ClockThứ Năm, 26/07/2018 09:46

Chuyện ở nghĩa trang liệt sĩ

TTH - Bởi ba tôi già yếu, anh trai tôi là bộ đội biền biệt xa quê nên hễ có dịp ngang qua hoặc gần đến ngày 27/7, tôi lại thay mặt gia đình đến Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) thắp hương lên ngôi mộ của người bác ruột, ngồi cạnh bác cho đến lúc hương tàn.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ TP. HuếLãnh đạo tỉnh viếng nghĩa trang liệt sĩ và dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí MinhNgười viết văn bia cho nghĩa trang liệt sĩ thành phố HuếViếng các Anh hùng liệt sĩ nhân ngày giải phóng quê hương

Trước 27/7 năm ngoái, tôi lại đến dâng nén tâm hương lên bàn thờ chung của nghĩa trang, lên mộ bác và những ngôi mộ liệt sĩ nằm san sát, đồng đội của bác tôi. Ở khu mộ bên cạnh, một phụ nữ tuổi tầm ngoài bảy mươi và người đàn ông trung niên đang lúi húi cẩn thận cắm hương lên từng ngôi mộ, suốt mấy dãy dài. Đặc biệt, với những ngôi mộ mà tấm bia ghi “liệt sĩ chưa biết tên”, người phụ nữ dừng lại lâu hơn một chút. Sau cùng, bà trở lại ngồi cạnh ngôi mộ của người thân, ôm lấy ngôi mộ, òa khóc.

Tình cảm dành cho các liệt sĩ đã hy sinh dường như xóa tan khoảng cách giữa những người chưa từng một lần quen biết. Tôi đến cạnh. Bà cũng tự nhiên mà trải lòng. Quê bà tận mãi ngoài Bắc, hôm nay đi cùng con trai vào. Người nằm dưới mộ là anh trai ruột, hy sinh khi chưa có vợ con. Bao nhiêu năm trôi qua, lúc còn sống cha mẹ bà thỉnh thoảng mới vào thăm con vì đường sá quá xa xôi, điều kiện kinh tế của gia đình làm nông cũng không cho phép. Có lần bà ngỏ lời, muốn đưa hài cốt anh về quê nhà để tiện gần gũi khói hương chăm sóc. Nhưng cha mẹ bà bảo, đưa anh về thì anh gần gũi được với người thân, nhưng lại phải rời xa đồng đội. “Anh con về, có lẽ sẽ rất nhớ đồng đội. Có lẽ những đồng đội vẫn nằm lại trong nghĩa trang sẽ rất buồn nhớ anh con. Nhất là hương linh của những liệt sĩ chưa tìm được tên, chưa tìm được người thân, họ cần biết bao tình đồng đội. Các anh đã cùng bên nhau trong những ngày tháng, phút giây sinh tử, bây giờ hãy để các anh tiếp tục bên nhau. Cha mẹ tôi dặn dò như vậy đó”. Bà bảo, tuổi đã già không biết sống chết lúc nào. Có thể đến dịp này sang năm, bà không còn cơ hội vào đây dâng hương cho các anh, cảm xúc không nén được nên mới vỡ òa như vậy.

Con trai của bà nắm tay mẹ, giọng trầm trầm: “Mẹ yên tâm. Mẹ yếu không đi được thì đã có con, có các cháu. Đời này nối đời khác, chẳng bao giờ con cháu quên được máu thịt xương cốt của cha ông đã hy sinh…” Không gian như ngưng đọng giữa những làn khói hương. Thật đúng. Cha tôi không có mặt nơi đây. Biết bao ông bố bà mẹ không có mặt nơi đây, nơi nghĩa trang này và hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ khác trên mọi miền đất nước, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Nhưng tấm lòng những người còn sống, dù ở đâu cũng luôn hướng về, luôn khắc ghi công ơn và dành tình yêu thương đối với cha ông đã ngã xuống cho non sông đất nước, cho cuộc sống hôm nay tươi đẹp.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ

Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, sáng 31/8, TX. Hương Thủy tổ chức lễ viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã.

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ
Hương Thủy: Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ

Sáng 24/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ TX. Hương Thủy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã tổ chức Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hương Thủy Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top