quyết ngoảnh mặt, từ bỏ. Bị cáo này cũng phạm tội trộm cắp, bị xử phạt tù. Bị cáo có hoàn cảnh đáng thương. Mẹ mất, cha đi bước nữa bỏ mặc hai anh em tự lo liệu cuộc sống. Muốn được cha yêu thương, nhưng người cha chỉ biết đến gia đình mới, không hề quan tâm hai đứa con mồ côi mẹ. Cậu thanh niên đó quyết định sẽ vào Nam làm thuê, học lấy một nghề rồi ở lại lập nghiệp luôn. Nhưng ngay cả tiền tàu xe cũng không có nên cậu ta nghĩ ra “kế” đến bãi giữ xe của Bệnh viện Trung ương Huế, “mượn” một chiếc xe máy bán lấy tiền làm lộ phí. Bị phát hiện bắt quả tang, thanh niên này bị xử lý hình sự theo quy định. Trong quá trình tiếp xúc làm việc, bị can đó bày tỏ mong muốn thiết tha một lần được cha đến trại tạm giam thăm. “Cậu ta nói, cứ ngóng hoài ngóng mãi nhưng ngày này qua ngày khác người cha vẫn không đến. Thương tình, tôi bảo cậu ta đọc số điện thoại người cha, tôi bấm máy gọi ông. Không ngờ ông bảo “nó” đã đến tuổi trưởng thành tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Hơn nữa “nó” ăn cắp đã khiến ông phải xấu lây nên không muốn gặp. Tôi chỉ còn biết an ủi, động viên cậu ta cố gắng cải tạo, sửa chữa để sớm được hòa nhập cộng đồng, bắt đầu lại”, vị kiểm sát viên chia sẻ.
Lúc bị cáo Phước ra “xe tù”, người mẹ lật đật chạy theo sau: “Con nhớ lời quan tòa, ráng cải tạo. Mẹ không bao giờ ghét bỏ con…” Lúc này, mắt bị cáo hoe đỏ.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau
Return to top